BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Thủ tục đầu tư
Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc
Thứ Năm, 24/05/2018 03:46
Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành luật này để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, tạo tăng trưởng mới không chỉ có 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà còn cho các 3 tỉnh và cả nước

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần rà soát hoàn chỉnh thêm dự án luật để bảo đảm tính cạnh tranh, tính vượt trội nhưng cũng bảo đảm hợp lý khả thi, bảo đảm quốc phòng, an ninh, môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu và giải trình một số ý kiến đại biểu quan tâm.

Về ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo Dự án Luật phải tiếp cận theo hướng lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực hiện nay đang cạnh tranh và xu thế chuyển dịch trong làn sóng thứ 3 giữa các nước trên thế giới, như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, nghiên cứu phát triển khởi nghiệp sáng tạo, các dịch vụ về tài chính thương mại quốc tế, vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo v.v... phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các đặc khu. Đồng thời phải tiếp cận theo phương pháp khoa học, các mô hình của các công ty tư vấn thế giới đang sử dụng.

“Chúng tôi cho rằng phải tập trung lựa chọn ngành nghề không dàn trải để ưu tiên ưu đãi nhằm phát triển thành mũi nhọn, còn các ngành không ưu tiên thì vẫn được thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về cơ chế chính sách, cở quan soạn thảo tiếp cận theo hai hướng, thứ nhất, tạo lập môi trường, thể chế một cách thuận lợi, điều kiện và thủ tục thật hấp dẫn và thông thoáng. Cụ thể đã quy định 25 điều trên 85 điều quy định liên quan đến những vấn đề về thủ tục và môi trường. Về thuế và miễn thuế, giảm thuế mặt đất, mặt nước để cạnh tranh với các nước đã được hình thành đặc khu và vẫn liên tục ra sức thành lập các khu mới với những cơ chế chính sách mới để cạnh tranh thu hút dòng tiền đầu tư.

Nếu Việt Nam không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, các ưu đãi phải thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước và cạnh tranh được với quốc tế, nhưng cũng chỉ đủ để đảm bảo thu hút chứ không lạm dụng việc này. Quan trọng nhất vẫn là môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường đầu tư.

Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh không vượt quá 99 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội và đồng tình với các đại biểu cho rằng phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt, phải quy định thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm.

Về cấp giấy phép đầu tư theo thủ tục rút gọn, Luật đặc khu thực hiện theo phương thức tiếp cận theo hướng đăng ký đầu tư, tức là giảm khâu tiền kiểm, tăng cường giám sát ở khâu hậu kiểm. Tiếp cận theo cách như vậy đối với các nhà đầu tư không sử dụng đất. Đối với dự án sử dụng đất vẫn xem xét một cách thận trọng, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư, sau 1 năm nếu không triển khai sẽ thu hồi dự án, không để các nhà đầu tư lợi dụng việc xin thủ tục dễ dãi không đầu tư hay gây khó khăn sau này cho các cơ quan.

Đối với việc thu hồi đất, ngoài việc phải thực hiện theo Điều 62 Luật Đất đai, dự thảo luật lần này bổ sung 3 loại: Các dự án về kết cấu hạ tầng; Phải phù hợp với quy hoạch; Các nhà đầu tư chiến lược. Đây là dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược, cần có sự tham gia của nhà nước thu hồi đất để giao đất lại cho các nhà đầu tư.

Vấn đề quy hoạch, quy định đặc khu chỉ có một quy hoạch và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và kết nối được với cả hệ thống quy hoạch trong cả nước và phải phù hợp với ngành nghề ưu tiên phát triển, đảm bảo cạnh tranh. Đối với thẩm quyền, khi điều chỉnh phê duyệt, tinh thần là cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt, thuộc ai thì người phê duyệt đó sẽ phê duyệt điều chỉnh khi lập quy hoạch tiếp theo.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị được giữ như dự thảo, đưa ra miễn, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino. Hiện nay tất cả các nước đều mở dịch vụ casino để cạnh tranh dòng tiền trong nhu cầu của con người khi chơi casino, nếu Việt Nam khuyến khích, cho phép thì phải đảm bảo cạnh tranh, có đầu tư lớn và làm thật bài bản. Muốn đầu tư lớn phải có chính sách miễn giảm hợp lý cho nhà đầu tư và mới có được những khu cạnh tranh thu hút được dòng tiền trên thế giới.

Đối với nhà đầu tư chiến lược, không chỉ bỏ vốn vào các dự án lớn mà phải có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia từ quy hoạch, đề xuất thể chế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu đó theo mục tiêu đã định, đổi lại đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng./.

ĐTNN

Số lượt đọc: 2683
Thông báo