Mục tiêu đầu tiên của
công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu
cơ chế, chính sách đầu tư ở một số địa bàn cụ thể, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội
đầu tư kinh doanh phù hợp. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư
ra nước ngoài được tiến hành, tập trung chủ yếu vào các địa bàn đầu tư lân cận
là Lào, Campuchia và Myanmar, bắt đầu mở rộng sang một số thị trường như Nga,
Úc, một số nước Châu Phi. Tuy nhiên, tùy theo quan điểm quản lý đối với đầu tư
ra nước ngoài trong từng thời kỳ, mục tiêu của việc xúc tiến đầu tư ra nước
ngoài cũng có sự thay đổi. Trước một số bất cập, hạn chế của hoạt động đầu tư
ra nước ngoài bộc lộ trong 2 năm trở lại đây, việc xúc tiến đầu tư ra nước bắt
đầu có sự chuyển hướng: bên cạnh mục tiêu kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở
nước ngoài, còn có mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy triển khai có hiệu quả các dự án
đã có, định hướng các dự án đầu tư mới vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thuận
lợi, có lợi ích gắn với nền kinh tế trong nước.
Các hình thức và các tổ
chức tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
(i) các hội nghị xúc
tiến/hợp tác đầu tư song phương cấp Thủ tướng Chính phủ; các hội nghị XTĐT song
phương/đa phương cấp Bộ, ngành; các tọa đàm XTĐT giữa các địa phương của Việt
Nam với một số địa phương có quan hệ hợp tác đầu tư lẫn nhau (ví dụ như); phối
hợp với các tổ chức nước ngoài, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức
các cuộc hội thảo giới thiệu môi trường đầu tư nước sở tại.
(ii) các hoạt động tập
huấn chính sách về đầu tư ra nước ngoài của các Bộ, ngành để cung cấp các thông
tin về chính sách của nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, chính
sách, cơ hội đầu tư tại một số quốc gia đến các doanh nghiệp, cơ quản quản lý
đầu tư ở địa phương;
(iii) hoạt động xuất bản
sách, tài liệu hướng dẫn thủ tục đầu tư ra nước ngoài và giới thiệu môi trường
đầu tư tại một số nước, giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư của các nước
bên ngoài (do cả cơ quan quản lý trong nước, đại sứ quán Việt Nam tại nước
ngoài, các tổ chức, hiệp hội thực hiện);
(iv) thực hiện các hoạt
động hợp tác quốc tế để xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và đầu tư có hiệu
quả tại nước ngoài;
(v) hỗ trợ các doanh
nghiệp Việt Nam giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại nước ngoài cũng như các
vấn đề vướng mắc trong nước trong quá trình thực hiện dự án tại nước ngoài;
(vi) tổ chức các đoàn
doanh nghiệp ra nước ngoài để khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư
một cách độc lập hoặc đi theo các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của
Chính phủ, nhà nước tại nước ngoài.
Công tác xúc tiến đầu tư
ra nước ngoài có sự tham gia đa dạng của nhiều cơ quan, tổ chức từ các cơ quan
quản lý cấp trung ương (trong đó chủ yếu là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư
cách cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài)
đến các địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương giáp biên
giới Lào, Campuchia, các địa phương nằm trong khu tam giác phát triển Việt Nam
– Lào – Campuchia), các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp như VCCI, Hiệp hội các
nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Campuchia và Myanmar (AVIC, AVIL, AVIM), Hội hợp
tác phát triển kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia.
Những năm qua, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư gồm tổ
chức các hội nghị/hội thảo/tọa đàm xúc tiến đầu tư, in ấn biên soạn tài liệu
hướng dẫn đầu tư, tập huấn chính sách đầu tư ra nước ngoài, tổ chức các đoàn
khảo sát môi trường đầu tư tại một số địa bàn, tăng cường quan hệ hợp tác với
cơ quan quản lý đầu tư của nước ngoài, tăng cường các hoạt động hỗ trợ giải
quyết các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư Việt Nam khi thực hiện dự án tại
nước ngoài.
Công tác xúc tiến đầu tư
ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chủ yếu vào các hoạt động hợp
tác với cơ quan quản lý đầu tư của nước ngoài để thu thập thông tin môi trường
đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư một cách an toàn, chính thức, thúc đẩy từng
dự án triển khai có hiệu quả tạo nền tảng thu hút các dự án đầu tư mới, nghiên
cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng đầu tư ra nước ngoài phù hợp
với tình hình. Đối với công tác kết nối đầu tư cần thu hút các tổ chức Hiệp hội
tham gia thực hiện, thúc đẩy triển khai cụ thể đến từng doanh nghiệp.
Năm 2014, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, mà cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài đăng ký 8 hoạt động xúc tiến đầu tư,
trong đó có 4 đoàn công tác tại các thị trường quan trọng và tiềm năng để khảo
sát cơ hội đầu tư (tại Myanmar) và hỗ trợ thúc đẩy triển khai dự án đã có (tại
Lào và Campuchia). Các hoạt động khác bao gồm: tổ chức Hội nghị XTĐT Việt Nam –
Lào theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng chiến lược đầu tư sang Lào,
rà soát toàn bộ các dự án đầu tư ra nước ngoài và xuất bản sách về chính sách
pháp luật liên quan đến đầu tư ra nước ngoài. Đây là các hoạt động đã được tiến
hành đều đặn từ 03 năm trở lại đây và cần thiết duy trì để đáp ứng nhu cầu thúc
đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài đi vào hiệu quả, đặc biệt theo Chỉ thị
26/CT-TTg ngày 23/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động
đầu tư sang Lào và Campuchia.
Thời gian qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt
Nam gia tăng mạnh mẽ cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành. Mặt được của
hoạt động này là tạo sự quan tâm của doanh nghiệp đối với các cơ hội đầu tư ra
nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm các dự án đầu tư phù hợp, cung cấp
thông tin cần thiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu
thị trường đầu tư và đặc biệt là thể hiện cam kết của chính phủ trong việc hỗ
trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án tại nước ngoài thông qua quan
hệ hợp tác với chính phủ nước ngoài; các thỏa thuận, cam kết với chính phủ, địa
phương nước sở tại. Tại các thị trường Lào, Campuchia, nhiều hội nghị xúc tiến
đầu tư cấp nhà nước với sự tham dự của Thủ tướng chính phủ hai nước đã được tổ
chức từ năm 2009 đến nay đã góp phần gia tăng quy mô số lượng dự án, vốn đầu tư
sang hai địa bàn này. Nhiều dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được ký kết triển
khai sau các hội nghị này.
Tuy nhiên, công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài hiện nay còn tồn
tại một số vấn đề: nhiều hoạt động tổ chức dồn dập, quy mô lớn gây lãng phí,
chưa có hiệu quả tương xứng (chủ yếu là các hội nghị xúc tiến đầu tư), các hoạt
động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, khảo sát thị trường kết nối đầu tư còn
ít, chưa được quan tâm đúng mức; các tài liệu hướng dẫn, giới thiệu cơ hội đầu
tư còn ít, chưa cập nhật, nhân sự và cơ quan đầu mối tập trung vào hoạt động
xúc tiến, hỗ trợ đầu tư còn thiếu.
Định hướng xây dựng hoạt động xúc tiến
đầu tư ra nước ngoài:
Công tác xúc tiến đầu tư
ra nước ngoài cần tập trung, có trọng điểm, tránh dàn trải, đều đặn một cách
kém hiệu quả, tránh các hoạt động phô trương không cần thiết, có mục tiêu cụ
thể gắn liền với định hướng quản lý đầu tư ra nước ngoài trong từng thời kỳ.
Từng hoạt động cần chú
trọng vào chất lượng, công tác chuẩn bị và theo dõi kết quả, đúc rút kinh
nghiệm, đánh giá để có các điều chỉnh cần thiết đối với các hoạt động xúc tiến
sau.
Tiếp tục đa dạng hóa các
hình thức xúc tiến đầu tư, nguồn lực xúc tiến đầu tư (mở rộng việc xúc tiến đầu
tư tại chỗ thông qua việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tổ chức
các chương trình tại Việt Nam để tiết kiệm chi phí, tăng cơ hội tiếp cận thông
tin của doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư).
Có sự liên kết, phối hợp
giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư của các cấp ngành, địa phương, tổ chức liên
quan để tạo sức mạnh tổng hợp, tăng hiệu quả, giảm chi phí của các hoạt động;
Xây dựng và kiện toàn cơ chế thông tin, phối hợp về công tác xúc tiến đầu tư ra
nước ngoài giữa cấp trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý đầu mối về
đầu tư ra nước ngoài là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan.
Các cơ quản nhà nước
tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư có sự hợp tác với cơ quản quản lý của
nước ngoài, tập trung xây dựng đề xuất cơ chế Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp,
tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho đầu tư ra nước ngoài, tích cực đàm phán
các thỏa thuận song phương, đa phương tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của
doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.
Các địa phương đan xen
lồng ghép việc xúc tiến đầu tư trong hợp hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố ở
nước ngoài nhằm phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các
địa phương giáp biên giới Lào, Campuchia.
Đối với định hướng ngành và địa bàn đầu tư ra nước ngoài trong những
năm tiếp theo cần tiếp tục khuyến khích đầu tư ra nước ngoài đối với:
- Các địa bàn khai thác
và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các
thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar, Liên Bang Nga..., từng
bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La Tinh, Đông Âu, châu
Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt
Nam.
- Lĩnh vực thương mại,
xuất nhập khẩu, dịch vụ các loại, vận tải, xây dựng, khai thác tài nguyên thiên
nhiên, trồng cây công nông nghiệp, đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp đã có sản
phẩm dịch vụ tốt, mở rộng thị trường sang nước ngoài, các dự án đầu tư đi theo,
hỗ trợ các dự án đầu tư đã có tại nước ngoài.
- Khuyến khích và hỗ trợ
các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên
liệu phục vụ sản xuất.
- Các hoạt động xúc tiến
đầu tư ra nước ngoài phải đảm bảo có mục tiêu rõ ràng, cần thiết, có nội dung
cụ thể, thiết thực, không phô trương mà đi vào chiều sâu, tác động đến nhiều
doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.