Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á nhất trí xem xét từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước
Tối ngày 4/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11. Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao các nước đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.
Các nước nhất trí cần phối hợp chặt chẽ triển khai tích cực kết quả Hội nghị cấp cao EAS lần thứ 15 năm 2020, nhất là triển khai Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS. Trong giai đoạn phát triển mới, các nước nhấn mạnh EAS cần phát huy hơn nữa vai trò, giá trị chiến lược và nâng cao khả năng ứng phó trước những khó khăn, thách thức phức tạp và khó lường trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ASEAN và các đối tác EAS nhất trí cần tiếp tục đề cao cách tiếp cận đa phương, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên, ứng phó hiệu quả Covid-19 và chung tay thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững.
ASEAN với các đối tác EAS nhất trí nỗ lực tập trung hoàn tất Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các ưu tiên phù hợp với tình hình mới, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phục hồi và tăng trưởng. Các nước đối tác EAS cam kết hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu và phát triển vaccine, bảo đảm phân phối vaccine an toàn, hiệu quả và đồng đều, hỗ trợ thiết bị y tế cần thiết. ASEAN đề nghị các nước đối tác EAS ủng hộ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể.
Các nước nhất trí duy trì và thúc đẩy liên kết kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, ổn định kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, phối hợp xem xét từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong điều kiện cho phép, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng xanh và bền vững. Nhiều đối tác EAS với thế mạnh của mình khẳng định sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong thúc đẩy phục hồi bền vững, mở rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…
Các nước nhất trí phối hợp chuẩn bị Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 vào tháng 10/2021, trong đó soạn thảo các văn kiện kết quả chính của Hội nghị về các chủ đề hợp tác sức khỏe tinh thần, tăng trưởng xanh, và thúc đẩy tăng trưởng thông qua phục hồi du lịch.
Trao đổi về các thách thức phức tạp đang nổi lên, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình Myanmar…, các nước khẳng định cần tiếp tục phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định là lợi ích chung, nhất là trong bối cảnh các nước tập trung ứng phó dịch bệnh và nỗ lực phục hồi; nhấn mạnh EAS cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho các nỗ lực này.
Trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, các nước nhấn mạnh cần phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác; kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS năm 1982. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các đối tác hoan nghênh vai trò và những nỗ lực của ASEAN thời gian qua nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ ASEAN triển khai thành công Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trải qua 15 năm, EAS đã phát huy hiệu quả vai trò và giá trị của mình, đóng góp quan trọng thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng tại khu vực, trên cơ sở chia sẻ lợi ích và định hướng bởi các nguyên tắc về quan hệ cùng có lợi; đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc định hướng quan trọng này nhằm bảo đảm EAS là cơ chế đối thoại, hợp tác và giảm thiểu các phức tạp về chiến lược.
Nhấn mạnh cần tập trung ứng phó Covid-19, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi các đối tác EAS, với thế mạnh của mình, hỗ trợ cung ứng vaccine đồng đều cho các nước ASEAN và nâng cao tự cường vaccine tại khu vực thông qua tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ và hình thành các chuỗi sản xuất vaccine tại khu vực; đồng thời đề nghị các nước EAS phối hợp thúc đẩy phục hồi, củng cố kết nối chuỗi cung cứng khu vực và toàn cầu, duy trì mở cửa thị trường, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư và tận dụng hiệu quả thoả thuận liên kết kinh tế khu vực như các Hiệp định FTA giữa ASEAN với đối tác, Hiệp định RCEP và Hiệp định CPTPP.
Chia sẻ các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN và Việt Nam về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và không gây nguy hại đối với môi trường biển. Mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982. Bộ trưởng kêu gọi các bên nỗ lực hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Bộ trưởng tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương. Bộ trưởng nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được qui định trong UNCLOS 1982 phải được tôn trọng. Bộ trưởng chỉ rõ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Kết thúc Hội nghị, Brunei, Chủ tịch EAS sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị.
*****
ASEAN ở vị trí trung tâm trong triển khai chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ
Chiều ngày 4/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, coi ASEAN ở vị trí trung tâm trong triển khai chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, xây dựng Cộng đồng, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Bộ trưởng Ấn Độ đánh giá cao các nước ASEAN đã bày tỏ tình cảm đoàn kết và tương trợ lẫn nhau với Ấn Độ trong ứng phó Covid-19; nhấn mạnh cần tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau ứng phó đại dịch, bao gồm cung cấp vật tư y tế, thuốc điều trị và vaccine Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực y tế dự phòng và phối hợp thúc đẩy tự cường chuỗi cung ứng trong khu vực.
Thay mặt ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, hoan nghênh Ấn Độ tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực thông qua Chính sách hành động hướng Đông, khẳng định ASEAN phối hợp với Ấn Độ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai bên phát triển vững mạnh, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển thịnh vượng và tăng cường quan hệ gắn kết giữa hơn 2 tỷ người dân của cả hai bên.
Các nước ASEAN đánh giá cao Ấn Độ đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và mong muốn phối hợp chặt chẽ với Ấn Độ thúc đẩy các nỗ lực phục hồi toàn diện và bền vững tại khu vực, bao gồm hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể. ASEAN hoan nghênh Ấn Độ đề xuất xác định năm 2022 là Năm hữu nghị ASEAN - Ấn Độ để kỷ niệm các mốc phát triển quan trọng của quan hệ hai bên, trong đó có kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại và 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ vào năm 2022.
ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ hỗ trợ nhau ứng phó Covid-19, giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch và thúc đẩy phục hồi, duy trì và thúc đẩy hợp tác thông qua triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn mới 2021-2025, tập trung ưu tiên thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư, kết nối, hợp tác biển, kinh tế biển xanh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển…
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN và Ấn Độ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ đóng góp vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.
Ấn Độ hoan nghênh kết quả Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021 và khẳng định ủng hộ vai trò và những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Hai bên nhất trí phối hợp soạn thảo văn kiện hợp tác trong khuôn khổ Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Ấn Độ là láng giềng thân thiết và đối tác lâu đời của ASEAN và hoan nghênh tăng cường hợp tác ASEAN - Ấn Độ, đóng góp cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực; cảm ơn Ấn Độ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Bộ trưởng đề nghị Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ cung ứng vaccine kịp thời và ổn định cho các nước ASEAN; khuyến khích Ấn Độ, với thế mạnh của mình, sẽ hỗ trợ các nước ASEAN ứng dụng các thành quả công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo, đóng góp cho các nỗ lực phục hồi và tăng trưởng; đồng thời trông đợi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ấn Độ tiếp tục tạo thuận lợi trao đổi thương mại và đầu tư và duy trì kết nối chuỗi cung ứng khu vực.
Chia sẻ với Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao Ấn Độ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, đề nghị Ấn Độ ủng hộ các nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác, an ninh, an toàn và thân thiện với môi trường.
Kết thúc Hội nghị, Thái Lan đã chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ cho Singapore.
*****
Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga đã được tổ chức vào chiều ngày 4/8/2021. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar, đại diện nước điều phối quan hệ ASEAN - Nga và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov đồng chủ trì và điều hành Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định coi trọng đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết tiếp tục tham gia tích cực trong các cơ chế do ASEAN chủ trì, tăng cường đối thoại, hợp tác, phối hợp ứng phó hiệu quả các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đầy bất ổn và phức tạp. Nga cho biết sẽ tiếp tục cung ứng vaccine cho các nước ASEAN, khẳng định sẵn sàng chuyển giao và mở rộng sản xuất vaccine tại Đông Nam Á, tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo các chuyên gia và nhân viên y tế cho các nước ASEAN.
Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Indonesia hoan nghênh những tiến triển trong quan hệ hợp tác ASEAN - Nga kể từ khi năm 2018 khi ASEAN và Nga chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược. Các nước ASEAN đánh giá cao kết quả của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga vào tháng 7 vừa qua, góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên, nỗ lực hợp tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi; hoan nghênh đề xuất của Nga tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 4 kỷ niệm 30 năm quan hệ và 25 năm đối tác hai bên nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10/2021, nhất trí phối hợp xây dựng các văn kiện, bảo đảm kết quả hợp tác thực chất giữa hai bên; và hy vọng mốc kỷ niệm trong năm 2021 sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy đà phát triển quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian tới.
ASEAN và Nga hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán Kế hoạch hành động toàn diện giai đoạn 2021-2025, đồng thời nhấn mạnh đây sẽ là cơ sở định hướng hợp tác hai bên trong 5 năm tới, sau khi được chính thức thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga vào tháng 10/2021. Hai bên nhất trí tiếp tục dành ưu tiên hợp tác ứng phó đại dịch và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi toàn diện. ASEAN đề nghị Nga tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng, cung ứng và giúp các nước ASEAN tự chủ vaccine.
Nga mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp trên các diễn đàn đa phương tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở rộng hợp tác giữa các cơ chế của ASEAN với các khuôn khổ như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Nga đề xuất công bố năm 2022 là Năm ASEAN - Nga về Hợp tác khoa học, công nghệ và công nghiệp; và thông báo dự kiến sẽ tổ chức Đối thoại ASEAN-Nga lần thứ nhất về các vấn đề liên quan an ninh công nghệ thông tin và truyền thông cuối năm 2021.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất ổn cùng với những thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đề cao chủ nghĩa đa phương, củng cố và xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của Nga trong thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên đối với ổn định và phát triển khu vực, trong đó hoan nghênh Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ vaccine và mở rộng sản xuất cho các nước bên ngoài; khuyến khích các doanh nghiệp ASEAN và Nga tăng cường trao đổi, kết nối, khai thác và tận dụng hiệu quả tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn giữa hai bên, ủng hộ xem xét xây dựng Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) trong thời gian tới, trên cơ sở các FTA đã có giữa EAEU và từng nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam và Singapore.
Trưởng đoàn Việt Nam hoan nghênh Nga, với tư cách là cường quốc trong khu vực và trên thế giới, đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong nỗ lực duy trì và bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định khu vực, trông đợi Nga tiếp tục tích cực ủng hộ và đóng góp cho xây dựng lòng tin, tin cậy lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các quốc gia; đồng thời khẳng định ủng hộ thúc đẩy trao đổi tiếp xúc cấp cao giữa hai bên, bao gồm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga tháng 10/2021 kỷ niệm 30 năm quan hệ và 25 năm đối tác hai bên.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Nga, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp tích cực vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Nga; và tin tưởng chắc chắn, quan hệ ASEAN - Nga, trưởng thành qua 3 thập kỷ, sẽ tiếp tục phát triển và mang lại lợi ích cho cả hai bên trong giai đoạn phát triển mới.
Kết thúc Hội nghị, Campuchia chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nga trong giai đoạn 2021-2024 được chuyển giao từ Indonesia.
*****
ASEAN đề nghị Australia thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung ứng vaccine Covid-19
Sáng ngày 4/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - Australia. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phụ nữ Australia Marise Payne và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự.
Nhấn mạnh nền tảng quan hệ vững chắc đã thiết lập từ năm 1974 đến nay, Bộ trưởng Marise Payne khẳng định Australia luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tham gia hợp tác hiệu quả và sâu rộng vào các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN chủ trì; hoan nghênh việc nâng tần suất họp cấp cao ASEAN - Australia thành thường niên từ năm nay, góp phần thúc đẩy động lực phát triển quan hệ hai bên trong thời gian tới. Bộ trưởng Australia thông báo đang triển khai gói đầu tư khoảng 500 triệu AUD hỗ trợ phục hồi toàn diện ở khu vực; cam kết triển khai sáng kiến an ninh y tế và tiếp cận vaccine trị giá 523 triệu AUD, cũng như hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể; khởi động chương trình đào tạo cấp học bổng cho 40 chuyên gia và nhân viên y tế các nước ASEAN và sẽ tổ chức đối thoại ASEAN-Australia về sức khoẻ tinh thần cho thanh niên trong thời gian tới.
Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Malaysia đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác ASEAN - Australia mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Australia tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai bên đạt hơn 100 tỷ AUD. Các nước ASEAN đánh giá cao hỗ trợ kịp thời của Australia, đóng góp 1 triệu AUD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và 21 triệu AUD cho Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Dịch bệnh nhiễm mới nổi (ACPHEED), đồng thời đề nghị Australia thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung ứng vaccine Covid-19 an toàn, đồng đều và hiệu quả.
Trao đổi về định hướng hợp tác, ASEAN và Australia nhất trí tiếp tục ưu tiên phối hợp kiểm soát hiệu quả Covid-19, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau khắc phục các tác động do đại dịch gây ra và đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bền vững. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng và hàng hóa thiết yếu, tận dụng hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển cơ sở hạ tầng số nhằm góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.
Các nước ASEAN đề nghị Australia, với thế mạnh của mình, tiếp tục hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, hợp tác phát triển tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển v.v.
Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và ổn định ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới vốn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn, những diễn biến phức tạp, đáng quan ngại. Australia nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, xây dựng một COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Hoan nghênh kết quả Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021, Australia khẳng định ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Australia đã bước sang giai đoạn phát triển mới với việc chính thức tổ chức cấp cao thường niên bắt đầu từ năm nay. Bộ trưởng đánh giá cao và đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó kịp thời và hiệu quả đối với Covid-19 trong thời gian qua; nhấn mạnh ASEAN và Australia cần nỗ lực bảo đảm duy trì mở cửa thị trường, ổn định kết nối chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các thoả thuận thương mại hiện có trong khu vực; đồng thời khuyến khích Australia tích cực tham gia nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm tăng trưởng bao trùm tại các tiểu vùng, trong đó có Mê Công.
Chia sẻ ý kiến các nước đã nêu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Australia phối hợp đẩy mạnh đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước UNCLOS 1982; khẳng định ASEAN cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt được một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, Malaysia chính thức chuyển giao vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Australia giai đoạn 2021-2024 cho Lào.
*****
ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí đẩy mạnh hợp tác thương mại – đầu tư, chuyển đổi số, năng lượng
Sáng ngày 4/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.
Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định chính quyền Tổng thống Biden coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược năng động, hiệu quả với ASEAN trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm và phát triển thịnh vượng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó Covid-19, nỗ lực tăng công suất sản xuất, bảo đảm cung ứng vaccine đầy đủ, an toàn và hiệu quả; đã tài trợ 160 triệu USD và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước khu vực ứng phó đại dịch; và đóng góp 500.000 USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Ngoại giao Lào hoan nghênh Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với ASEAN và khu vực, đề cao hợp tác đa phương, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, cung cấp vaccine cho các nước ASEAN, đánh giá cao Hoa Kỳ tạm thời dỡ bỏ bản quyền vaccine trong khuôn khổ WTO.
Các nước hoan nghênh những tiến triển hợp tác tích cực thời gian qua, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kim ngạch thương mại đạt 308,3 tỷ USD năm 2020, đưa Hoa Kỳ lên thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN; đồng thời Hoa Kỳ vẫn duy trì vai trò là nhà đầu tư FDI lớn nhất với 34,7 tỷ USD vào ASEAN.
ASEAN và Hoa Kỳ nhất trí tiếp tục dành ưu tiên ứng phó dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy phục hồi bền vững, trong đó tập trung đẩy mạnh hợp tác thương mại-đầu tư, chuyển đổi số, năng lượng… cũng như thông qua các chương trình hợp tác phát triển của Mỹ hỗ trợ cho khu vực. Các nước ASEAN mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19. Hoa Kỳ cũng đề xuất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, trao quyền cho phụ nữ, môi trường-biến đổi khí hậu…, đóng góp cho các nỗ lực phục hồi đồng đều, bền vững.
Nhận định tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức mới nảy sinh, ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định phối hợp chặt chẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hoa Kỳ nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982, với quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan được tôn trọng và đề cập phù hợp. Ngoại trưởng Hoa Kỳ hoan nghênh vai trò và những nỗ lực của ASEAN thời gian qua nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình, đồng thời nhấn mạnh ủng hộ ASEAN triển khai thành công Đồng thuận 5 điểm đạt được tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hoan nghênh Hoa Kỳ hợp tác sâu rộng với ASEAN. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với Covid-19 và biến đổi khí hậu; đánh giá cao Hoa Kỳ cung cấp vaccine cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước ASEAN. Việt Nam trông đợi Hoa Kỳ hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng cho các nước khu vực thông qua Văn phòng đại diện khu vực tại Việt Nam. ASEAN sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư, kinh doanh tại khu vực; đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm tăng trưởng bền vững tại các tiểu vùng ASEAN, trong đó có Mekong và thông qua khuôn khổ Đối tác Mekong - Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định các nước, trong đó có ASEAN và Hoa Kỳ, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các bên cần thể hiện thiện chí hợp tác, hành động có trách nhiệm, cùng nhau hướng tới xây dựng Biển Đông hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường. Bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Bộ trưởng mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN duy trì hoà bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, cũng như ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ tìm giải pháp ổn định tình hình Myanmar.
Kết thúc Hội nghị, Indonesia chính thức tiếp nhận điều phối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2024.