BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 28/12/2024
Tình hình đầu tư
Đầu tư FDI của EU qua các giai đoạn
Thứ Hai, 12/10/2015 04:57
Đầu tư FDI của EU qua các giai đoạn

Hiện nay đã có 23 quốc gia thuộc khu vực EU có đầu tư FDI tại Việt Nam với tổng số dự án còn hiệu lực là 1.688 và 21 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Quy mô trung bình một dự án của các nước khu vực EU đạt khoảng 12,6 triệu USD/dự án.

Trong số đó, các quốc gia có đầu tư FDI cao hơn là Hà Lan, Vương quốc anh, Pháp,  Luxembourg và CHLB Đức. Riêng 5 quốc gia này đã chiếm 82% tổng vốn FDI của EU tại Việt Nam.

Đầu tư của EU qua các năm (nguồn : Cục ĐTNN)



Trong giai đoạn đầu từ năm 1988 - 1994, số vốn đăng ký của các nước châu Âu vào Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, năm 1995 con số đó đã tăng gấp nhiều lần, từ 15 triệu USD vào năm 1988 lên 707 triệu USD vào năm 1995. Trong thời kỳ này, Hà Lan và Pháp là hai quốc gia có nhiều dự án vào đầu tư vào Việt Nam nhất. Và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm nhiều dự án nhất trong giai đoạn này.

Từ 1997-1999, lượng vốn đăng ký từ châu Âu vào Việt Nam biến động ngược chiều với xu hướng đầu tư FDI của châu Âu ra thế giới. Tuy nhiên, dù dòng vốn giảm sút song tỷ trọng vốn của khu vực này so với các nước khác lại tăng lên đáng kể, chủ yếu là do vốn đầu tư trực tiếp từ Anh và Nga tăng mạnh, lần lượt từ 0,99% và 0,11% năm 1995-1997 lên mức 8,43% và 19,06% năm 1998-1999.

Những năm 2000 – 2001 đánh dấu sự gia tăng đột biến và vai trò quan trọng của FDI từ Hà Lan đối với Việt Nam. Luồng FDI từ nước này tăng lên tới 20% tổng vốn đầu tư trực tiếp, trong khi đó FDI đăng ký từ Anh cũng tiếp tục tăng. Luồng vốn từ hai nước này khiến cho tổng đầu tư của EU vào Việt Nam khác hoàn toàn so với sụt giảm đầu tư của khu vực này trên thế giới và khiến cho EU trở thành nhà đầu tư quan trọng của Việt Nam với tỷ lệ vốn khoảng 38% tổng giá trị vốn FDI đăng ký.

Tuy nhiên, từ 2002 đến 2004, trong khi vốn đăng ký từ các nước khác vào Việt Nam tăng chậm thì vốn từ khu vực châu Âu lại giảm mạnh theo xu hướng chung đầu tư ra thế giới của cả khu vực này. FDI của châu Âu vào Việt Nam từ chiếm trên 40% tổng FDI đăng ký vào Việt Nam giai đoạn 1998-1999 giảm xuống chỉ còn 16,8% giai đoạn 2002 – 2004.

Năm 2005 đánh dấu sự hồi phục trở lại của dòng vồn FDI của EU vào Việt Nam với mức vốn đạt 1,7 tỷ USD. Năm 2008, mặc dù đầu tư từ châu Âu bắt đầu sụt giảm do suy thoái kinh tế song FDI đăng kí sang Việt Nam vẫn tăng 2,6 tỷ USD trước khi sụt giảm mạnh năm 2009 và tăng nhanh trở lại trong năm 2010 cũng là năm cao nhất từ trước đến nay (2,6 tỷ USD)

Từ năm 2011 trở lại đây, dòng vốn FDI từ EU có xu hướng giảm nhẹ do kinh tế thế giới vẫn còn chưa phục hồi.

Xét tới cơ cấu địa bàn đầu tư, có thể thấy FDI từ châu Âu tập trung chủ yếu ở các tỉnh có thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các tỉnh có nguồn tài nguyên dầu khí, hoặc các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Hải Dương. Tuy nhiên số lượng vốn đăng ký đầu tư vào Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh vẫn lớn hơn cả.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư EU tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (573 dự án và 6,29 tỷ USD TVĐT, chiếm 32%). Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất điện (19 dự án và 3,5 tỷ USD TVDT, chiếm 17,8%). Đứng thứ ba là lĩnh vực là lĩnh vực kinh doanh bất động sản.


Số lượt đọc: 1665
Thông báo