BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Tình hình đầu tư
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nam
Thứ Ba, 14/10/2014 09:41
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nam

Tính tới ngày 20/9/2014, tỉnh Hà Nam có 103 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 911,88 triệu USD, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bình quân 1 dự án là 8,6 triệu USD, thấp hơn bình quân trung của 1 dự án có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (14,45 triệu USD/dự án).

Riêng 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã thu hút được 24 dự án cấp mới và 7 dự  án điều chỉnh tăng vốn với số vốn267,2 triệu USD, đứng thứ 9/50 về đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2014. Vốn thực hiện đạt 120,24 triệu USD.

 Phân theo ngành

Vốn FDI của Hà Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 96 dự án, tổng vốn đăng ký là 898 triệu USD, chiếm 93,2% về số dự án và 98,5% về vốn đăng ký. Một số ít dự án còn lại thuộc các lĩnh vực xây dựng, hành chính và dịch vụ hỗ trợ, vận tải kho bãi và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa.

 Phân theo đối tác đầu tư:

Hiện nay đã có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Hà Nam, trong đó dẫn đầu là Nhật Bản với 25 dự án, tổng vốn đăng ký 339,27 triệu USD, chiếm 37,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 42 dự án  số vốn đăng ký đạt 205,05 triệu USD chiếm 22,48% vốn đăng ký. Đài Loan  đứng thứ 3 với 8 dự án với tổng vốn đăng ký 178 triệu USD chiếm 19,5% về vốn đăng ký. Còn lại là các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 

Một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam:

Công ty TNHH dệt Đài Nguyên Việt Nam , tổng vốn đầu tư đăng ký là 150 triệu USD do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư với mục tiêu sản xuất, gia công và kinh doanh se sợi, dệt kim và sản phẩm may mặc.    

Công ty Honda Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký là 120,5 triệu USD, nước đầu tư  Nhật Bản với mục tiêu sản xuất kinh doanh xe gắn máy, phụ tùng xe gắn máy và các dịch vụ liên quan.  

Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, tổng vốn đầu tư 75 triệu USD nhà đầu tư Nhật Bản, mục tiêu sản xuất và bán dây dẫn điện tử sử dụng trong xe ô tô.

Mặt được:

- Các doanh nghiệp FDI tại Hà Nam đang từng bước đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đã có những đóng góp nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương..Một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam, Công ty TNHH dây dẫn Sumi Việt Nam, Công ty TNHH Honda Lock, Công ty TNHH Finetek Việt Nam...

- Các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đã cam kết.

 Hạn chế:

- Kết quả thu hút ĐTNN trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chỉ đứng thứ 31/63 địa phương, chưa tương xứng với tiềm năng.

- Phần lớn các dự án FDI trên địa bàn là dự án quy mô nhỏ có 6 dự án quy mô dưới 5 triệu USD, chiếm 71%;19 dự án quy mô dưới 1 triệu USD, chiếm 20%.

- Một số dự án trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị máy móc gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ nên chưa đưa dự án nhà máy vào hoạt động được.

 Giải pháp:

- Tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án theo cam kết. Tăng cường việc tiếp xúc với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã cấp phép hoạt động hiệu quả (XTĐT tại chỗ). 

- Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh

- Tích cực triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo “cơ chế một cửa” và “một cửa liên thông”

- Đa dạng hóa các loại hình cho thuê đất, cho thuê nhà xưởng để các nhà đầu tư lựa chọn.

- Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh trên các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình, internet

- Chủ động phối hợp với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành trong việc hỗ trợ thông tin, kinh phí xúc tiến đầu tư.

- Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jetro, Kottra...để giới thiệu và mời các nhà đầu tư về đầu tư tại tỉnh Hà Nam.


Số lượt đọc: 583
Thông báo