BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Tình hình đầu tư
Tình hình Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Châu Âu vào Việt Nam giai đoạn 1998-2010.
Thứ Sáu, 16/11/2012 04:19

Tương tự với những biến động của dòng vốn FDI quốc tế vào Việt Nam, FDI từ khu vực châu Âu cũng có những giai đoạn biến động


Chính sách mở cửa kinh tế kể từ năm 1987 đã có tác động nhanh chóng lên FDI vào Việt Nam. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm nhanh chóng tăng từ 343 triệu USD từ năm 1987 lên mức 1,29 tỷ USD vào năm 1991;[1] trong khi đó vốn thực hiện cũng tăng từ 10,36 triệu USD từ năm 1987 lên 180 triệu USD vào năm 1990.[2] Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đến những năm 1997 đạt giá trị cao nhất cả về giá trị tuyệt đối của dòng vốn đăng ký, giá trị vốn trung bình cho một dự án, vốn thực hiện cũng như tỷ lệ vốn FDI so với tổng đầu tư tài sản cố định và GDP của nền kinh tế. Kể từ năm 1997, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm và chững lại do khủng hoảng kinh tế khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo UNCTAD (2008) thì sự sụt giảm FDI vào Việt Nam trong thời gian này không chỉ do tác động của khủng hoảng kinh tế mà còn do động lực đổi mới đã giảm sút dẫn tới những hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không còn được duy trì. Cũng theo báo cáo này, kỳ vọng cũng như lợi ích của các nhà đầu tư giảm sút khi gặp phải các khó khăn tiến hành đầu tư mà chủ yếu do môi trường pháp lý và sự phâm biết giá cũng như các giới hạn về thương mại. Lượng vốn đăng ký sau khi giảm từ năm 1996 đến 1998 đã không tăng trở lại mà vẫn duy trì ở mức thấp cho đến năm 2004 và 2005 khi Việt Nam ban hành luật doanh nghiệp và luật đầu tư thống nhất và khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO với sự mở cửa rộng hơn, vốn FDI mới tăng trở lại với tốc độ tăng trưởng cao.

Tương tự với những biến động của dòng vốn FDI quốc tế vào Việt Nam, FDI từ khu vực châu Âu cũng có những giai đoạn biến động tăng kể từ năm 1988 đến 1996, giảm mạnh trong những năm 1996-1998, duy trì ở mức thấp cho đến năm 2004 trước khi tăng mạnh trở lại kể từ năm 2005, và giảm sút nhẹ do tác động của khủng hoảng kinh tế vào năm 2009 và 2010. Phần tiếp theo sẽ phân tích chi tiết hơn về đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu theo hai giai đoạn lớn là từ 1988 đến đầu những năm 2000 và từ khoảng 2002-2004 trở lại đây.[3]

1.1.   Tổng quan FDI của châu Âu vào Việt Nam giai đoạn 1988-2010

1.1.1.      Vốn đăng ký

Giai đoạn 1988-đầu những năm 2000

Sự mở rộng về quy mô đầu tư của khu vực châu Âu sang Việt Nam có thể thấy như Hình 21. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong vòng 7 năm, số dự án đăng ký của các nước châu Âu vào Việt Nam đã tăng gấp nhiều lần, từ 15 dự án cấp mới vào năm 1988 lên 107 dự án vào năm 1995 và 105 dự án cấp mới vào năm 1996; trong đó một số lượng lớn dự án đầu tư vào ngành dịch vụ với tổng số dự án tính đến hết năm 1995 lên tới 117 dự án trong khi đầu tư vào công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng tương đương nhau khoảng hơn 60 dự án . Lượng vốn FDI đăng ký theo đó cũng tăng mạnh: vốn đăng ký của FDI của châu Âu tăng từ 186,959 triệu USD năm 1988 lên 2,24 tỷ USD năm 1997. Trong khi đó, vốn đăng ký từ EU cũng tăng từ 166,960 triệu USD lên 1,098 tỷ USD vào năm 1997. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này cũng có sự thay đổi đáng kể về tỷ trọng đầu tư của các nước châu Âu trong tổng đầu tư FDI vào Việt Nam cũng như thay đổi đáng kể trong cơ cấu đầu tư trong ngay chính nhóm các nước thuộc châu Âu vào Việt Nam như có thể thấy trong Bảng 1.

             Bảng 1: Cơ cấu vốn FDI vào Việt Nam từ khu vực châu Âu (1988-2004)

 

 

1988-1990

1991-1994

1995-1997

1998-1999

2000-2001

2002-2004

EU 27

33,52%

11,37%

10,52%

15,85%

38,85%

5,93%

 

Hà Lan

-

2,91%

1,33%

1,97%

20,49%

1,69%

 

Vương quốc Anh

9,78%

2,77%

0,99%

8,43%

9,40%

0,82%

 

Pháp

16,91%

3,80%

5,03%

4,55%

7,63%

1,78%

 

Thụy Điển

0,15%

-

1,10%

-

-

0,76%

 

Đức

0,66%

0,20%

1,40%

0,21%

0,25%

0,26%

 

Italia

-

-

0,15%

0,02%

0,08%

0,25%

 

Áo

-

-

0,00%

0,01%

0,23%

0,06%

 

Đan Mạch

0,07%

0,46%

0,25%

0,01%

0,14%

0,09%

 

Bỉ

0,08%

0,04%

0,06%

0,34%

0,23%

0,02%

 

Luxembourg

-

0,10%

0,08%

0,07%

-

0,13%

 

Phần Lan

-

-

-

-

-

0,01%

 

Cộng hòa Síp

-

-

0,00%

0,01%

-

0,01%

Các nước châu Âu ngoài EU

8,90%

17,31%

14,99%

25,68%

7,24%

10,85%

 

BritishVirginIslands

1,11%

5,63%

10,87%

1,73%

3,90%

7,20%

 

Liên bang Nga

4,19%

1,87%

0,11%

19,06%

1,33%

0,98%

 

British West Indies

-

-

-

-

-

1,11%

 

Thụy Sỹ

-

4,19%

1,41%

0,74%

0,37%

0,83%

 

Thổ Nhĩ Kỳ

-

-

-

-

0,78%

0,18%

 

Cayman Islands

-

0,93%

0,74%

2,44%

0,51%

0,05%

 

Na Uy

-

-

0,07%

0,24%

0,08%

0,12%

 

Bahamas

-

-

1,14%

-

-

0,14%

 

Channel Islands

-

0,23%

0,17%

0,19%

0,08%

0,06%

 

Belize

-

-

0,01%

0,04%

-

0,01%

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Mặc dù vốn đăng ký từ các nước châu Âu nói chung và các nước EU nói riêng đều tăng song Bảng 11 cho thấy tỷ trọng vốn đăng ký của các nước châu Âu lại giảm dần trong giai đoạn từ 1988 đến 1999. Điều này chủ yếu do sự mở rộng đầu tư của các nước đối tác khác vào Việt Nam nhanh hơn khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, cho đến những năm 1995-1997, các nước EU không còn giữ vai trò đối tác đầu tư chủ yếu của châu Âu đối với Việt Nam, thay vào đó, lượng vốn của các nước châu Âu khác có tỷ trọng ngày càng tăng, từ mức 9% những năm 1988-1990 lên mức 15% những năm 1995-1997. Sự gia tăng này chủ yếu do vốn đầu tư đăng ký từ Virgin trong những năm này tăng đột biến.[4]

Từ 1997-1999, lượng vốn đăng ký từ châu Âu vào Việt Nam biến động ngược chiều với xu hướng đầu tư FDI của châu Âu ra thế giới. Tuy nhiên, dù dòng vốn giảm sút song tỷ trọng vốn của khu vực này so với các nước khác lại tăng lên đáng kể, chủ yếu là do vốn đầu tư trực tiếp từ Anh và Nga tăng mạnh, lần lượt từ 0,99% và 0,11% năm 1995-1997 lên mức 8,43% và 19,06% năm 1998-1999. Cùng với những biến động của giai đoạn trước, số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước châu Âu vào Việt Nam biến động ít hơn so với các nhà đầu tư khác trước những điều kiện thay đổi như khủng hoảng kinh tế hay sự trì trệ trong đổi mới chính sách như nhận định trong UNCTAD (2008) nêu trên.

Những năm 2000 – 2001 đánh dấu sự gia tăng đột biến và vai trò quan trọng của FDI từ Hà Lan đối với Việt Nam. Luồng FDI từ nước này tăng lên tới 20% tổng vốn đầu tư trực tiếp, trong khi đó FDI đăng ký từ Anh cũng tiếp tục tăng. Luồng vốn từ hai nước này khiến cho tổng đầu tư của khu vực châu Âu nói chung cũng như từ EU vào Việt Nam khác hoàn toàn so với sụt giảm đầu tư của khu vực này trên thế giới và khiến cho EU trở thành nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam với tỷ lệ vốn khoảng 38% tổng giá trị vốn FDI đăng ký.

Giai đoạn 2002 trở lại đây

Tuy nhiên, từ 2002 đến 2004, trong khi vốn đăng ký từ các nước khác vào Việt Nam tăng chậm thì vốn từ khu vực châu Âu lại giảm mạnh theo xu hướng chung đầu tư ra thế giới của cả khu vực này. FDI của châu Âu vào Việt Nam từ chiếm trên 40% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam giai đoạn 1998-1999 giảm xuống chỉ còn 16,8% giai đoạn 2002 – 2004.[5] Vốn FDI từ châu Âu sau đó tăng mạnh từ 190,6 triệu USD năm 2002 lên mức 5,41 tỷ USD vào năm 2007 (xem thêm Hình ). Năm 2008, mặc dù đầu tư từ châu Âu bắt đầu sụt giảm do suy thoái kinh tế song FDI đăng kí sang Việt Nam vẫn tăng 93,89% lên 10,49 tỷ USD trước khi sụt giảm mạnh năm 2009 và tăng nhanh trở lại trong năm 2010.[6] Bên cạnh đó, vị thế nước đầu tư chính của khối EU đối với Việt Nam đã giảm mạnh cho đến 2009. Trong khi FDI đăng kí của EU sang Việt Nam giảm sút (38,68%) trong các năm 2006 và chỉ tăng nhẹ 27,36% vào năm 2007 thì vốn đăng kí của các nước châu Âu ngoài EU lại tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ lần lượt là 265,24% và 306,47%. Đến 2009, tỷ trọng vốn của các nước EU trong đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam chỉ còn 19,27%, trước khi đột ngột tăng lên 56,18% năm 2010.[7]

FDI từ các nước phát triển khu vực châu Âu và từ EU ra thế giới là FDI thực tế thực hiện, UNCTAD.

Chi tiết hơn về cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước châu Âu vào Việt Nam trong thời gian gần đây có thể thẩy trong

Bảng 2. Trong số các nước EU, tỷ trọng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng có sự thay đổi qua các năm và song cũng chỉ tập trung từ một số nước đối tác chủ yếu tương tự như giai đoạn 1988 đến đầu những năm 2000 như Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp, Luxembourg. Trong khi đó ở nhóm các nước ngoài EU thuộc châu Âu, đảo Virgin tiếp tục là khu vực có nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam lớn nhất cùng với đảo Cayman và Tây Ấn cũng có lượng vốn đổ vào cao hơn trong những năm gần đây.[8]

Bảng 2: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước châu Âu vào Việt Nam (vốn đăng ký)

Đơn vị: Triệu USD

 

Giá trị trung bình

1995-1997

Giá trị trung bình

2002-2004

2008

 

2010

Giá trị vốn

Số dự án

 

Giá trị vốn

Số dự án

Châu Âu ngoài EU27

580,18

177,20

7431,00

66

 

2155,40

39

Đảo Virgin

436,47

155,60

4052,60

60

 

823,10

38

Đảo Cayman

15,90

0,00

2712,20

6

 

565,80

5

Tây Ấn –

Vương Quốc Anh

0,00

16,67

-

-

 

475,80

-

Thụy Sỹ

51,91

0,33

658,90

4

 

290,70

7

Một số nước EU

646,78

74,27

3057,60

112

 

2763,20

97

Hà Lan

70,38

29,47

16,90

13

 

2417,50

19

Luxembourg

2,23

3,13

-

-

 

110,40

2

Slovakia

0,00

0,00

-

-

 

102,40

-

Vương quốc Anh

55,89

12,97

565,10

18

 

56,70

11

Đức

58,46

6,00

56,60

16

 

46,10

17

Pháp

317,15

6,70

87,50

22

 

30,10

42

Nguồn: CEIC và Tổng cục Thống kê

Trong khi lượng vốn đăng ký cấp mới hoàn toàn cũng như tổng giá trị vốn đăng ký cấp mới và gia tăng của khu vực châu Âu vào Việt Nam dao động mạnh qua các năm như đã đề cập, số dự án lại có xu hướng tăng (trừ giai đoạn 1995-1997 và 2004). Với lượng vốn chỉ chiếm cao nhất khoảng 40% trong tổng FDI đăng ký những năm 2000-2004, song số dự án ổn định và tương đối cao, khoảng từ 50-70% tổng số dự án, quy mô các dự án đầu tư từ khu vực châu Âu nói chung và từ các nước EU nói riêng vào Việt Nam so với các nước khác là tương đối nhỏ.

Xét tới hình thức đầu tư, Nếu như giai trước năm 1997, hình thức đầu tư chủ yếu là liên doanh thì kể từ những năm 1998 đến 2004, hình thức đầu tư của các nhà đầu tư từ khu vực châu Âu chủ yếu là thành lập mới doanh nghiệp 100% vốn FDI . Trong khi đó, các hình thức đầu tư khác vẫn chưa phát triển. Điều này có thể được lý giải bởi việc thực hiện luật đầu tư nước ngoài thứ hai vào năm 1996 và luật Doanh nghiệp năm 1999 với những quy định thông thoáng hơn đối với việc thành lập doanh nghiệp 100% vốn FDI. Tương tự với cơ cấu đầu tư này, số lượng doanh nghiệp FDI từ châu ÂU có 100% vốn nước ngoài trong các năm từ 2002 đến 2010 cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp FDI từ châu Âu.

Xét tới cơ cấu địa bàn đầu tư, có thể thấy FDI từ châu Âu tập trung chủ yếu ở các tỉnh có thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các tỉnh có nguồn tài nguyên dầu khí, hoặc các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Hải Dương. Tuy nhiên số lượng vốn đăng ký đầu tư vào Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh vẫn lớn hơn cả. Số dự án đăng ký từ năm 1988 đến 2004 ở hai tỉnh này lên tới lần lượt là 175 và 353 dự án, vượt xa so với tỉnh có tổng số dự án cao tiếp theo là Bình Dương với 114 dự án. Trong khi FDI vào các ngành công nghiệp được phân bố ở nhiều tỉnh thì FDI vào các ngành dịch vụ chỉ tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

1.1.2.      Vốn thực hiện

Nếu như số lượng vốn đăng ký chủ yếu thể hiện xu hướng đầu tư cũng như nhìn nhận của nhà đầu tư nước ngoài tại một quốc gia thì vốn thực hiện mới là chỉ số thể hiện thực tế đầu tư FDI tại một quốc gia đó. Về khía cạnh này, số liệu điều tra doanh nghiệp sẽ phản ánh tương đối sát thực FDI của châu Âu nói riêng và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng trong giai đoạn từ 2002 đến 2010.[9]

Vốn FDI thực hiện từ châu Âu trong thời gian qua đã gia tăng song mức tăng chưa cao. Lượng vốn FDI từ châu Âu thực hiện tại các doanh nghiệp có tăng trong cả giai đoạn từ khoảng 2,88 tỷ USD năm 2002 lên xấp xỉ 6,58 tỷ USD năm 2009. Tuy nhiên, tỷ trọng của khu vực này trong tổng vốn FDI thực hiện lũy kế của các nước trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn giảm dần, từ 27,42% năm 2002 xuống còn 16,34% năm 2009.

Tốc độ tăng tổng vốn thực hiện lũy kế từ châu lục này tương đối thấp, chỉ khoảng 12,55%, trong khi tốc độ tăng trưởng vốn thực hiện FDI từ các khu vực khác lũy kế qua các năm ở doanh nghiệp tăng nhanh (Đài Loan: 20,17%; Hàn Quốc: 28,28%; Hoa Kỳ: 31,71% và Nhật Bản: 25,72%). Nguyên nhân của tổng vốn tăng thấp là do tổng vốn thực hiện lũy kế của các nước ngoài EU thuộc châu Âu chỉ tăng 2,49% cả giai đoạn trong khi vốn từ các nước trong khối EU chỉ tăng 16,52%.

Bên cạnh đó, tương tự với cơ cấu dự án mới đăng ký đầu tư và cơ cấu đầu tư chung, FDI của châu Âu cũng chỉ tập trung tại một số tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng. Và trong khi các ngành dịch vụ của đầu tư FDI từ châu lục này cũng chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, FDI vào các tỉnh còn lại chỉ tập trung vào ngành công nghiệp chế biến hoặc khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn đầu tư sang các ngành dịch vụ. Số doanh nghiệp FDI trong ngành này từ khu vực châu Âu tăng từ 122 doanh nghiệp năm 2002 lên 420 doanh nghiệp năm 2010, trong khi số doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp chỉ tăng từ 179 doanh nghiệp lên 327 doanh nghiệp trong thời gian tương ứng.[10] [11]

1.2.   Đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài của khu vực châu Âu vào Việt Nam

1.2.1.      Chuyển dịch cơ cấu ngành

Vốn đầu tư

Giai đoạn 1988 đến đầu những năm 2000

Dựa vào dữ liệu số dự án đăng ký, có thể thấy dịch chuyển cơ cấu đầu tư theo ngành của khu vực châu Âu gần tương tự với cơ cấu của FDI vào Việt nam và thích hợp với Việt Nam trong giai đoạn 1988-2000 theo định hướng công nghiệp hóa: tỷ trọng dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp và xây dựng tăng lên, trong khi đó tính riêng tỷ trọng dự án khai thác dầu khí giảm mạnh, đồng thời số dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp cũng ổn định trong thời gian dài. Hình 6 cho thấy số dự án theo ngành của các nước châu Âu sang Việt Nam. Trong suốt giai đoạn, tổng số dự án đăng ký vào các ngành công nghiệp luôn cao nhất và tăng nhanh chóng khiến tỷ trọng số doanh nghiệp đăng ký trong ngành này tính lũy kế hàng năm luôn mở rộng dần. Trong khi đó, số dự án đầu tư thêm vào các ngành dịch vụ lại có xu hướng tăng chậm hơn khiến cho tổng số dự án đăng ký đầu tư vào ngành này cho đến năm 2004 chỉ còn 30% so với tỷ lệ khoảng trên 34% những năm 1988-1995.

Mặc dù xu hướng thay đổi của vốn đầu tư lũy kế vào các ngành như mở rộng ngành công nghiệp và thu hẹp nhẹ ngành dịch vụ không sai khác so với cơ cấu dự án đầu tư, tương quan giữa tỷ trọng vốn và tỷ trọng dự án đầu tư vào từng ngành có sự khác biệt đáng kể (Hình 7). Vốn đầu tư lũy kế vào ngành công nghiệp dầu khí (ở giai đoạn này chủ yếu là khai thác dầu thô) vẫn lớn hơn nhiều so với vốn lũy kế vào các ngành công nghiệp khác. Hơn nữa, nếu những năm đầu thập niên 90, tỷ lệ số dự án và lượng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ khá tương đương nhau thì cho đến những năm 2000, lượng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng lớn hơn đáng kể. Điều này cho thấy vốn của khu vực châu Âu trong giai đoạn này chuyển hướng từ những ngành công nghiệp nhẹ, mà chủ yếu là thâm dụng lao động đối với trường hợp của Việt Nam trong khoảng thời gian tương ứng, sang các ngành công nghiệp nặng thâm dụng vốn.

Xét đến đóng góp vào phát triển các ngành của Việt Nam, vốn FDI từ châu Âu có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp dầu khí và dịch vụ với tỷ trọng dự án mới đăng ký cũng như tỷ trọng vốn của châu lục này tương đối cao: số dự án trong ngành dầu khí chiếm xấp xỉ 60% tổng số dự án FDI vào Việt Nam trong khi đối với ngành dịch vụ cũng khoảng 30%. Chi tiết hơn trong các ngành dịch vụ , FDI từ châu Âu có đóng góp đặc biệt quan trọng đối với các ngành giao thông vận tải và bưu điện, khách sạn và du lịch với tỷ trọng vốn cho những ngành này trong khu vực FDI giai đoạn đầu 1988-1993 khoảng 50% và trung bình cả giai đoạn 1988-2004 khoảng 42- 43%, trong khi đó FDI vào các ngành dịch vụ thế mạnh của nhiều nước châu Âu như tài chính ngân hàng lại chỉ khoảng 6% tổng FDI vào ngành này.[12]

Bên cạnh đó, nếu những năm khoảng từ 1988 đến 1995, quy mô của các dự án có FDI từ châu Âu thấp hơn so với các dự án FDI nói chung của Việt Nam thì kể từ năm 1995, vốn đăng ký trung bình cho 1 dự án ở hầu hết các ngành của FDI từ khu vực châu Âu đều tương đối lớn. Điều này thể hiện ở sự chênh lệch giữa đóng góp của FDI châu Âu vào tổng số dự án đăng ký mới và vào tổng số vốn đăng ký lũy kế các năm.

Giai đoạn từ 2002 đến nay

Trong giai đoạn từ 2002 đến 2009, FDI châu Âu tại Việt Nam thể hiện rõ nhiều khác biệt với cơ cấu chung của các nước, nếu như đầu tư FDI nói chung vào Việt Nam vẫn chủ yếu vào các ngành công nghiệp thì vốn FDI từ khu vực châu Âu đã dịch chuyển mạnh sang các ngành dịch vụ (Hình 8). Tỷ trọng vốn thực hiện trong ngành khai thác mỏ và công nghiệp chế biến giảm lần lượt từ 26% và 51% năm 2002 xuống 11,46% và 38,84% năm 2009 trong khi tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ từ mức xấp xỉ 23% năm 2002 đã lên tới gần 50% năm 2009. Tỷ trọng vốn đầu tư vào ngành dịch vụ tăng lên chủ yếu vào các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn và giáo dục,…(những ngành thâm dụng tri thức). Xu hướng dịch chuyển cơ cấu vốn đầu tư theo ngành ở Việt Nam của FDI từ châu Âu nhìn chung phù hợp với xu hướng đầu tư ra nước ngoài của châu lục này như phân tích trong phần 1. Xu hướng này có tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo định hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư vào ngành công nghiệp thâm dụng lao động trình độ thấp và chuyển dần sang các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức ở chuỗi giá trị cao hơn trong giai đoạn này. Trong khi đó đầu tư vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp không có nhiều thay đổi.

Bên cạnh việc xem xét cơ cấu ngành của riêng khu vực châu Âu, có thể xem xét đến đóng góp của khu vực này trong tổng FDI vào các ngành kinh tế của Việt Nam. FDI vào các ngành dịch vụ như giáo dục đào tạo, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và tư vấn, hoạt động khoa học công nghệ, chủ yếu là châu Âu .Đồng thời, dù tỷ trọng đầu tư vào một số ngành công nghiệp sụt giảm song tỷ lệ FDI từ châu Âu vào các ngành sản xuất và phân phối điện nước và khai thác mỏ vẫn tương đối lớn, chiếm trên 50% trong tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong những ngành này.

Kết quả kinh doanh

Bên cạnh đó, đối với các ngành công nghiệp thế mạnh của các nước châu Âu, số liệu điều tra doanh nghiệp các năm cũng cho thấy đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp lớn hơn so với đóng góp của FDI khu vực này về số doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt đối với các ngành như khai thác dầu khí (chênh lệch từ 20-40%), sản xuất thực phẩm và đồ uống (chênh lệch từ 5-8%), và sản xuất các sản phẩm hóa chất (chênh lệch trên 5%).

Đối với các ngành dịch vụ, nhìn chung hoạt động dịch vụ của các doanh nghiệp có FDI từ châu Âu lớn hơn trong tất cả các ngành so với mặt bằng chung doanh nghiệp Việt Nam và vượt trội ở một số ngành so với FDI vào lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Doanh thu trung bình của các doanh nghiệp FDI châu Âu trong hầu hết các ngành dịch vụ lớn hơn nhiều lần so với doanh thu trung bình của các doanh nghiệp FDI khác. Cụ thể các ngành khoa học và công nghệ (1,91 lần), y tế và các hoạt động cứu trợ (1,83 lần), giáo dục đào tạo (1,79 lần), tài chính tín dụng (gấp 1,77 lần), vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc (gấp 1,77 lần) và thương nghiệp và sửa chữa (gấp 1,45 lần). Tuy nhiên, có một điểm cần xem xét là doanh thu trung bình của ngành dịch vụ châu Âu đầu tư vào nhiều nhất là các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn lại thấp hơn mức bình quân của các doanh nghiệp FDI từ các nước khác (trung bình bằng 0,8 lần các doanh nghiệp FDI nói chung). Bên cạnh đó, doanh thu vào các ngành khách sạn và nhà hàng cũng rất thấp, chỉ bằng 0,54 lần các doanh nghiệp FDI cùng ngành). Điều này cho thấy các ngành khách sạn và nhà hàng cũng như kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn không phải là những ngành có lợi thế cạnh tranh lớn của FDI châu Âu tại Việt Nam so với FDI từ các khu vực khác trong khi thực chất đầu tư vào các ngành dịch vụ này lại chiếm tỷ trọng vốn và doanh nghiệp tương đối lớn trong tổng vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, thông thường ở các nước đang phát triển, cơ cấu đầu tư nước ngoài khi chuyển dịch sang các ngành dịch vụ sẽ tập trung vào các ngành hạ tầng cơ bản như viễn thông, tài chính và các dịch vụ truyền thống khác phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Trong khi đó các ngành này dù có tỷ trọng dần tăng song lại không thu hút được lượng vốn lớn như so với các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và tư vấn ở Việt Nam (theo UNCTAD, 2008) và được thể hiện khá rõ trong cơ cấu đầu tư của khu vực châu Âu. Điều này được lý giải bởi những ngành dịch vụ tài chính, vận tải, viễn thông dù là những ngành thế mạnh của FDI từ châu Âu như trong phân tích ở phần 1 song ngoài ngành giáo dục và y tế, hầu như vẫn bị đóng cửa khá nhiều cho đến năm 2009 trở lại đây những cam kết mở cửa mạnh mẽ đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài như thành lập doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc tham gia liên doanh với số vốn lớn mới dần có hiệu lực và được mong đợi sẽ còn mở cửa mạnh hơn kể từ 2011 và 2012.[13] Bên cạnh đó, dù một số ngành dịch vụ đã mở cửa nhiều như phân phối, các hạn chế về thủ tục đầu tư cũng có thể là một yếu tố cản trở đầu tư.[14] Ngoài ra, đầu tư vào kinh doanh tài sản nhiều một phần có thể bởi thị trường bất động sản trong những năm qua tăng trưởng nóng khiến cho đầu tư vào khu vực này có lợi nhuận lớn hơn. Trong trường hợp này, nguồn FDI trực tiếp nước ngoài đồng thời đổ thêm vào thị trường này lại càng dễ gây nguy cơ bất ổn thay vì thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành một cách vững chắc đảm bảo cho sự phát triển kinh tế trong dài hạn.

Bên cạnh đó, ngoài ngành dịch vụ, có thể nói FDI nói chung và FDI của châu Âu nói riêng trong ngành công nghiệp chế biến vẫn chủ yếu chỉ nhằm tận dụng nhân công giá rẻ trình độ thấp của Việt Nam. Mặc dù FDI từ châu Âu có một lượng doanh nghiệp đáng kể trong ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, ngành có trình độ công nghệ trung bình cao trong các ngành công nghiệp chế biến so với FDI từ các nước khác song ngoài 10,51% số doanh nghiệp này, các doanh nghiệp châu Âu vẫn tập trung trong các ngành thâm dụng lao động, áp dụng trình độ kĩ thuật không cao như sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất giường, tủ bàn ghế và các sản phẩm khác, sản xuất trang phục, nhuộm da, lông thú. Do đó khi xét tới vai trò của FDI từ khu vực châu Âu đối với việc chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, cần phải lưu ý chưa hẳn FDI từ khu vực châu Âu đã có tác động nhiều trong chuyển dịch ngành công nghiệp của Việt Nam lên chuỗi giá trị cao hơn.[15]

1.2.2.      Tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành

Với số vốn đầu tư và số doanh nghiệp tăng dần qua các năm, số lượng việc làm do nguồn FDI từ khu vực châu Âu tạo ra trong nền kinh tế cũng tăng lên đáng kể. Tốc độ tăng trưởng tạo việc làm trung bình của FDI từ khu vực châu Âu khoảng gần 15% một năm. Nếu như năm 2002, khu vực này sử dụng trung bình khoảng 61042 lao động thì năm 2009, tổng số lao động trong các doanh nghiệp FDI của châu Âu đã lên tới 160557 lao động. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung FDI, các doanh nghiệp có vốn FDI từ khu vực châu Âu sử dụng số lượng lao lao động thấp hơn mức trung bình. Dù quy mô vốn và số doanh nghiệp của khu vực này luôn trên 11% trong tổng giá trị của các doanh nghiệp FDI song số lượng lao động sử dụng chỉ chiếm khoảng 8 – 9% so với tổng số lao động thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 

Tỷ lệ so với khu vực FDI

Tỷ lệ so với các doanh nghiệp trong điều tra

Số việc làm tạo thêm hàng năm

Đóng góp vào việc làm tạo thêm hàng năm trong khu vực doanh nghiệp

2003

8,83%

1,40%

6231

1,18%

2004

8,55%

1,50%

13648

2,40%

2005

8,24%

1,56%

11405,5

2,19%

2007

7,10%

1,59%

110817,5

10,05%

2008

7,46%

1,65%

18577,5

2,09%

2009

8,60%

1,88%

31161,5

4,46%

Lưu ý: số liệu về lao động là số trung bình của lao động đầu kỳ và cuối kỳ vào thời điểm 1/1 và 31/12 hàng năm.

Nguồn: Điều tra doanh nghiệp các năm 2002 – 2009, Tổng cục Thống kê

Nguyên nhân của việc sử dụng ít lao động bởi các doanh nghiệp châu Âu như đã đề cập ở phần trên, chủ yếu tập trung ở các ngành dịch vụ ít thâm dụng lao động mà thâm dụng tri thức (và thường yêu cầu lao động có trình độ cao). Tuy vậy, đáng lưu ý là trong những năm gần đây, số việc làm tạo thêm mà khu vực này đóng góp vào trong tổng việc làm tạo thêm của khu vực doanh nghiệp cũng đang tăng dần. Điều này khẳng định thêm tác động tích cực của FDI từ châu Âu trong chuyển dịch cơ cấu lao động sang sử dụng nhiều hơn lao động có chuyên môn và tay nghề cao chứ không chỉ tận dụng nhân công không có kỹ năng giá rẻ. [16]

Tuy nhiên cần lưu ý rằng tỷ lệ giữa chi phí tạo việc làm trong ngành công nghiệp chế biến và hầu hết các ngành dịch vụ (trừ các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và tư vấn, kinh doanh khách sạn và nhà hàng, và nếu tính chỉ 5 năm trở lại đây thì bao gồm cả vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc) của FDI từ các nước châu Âu so với FDI từ các nước khác cũng như so với mặt bằng chung của khu vực dịch vụ tương đối cao. Để tạo ra một việc làm trong khu vực dịch vụ, trong giai đoạn 2002-2010, số vốn một doanh nghiệp FDI phải bỏ ra trong một năm trung bình gấp hơn 1,67 lần số vốn một doanh nghiệp trong khu vực FDI phải bỏ ra và gấp khoảng 1,48 lần số vốn trung bình của một doanh nghiệp bất kì trong nền kinh tế. Điều này cho thấy khu vực FDI từ châu Âu chưa tận dụng được lượng lao động tại thị trường Việt Nam tới mức trung bình của ngành đó. Điều có thể do trình độ lao động tại thị trường lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách quá lớn vốn chưa đáp ứng được yêu cầu trung bình của các doanh nghiệp FDI nói chung (theo một nghiên cứu của UNIDO gần đây[17]) nên càng khó có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng với yêu cầu trình độ cao hơn so với các doanh nghiệp FDI từ khu vực khác.

1.2.3.      Đóng góp vào NSNN

FDI từ khu vực châu Âu có vai trò khá lớn trong thu ngân sách nhà nước.[18] Mặc dù số doanh nghiệp châu Âu chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong số doanh nghiệp FDI song đóng góp của những doanh nghiệp này từ 2002 đến 2009 luôn chiếm tới hơn 50% tổng đóng góp của khu vực FDI trả lời trong điều tra vào ngân sách nhà nước. Nếu như năm 2002, khi tổng giá trị nộp NSNN của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 42% giá trị nộp NSNN của khu vực doanh nghiệp thì riêng doanh nghiệp FDI từ châu Âu đã nộp tới 30%. Nhìn chung xét theo các doanh nghiệp trong mặt bằng chung của từng ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp FDI từ châu Âu luôn đóng góp tương đối lớn vào NSNN so với các khu vực còn lại. Tuy nhiên, nếu loại bỏ những khoản nộp ngân sách nhà ở các doanh nghiệp có FDI từ châu Âu thuộc ngành khai thác mỏ, tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp này chỉ còn rất nhỏ, chỉ còn khoảng 2-4% tổng giá trị thu ngân sách nhà nước. Như vậy những đóng góp của khu vực châu Âu ở các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, và xây dựng vào ngân sách nhà nước hẳn là lớn. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp vào nộp NSNN của khu vực FDI từ châu Âu cũng giảm dần trong những năm qua. Năm 2009, khi khu vực FDI chỉ còn đóng góp 35% vào giá trị nộp NSNN của doanh nghiệp thì khu vực doanh nghiệp có nguồn FDI từ châu Âu cũng chỉ còn đóng góp 20%.

Đóng góp chưa lớn của doanh nghiệp có FDI từ châu Âu nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung tại Việt Nam vào NSNN có thể lý giải do chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đã cho các nhà đầu tư nước ngoài khá nhiều ưu đãi thuế nên thu thuế từ khu vực này là không đáng kể. Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách thấp và ngày càng giảm này có thể một phần được lý giải bởi hiện tượng chuyển giá khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong những năm gần đây có thể cũng phổ biến trong các doanh nghiệp FDI từ châu Âu. Có thể thấy mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp cũng như doanh thu ngành dịch vụ trung bình của các doanh nghiệp FDI châu Âu như phân tích ở phần trên, khá cáo song số doanh nghiệp có báo cáo lỗ tương đối lớn, và có xu hướng tăng dần lên mức xấp xỉ 50% vào năm 2009. Điều này có thể dẫn tới suy đoán một phần các doanh nghiệp FDI này chỉ báo cáo lỗ giả thông qua việc hạch toán giá nguyên liệu nhập vào cao trong khi giá bán thành phẩm thấp cho công ty mẹ nhằm chuyển lợi nhuận sang các nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn. Như vậy, Việt Nam đã thất thu một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp lớn dù doanh nghiệp lãi thực trong khi mất đi một khoản thu đáng kể do đưa ra những ưu đãi thuế như thuế nhập khẩu nguyên liệu hoặc thiết bị đầu vào cho sản xuất cho các nhà đầu tư nước ngoài.

1.2.4.      Tác động tới chuyển giao công nghệ

Nhìn chung vốn đầu tư và số doanh nghiệp của châu Âu như phân tích trên, đều tập trung vào một số ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ chủ yếu. Và như đã phân tích ở phần trước cho vai trò của FDI của châu Âu trong các ngành, đặc biệt đối với một số ngành đòi hỏi trình độ công nghệ cao hoặc những ngành có hàm lượng tri thức cao như giáo dục đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ và sản xuất, phân phối điện và nước ở Việt Nam, FDI của châu Âu vô cùng quan trọng. Dù chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả của FDI châu Âu tại Việt Nam trong những ngành này song đây là những ngành thế mạnh của khu vực châu Âu. Do vậy, điều này phần nào hàm ý vai trò của FDI từ châu Âu đối với việc tạo tác động tràn, nâng cao tri thức và thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ngành như thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình, ngành khách sạn nhà hàng trong khu vực FDI từ châu Âu có số doanh nghiệp khá nhiều song lượng vốn đầu tư cho những ngành này không chiếm tỷ lệ tương ứng như các ngành dịch vụ khác. Do đó, quy mô của các doanh nghiệp có vốn từ châu lục này, trừ ngành khai thác mỏ và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này, có thể tác động tới khả năng chuyển giao công nghệ và tạo tác động tràn tích cực từ khu vực FDI châu Âu tới các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, số liệu vốn đăng ký trong giai đoạn 1988-2004 cũng thể hiện quy mô các dự án đăng ký của châu Âu cũng không lớn. Có lo ngại cho rằng các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ thường thể hiện trình độ công nghệ không cao, thâm nhập thị trường Việt Nam theo một chiến lược kinh doanh đa dạng hóa do công ty mẹ chi phối, với mục đích chuyển một phần năng lực sản xuất thừa nước ngoài để phân tán rủi ro. Đồng thời, các công ty nhỏ cũng thường không có chiến lược đầu tư lâu dài theo lãnh thổ, do đó có thể gây những bất ổn tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.[19]

Bên cạnh đó, hình thức đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tác động đáng kể tới khả năng lan tỏa công nghệ của FDI từ châu Âu tới các khu vực khác trong nền kinh tế Việt Nam. Với tỷ lệ doanh nghiệp FDI 100% vốn từ khu vực châu Âu tăng từ 54% số doanh nghiệp năm 2002 lên 72,72% số doanh nghiệp năm 2009, mối liên kết giữa khu vục FDI châu Âu với các công ty mẹ ở nước đầu tư dường như chặt chẽ hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Khi đó những liên kết về đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất đối với các doanh nghiệp trong nước cũng lỏng lẻo hơn. Điều này hàm ý tác động tràn của khu vực FDI tới các doanh nghiệp Việt Nam theo các liên kết xuôi và ngược của FDI từ khu vực châu Âu trong nền kinh tế - các kênh dẫn truyền cho tác động tràn - đều hạn chế.

Tuy nhiên, có một lợi thế của FDI từ châu Âu trong chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thông qua lao động. Theo số liệu từ Điều tra doanh nghiệp 2009, số lao động có trình độ cao đẳng và đại học ở các doanh nghiệp có FDI từ châu Âu trung bình cao hơn 1,55 lần so với mức trung bình của các doanh nghiệp FDI nói chung. Điều này có thể đem lại tác động tích cực trong việc chuyển giao công nghệ và quản lý trong quá trình di chuyển lao động giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế do trình độ lao động cao hơn thường đi kèm với khả năng tiếp thu công nghệ và kĩ năng quản lý tốt hơn.

Bên cạnh đó, tương ứng với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực châu Âu tăng qua các năm từ 2001 trở lại đây, giá trị hàng hóa vốn nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng lên trong cả giai đoạn. Giá trị nhập khẩu hàng hóa vốn năm 2000 là 547,092 triệu USD, đến năm 2009, con số này là 2,38 tỷ USD năm 2009. Nhập khẩu từ các nước bạn hàng cũng khá tương ứng với vị trí đầu tư FDI của nước đó sang Việt Nam (trong số các nước EU, các nước đầu tư FDI sang Việt Nam chủ yếu là Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, đồng thời nhập khẩu hàng hóa vốn của Việt Nam từ châu Âu cũng chủ yếu ở những quốc gia này). Như vậy có thể thấy nguồn vốn FDI từ khu vực châu Âu với hàng hóa vốn giúp một phần chuyển giao máy móc tiên tiến và có thể là công nghệ hiện đại trong sản xuất từ các nước phát triển này cho Việt Nam.

1.2.5.      Tác động tới xuất nhập khẩu

Bên cạnh nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI châu Âu cũng có những đóng góp tích cực vào xuất khẩu của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các nước châu Âu nói chung và các nước EU nói riêng tăng mạnh qua các năm (Hình 10). Hơn nữa, xét về tổng thể, Việt Nam luôn xuất siêu sang các nước châu Âu, đặc biệt là khu vực EU. Các nước bạn hàng lớn của Việt Nam cũng chính là những nước đầu tư trực tiếp nươc ngoài nhiều tài Việt Nam như Hà Lan, Vương quốc Anh, Pháp; và các mặt hàng công nghiệp chính xuất khẩu sang những nước này cũng chủ yếu từ các ngành có đầu tư FDI lớn (như xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Hà Lan). Đồng thời, điều này cũng được thể hiện thông qua số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu tăng từ 160 doanh nghiệp năm 2003 lên tới 224 doanh nghiệp năm 2010. Tuy nhiên xét đồng thời giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực châu Âu năm 2010 lại cho thấy FDI từ các nước này nhập siêu vào Việt Nam thay vì xuất siêu. Điều này gây lo ngại cho nền kinh tế do FDI nhập siêu có thể khiến cho cán cân thanh toán của Việt Nam xấu đi. Đồng thời, con số nhập siêu này cũng có thể một phần nào đó bao gồm cả vấn đề chuyển giá khi doanh nghiệp xuất khẩu thành phẩm sang công ty mẹ với mức giá thấp trong khi nhập khẩu nguyên liệu và các đầu vào khác với mức giá cao.

Như vậy, nhìn chung đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khu vực châu Âu có khá nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, từ bổ sung vốn, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp vào quá trình chuyển giao công nghệ, … Mặc dù có một số hạn chế của FDI từ khu vực này như vẫn khó tận dụng được nhiều lao động (mà nguyên nhân chủ yếu từ phía thị trường lao động của Việt Nam nhiều hơn), hoạt động chuyển giá, gây ra tình trạng nhập siêu, chưa thật hiệu quả trong việc dịch chuyển sang những ngành thế mạnh của FDI từ khu vực này song những hạn chế này chủ yếu có thể được điều chỉnh dựa vào chính sách từ phía Việt Nam. Do đó, phần tiếp theo sẽ tổng hợp lại các yếu tố thu hút FDI của châu Âu tại Việt Nam và đưa ra những khuyến nghị nhằm tăng khả năng thu hút cũng như hiệu quả sử dụng của dòng vốn này.



[1] Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài

[2] Theo UNCTAD, số liệu vốn thực hiện là số liệu ước lượng dựa trên tỷ lệ thực hiện và đăng ký qua một số năm

 

 

[5] Số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài

[6]Số liệu từ Tổng cục Thống kê. Mặc dù những tính toán kể từ năm 2007 trở đi chỉ được tính trên các đối tác chính song số liệu cũng cao hơn mức của những năm trước rất nhiều, khoảng cách này càng thể hiện số liệu đầy đủ về vốn FDI của khu vực châu ÂU sang Việt Nam có thể còn tăng cao hơn nữa cũng như những sụt giảm nếu có của các nước không phải là đối tác chủ yếu cũng không tác động nhiều tới xu hướng chung của cả khu vực châu Âu

[7] Số liệu từ Tổng cục Thống kê.

[8] Các đảo này cũng tương tự như trường hợp của đảo Virgin, các dòng vốn từ những đảo này có thể từ những quốc gia khác thông qua đó để được hưởng ưu đãi thuế.

[9] Mặc dù Điều tra doanh nghiệp được tiến hành từ năm 2000 song số liệu của năm 2000 và 2001 không chia chi tiết đến nước đầu tư FDI. Do đó trong phạm vi nghiên cứu này chỉ có thể sử dụng số liệu kể từ 2002 đến nay.

[10] Điều tra doanh nghiệp các năm 2002 - 2010

[11] Giai đoạn 1988 đến 2004 chỉ có thể sử dụng vốn đăng ký để xem xét về cơ cấu đầu tư của khu vực này và đóng góp của những khoản đầu tư đăng ký đó trong tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong khi đó giai đoạn 2002-2010 có thể đánh giá sát thực hơn dựa vào bộ số liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục thống kê. Do tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và thành lập các doanh nghiệp liên doanh như trên phân tích là tương đối lớn nên dựa vào dữ liệu này có thể cho những đánh giá tương đối tốt về thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước châu Âu vào Việt Nam. Đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp có FDI từ châu Âu sẽ được xem xét dưới các khía cạnh như vị trí tương đối của nguồn vốn này trong khu vực FDI của Việt Nam, vai trò của các doanh nghiệp FDI từ khu vực này trong cơ cấu ngành, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng lao động, đóng góp vào ngân sách, và một số vấn đề khác.

[12] Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài

[16] Điều này cũng phù hợp với định hướng chuyển từ lợi thế thu hút FDI chủ yếu từ lao động phổ thông và tiền công thấp sang lao động có kỹ năng như trong Nguyễn Mại (2012).

[18] Cần lưu ý rằng số liệu trong Điều tra doanh nghiệp từ năm 2002 đến 2005 chỉ phản ánh tổng giá trị thuế phải nộp của các doanh nghiệp trong khi số liệu trong Điều tra doanh nghiệp từ năm 2006 trở lại đây bao gồm cả các khoản thu phí khác. Tuy nhiên do phạm vi phần phân tích này chỉ xét về mặt cơ cấu đóng góp của từng khu vực, đồng thời tỷ lệ thuế trong tổng phải nộp tương đối cao nên có thể coi như không có khác biệt trong mục này.

Số lượt đọc: 1541
Thông báo