BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Một số tổ chức quốc tế khác
ASEM
Thứ Năm, 27/03/2014 12:05
ASEM

GIỚI THIỆU VỀ HỘI NGHỊ Á- ÂU (ASEM) 

Thành viên:
  15 nước Liên minh châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, áo, Hy Lạp, Aixơlen, Italia, Hà Lan, Lúcxămbua, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh và 7 nước ASEAN (Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo, Thái Lan, Việt Nam), ba nước Đông Bắc á(Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Uỷ ban châu Âu.

Dân số: 40% dân số thế giới.

Tổng sản phẩm quốc dân: chiếm 48,9% GDP thế giới.

Kim ngạch thương mại: 59% thương mại toàn cầu.

Trong hai ngày 01 và 02/3/1996, Hội nghị Cấp cao á - Âu lần thứ nhất (ASEM) đã được tổ chức tại Băng Cốc, đánh dấu sự ra đời của tiến trình hợp tác á - Âu. Tiến trình này ra đời xuất phát từ thực tế là mối quan hệ giữa châu á và châu Âu kém phát triển hơn so với quan hệ giữa châuávà châu Mỹ, cũng như giữa châu Âu với Bắc Mỹ. Do đó, Thủ tướng Xingapo đã đề nghị tổ chức một hội nghị giữa các nhà lãnh đạo châuávà châu Âu nhằm tăng cường "mối quan hệ bị lãng quên này".

Theo Khuôn khổ hợp tác á- Âu thông qua tại ASEM II ở Anh tháng 4/1998 và Khuôn khổ hợp tác á - Âu 2000 thông qua tại ASEM III ở Hàn Quốc tháng 10/2000, mục đích của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa á -Âu vì sự phát triển mạnh mẽ hơn" trong thế kỷ XXI. ASEM tiến hành hoạt động theo những nguyên tắc sau:

- Bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;

- ASEM là một quá trình mở, tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết thể chế hóa;

- Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau;

- Triển khai đồng đều ở cả ba lĩnh vực hợp tác chủ yếu là tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác;

- Việc mở rộng thành viên cần phải được thực hiện với sự nhất trí chung của các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

Về cơ chế điều phối các hoạt động của ASEM, theo quy định, các hội nghị của ASEM được tổ chức luân phiên tại châu á và châu Âu. Nước đăng cai tổ chức hội nghị là Chủ tịch hội nghị. Thể thức cao nhất của ASEM là Hội nghị Cấp cao để quyết định các vấn đề lớn và dài hạn cho ASEM. Tiếp đến là các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính được tổ chức hai năm một lần xen kẽ giữa hai kỳ Hội nghị Cấp cao. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Thứ trưởng Ngoại giao (SOM) chịu trách nhiệm điều phối chung toàn bộ hoạt động của ASEM. Các Bộ trưởng Kinh tế và các quan chức cao cấp thương mại và đầu tư (SOMTI), các Bộ trưởng và Thứ trưởng Tài chính, Tổng cục trưởng Hải quan điều phối hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể mình phụ trách.

Về kết quả hoạt động của tiến trình ASEM cho đến nay: sau khi ra đời tháng 3/1996, tiến trình ASEM đã được mở rộng và phát triển nhanh chóng trên cả ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác.

Về chính trị, đối thoại chính trị đã được tiến hành ở cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao và SOM góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa các nước thành viên. Các nước thành viên đã thành lập Nhóm Viễn cảnh á- Âu nhằm đưa ra các khuyến nghị tăng cường hợp tác ASEM. Báo cáo của Nhóm đã được Hội nghị Cấp cao ASEM III thông qua.

Về kinh tế, nhiều kênh trao đổi hợp tác đã được hình thành trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, tài chính, hải quan, khoa học công nghệ, hạ tầng cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa,... tạo cơ sở cho quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa hai châu lục. Nổi bật là ASEM đã thiết lập trang web về thông tin thương mại (ASEM Connect), lập ra "Nhóm chuyên gia về đầu tư - IEG", lập "Qũy tín thác ASEM" tại Ngân hàng Thế giới để giúp các nước châu á khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và đang triển khai "Kế hoạch thuận lợi hóa thương mại - TFAP" và "Kế hoạch xúc tiến đầu tư - IPAP". Ngoài ra, còn có "Diễn đàn doanh nghiệp á - Âu" (hình thành từ tháng 10/1996 và là một trong những kênh chính thức trong ASEM), Hội nghị doanh nghiệp á - Âu, Hội nghị ASEM về các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), mạng hợp tác giữa các trung tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa,... để tăng cường đóng góp của các doanh nghiệp trong tiến trình này.

Về hợp tác trong các lĩnh vực khác, các nước ASEM đã thành lập Qũy á - Âu (ASEF) tháng 2/1997 để tài trợ cho các hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết giữa nhân dân hai châu lục như giao lưu giữa các nghị sĩ trẻ, lãnh đạo trẻ, nhân dân, thiết lập mạng hợp tác giữa các viện nghiên cứu lớn ở châu á và châu Âu, lập trang web trên mạng Internet, tổ chức hội nghị, hội thảo về các lĩnh vực thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, báo chí và các buổi nói chuyện về quan hệ á- Âu... Trung tâm Công nghệ Môi trường á- Âu (AEETC) cũng được thành lập tháng 3/1999 nhằm tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như hướng dẫn về chính sách môi trường cho chính phủ và nhân dân các nước thành viên ASEM.

Nhìn chung, các nước đều đánh giá cao triển vọng hợp tác á - Âu và nhất trí cho rằng ASEM đã chứng tỏ là một diễn đàn quan trọng, đóng góp tích cực vào việc nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác giữa hai châu lục trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế, đối thoại chính trị và các lĩnh vực hợp tác khác.


Số lượt đọc: 3161
Tin khác
APEC 27/03/2014
UNCTAD 27/03/2014
MIGA 27/03/2014
Thông báo