I. Về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
1. Tình hình thu hút ĐTNN 4 tháng đầu năm 2019:
1.1. Tình hình
hoạt động:
Vốn thực
hiện:
Trong 4 tháng đầu 2019, ước tính các dự án đầu tư trực
tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tình
hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu: Xuất
khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ
năm 2018 và chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 54,68 tỷ USD, tăng
3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu
năm 2019, xuất khẩu của khu vực ĐTNN tăng về mặt giá trị, song lại giảm về tốc
độ tăng so với cùng kỳ năm 2018 (4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu kể cả dầu thô
tăng 18,9%; xuất khẩu không kể dầu thô tăng 20,3%).
Nhập khẩu: Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 45,25 tỷ
USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58% kim ngạch nhập khẩu. Tính
chung trong 4 tháng đầu năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,24 tỷ
USD kể cả dầu thô và xuất siêu 10,58 tỷ USD không kể dầu thô.
1.2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
Tính đến 20/4/2019,
tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 14,59
tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài nguyên nhân là số lượng dự án
cấp mới, số lượt tăng vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ năm
trước, trong 4 tháng đầu năm có 1 dự án góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư Hồng
Kông 3,85 tỷ USD. Vốn điều chỉnh bị giảm
so với cùng kỳ thì vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.
Trong đó:
Cấp mới: đến ngày 20/4/2019, cả
nước có 1.082 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với
tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Điều chỉnh vốn: có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng
vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.
Góp vốn, mua cổ phần: cũng trong 4
tháng đầu năm 2019, cả nước có 2.416 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với
tổng giá trị vốn góp 7,14 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 48,9%
tổng vốn đăng ký. Không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông
thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 45,2%
so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lĩnh vực
đầu tư:
Trong 4 tháng đầu năm
2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu
tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số
vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt
động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm
7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng
vốn đầu tư đăng ký là 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Theo đối tác
đầu tư:
Trong 4 tháng đầu năm
2019, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng
Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,74 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage
tại Hà Nội), chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc vươn lên đứng
thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam;
Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8%
tổng vốn đầu tư; Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với
tổng vốn đăng ký là 1,7 tỷ USD và 1,3 triệu USD.
Theo địa bàn
đầu tư:
Trong 4 tháng đầu năm
2019, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương
thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, chiếm 30,7%
tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD,
chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký hơn
1 tỷ USD chiếm 7% tổng vốn đầu tư...
Một số dự án lớn trong 4
tháng đầu năm 2019:
- Dự án góp vốn, mua cổ phần của
Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp
là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà
Nội.
- Dự án chế tạo lốp xe Radian
toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại
Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
- Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị
điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện,
tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư
tại Bắc Ninh.
- Dự án nhà máy điện mặt trời Hòa
Hội tại Phú Yên, tổng vốn đầu tư đăng ký 216,7 triệu USD, do nhà đầu tư Thái
Lan đầu tư tại Phú Yên với mục tiêu sản xuất điện mặt trời.
- Dự án Công ty TNHH lốp Advance
Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type
Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp,
cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
- Dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư
đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với
mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.
Nhận xét:
- Số lượng dự án cấp mới, số lượt dự án tăng vốn và
góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ năm trước với mức lần lượt là 22,5%; 30,4% và 29,7%.
- Vốn đầu tư đăng ký của 4
tháng đạt kỷ lục trong vòng 4 năm trở
lại đây đạt 14,59 tỷ
USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018 (năm 2016 đạt 7,5 tỷ
USD, năm 2017 đạt 10,6 tỷ USD và năm 2018 đạt 8 tỷ USD). Nếu không tính lượt
góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông thì tổng vốn đầu tư đăng ký vẫn
tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Trong 4 tháng đầu năm 2019,
tính riêng đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông và Macao tại Việt Nam đạt 6,44 tỷ
USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các doanh nghiệp Trung
Quốc và Hồng Kông đầu tư chủ yếu thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của
các doanh nghiệp Việt Nam.
2. Tình hình ĐTNN luỹ kế tới tháng 4/2019:
Tính lũy kế đến ngày 20/04/2019, cả nước có 28.398 dự án còn hiệu lực
với tổng vốn đăng ký gần 349 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư
trực tiếp nước ngoài ước đạt 197 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu
lực.
- Theo lĩnh
vực: các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế
quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao
nhất với gần 203 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực
kinh doanh bất động sản với 58,3 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản
xuất, phân phối điện, khí nước với 23,3 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).
- Theo đối tác đầu tư: Hiện tại
có 131 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong
đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 64,3 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn
đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 57,3 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư),
tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
- Theo địa bàn: ĐTNN đã có mặt ở
tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là
địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,4 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu
tư), tiếp theo là Hà Nội với 33,1 tỷ USD (chiếm 9,5 % tổng vốn đầu tư), Bình
Dương với 32,6 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).
II. Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài:
Tính chung trong 4 tháng đầu năm
2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 149,5
triệu USD. Trong đó có 44 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với
tổng vốn đầu tư bên Việt Nam gần 96 triệu USD. Có 9 dự án điều chỉnh vốn đầu tư
với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 53,5 triệu USD.
Theo lĩnh vực: lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ
dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và
tăng thêm là 81,7 triệu USD, chiếm 54,7% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực ngân hàng
đứng thứ hai với 36 triệu USD và chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư; bán buôn, bán
lẻ đứng thứ 3 với 16,5 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các
dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Theo địa bàn: Trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư
sang 23 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây
Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 40%
tổng vốn đầu tư. Campuchia xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 37,9
triệu USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư. Malaysia xếp thứ 3 với tổng vốn đầu
tư gần 14 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hoa Kỳ, Nam
Phi, Canada...
Nhận xét:
- So với cùng kỳ
năm ngoái, số dự án đăng ký mới ĐTRNN tăng 5 dự án (tăng 12,8%) nhưng tổng vốn
đăng ký ĐTRNN giảm 34 triệu USD (giảm 26,3%). Tổng vốn đăng ký mới và điều
chỉnh tăng vốn 4 tháng đầu năm 2019 giảm 6 triệu USD (tương đương 3,8%) so với
cùng kỳ năm ngoái.
- Đầu tư của Việt
Nam ra nước ngoài có xu hướng mở rộng sang rất nhiều địa bàn mới như Tây Ban
Nha, Malaysia, Nam Phi, Malta, Rumani, Ai Cập, Hà Lan, Phần Lan, Ba Lan trong
các lĩnh vực: thương mại, xây dựng, dịch vụ quản lý, tin học, dịch vụ lưu trú –
nhà hàng, nghiên cứu công nghệ.
- Trong 4 tháng
đầu năm 2019, các địa bàn truyền thống như Lào và Campuchia không có nhiều dự
án mới, chủ yếu là các dự án cũ điều chỉnh tăng vốn (lớn nhất là dự án
Sacombank tăng vốn ngân hàng con tại Campuchia).
- Trong 4 tháng
đầu năm 2019, không có dự án đầu tư nào mới của doanh nghiệp nhà nước.
Bảng số liệu:
FDI 4T.2019