Lần lượt những “người khổng lồ” của Hàn Quốc, từ Samsung, Hyundai, rồi Doosan, Kumho Asiana, Posco… đã đến Việt Nam để thiết lập các cơ sở sản xuất và không ngừng mở rộng đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý trong số này là Tập đoàn Samsung, với các nhà máy sản xuất điện thoại di động và linh kiện với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6,85 tỷ USD.
Bắt đầu chính thức đi vào sản xuất từ tháng 4/2009, cùng với quá trình nâng vốn đầu tư từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD, rồi 2,5 tỷ USD hiện nay, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, cũng như cho tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2013, nhà máy SEV đã xuất khẩu được 23,9 tỷ USD các sản phẩm điện thoại và linh kiện, đóng góp 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Khi nhà máy Samsung Electrocnics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, đi vào hoạt động ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu mà Samsung đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam còn lớn hơn nữa. Riêng năm nay, con số được dự kiến khoảng 30 tỷ USD. Samsung đang muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình.
Ngoài 5 nhà máy sản xuất điện thoại và linh kiện hiện tại, Samsung đang lên kế hoạch cho dự án sản xuất đồ điện tử gia dụng tại TP.HCM, vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD và các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, đóng tàu tại Đồng Nai, Hà Tĩnh và Khánh Hòa.
Cùng với Samsung, sau một thời gian đầu tư sản xuất - kinh doanh thành công tại Việt Nam, với các nhà máy ở Hưng Yên, Hải Phòng, Tập đoàn LG hồi năm ngoái cũng đã quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với dự án 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng.
Và tuần trước, tại Hàn Quốc, LG đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Kinh Bắc về việc thuê thêm đất tại KCN Tràng Duệ Hải Phòng để mở rộng sản xuất. Chưa có tuyên bố chính thức, nhưng việc LG không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã cho thấy tập đoàn này đã thực sự coi Việt Nam là một cứ điểm sản xuất quan trọng.
|
Nâng tầm Đối tác hợp tác chiến lược Việt - Hàn
(Baodautu.vn) Chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bắt đầu từ hôm nay (1/10) đến ngày 4/10, là cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác toàn diện và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
|
Trong khi đó, theo kế hoạch, khoảng tháng 11/2014 tới, Posco Special Steel (Hàn Quốc) sẽ chính thức đưa Nhà máy Sản xuất thép Posco SS-Vina đi vào hoạt động. Dự án này được khởi công vào cuối tháng 6/2012, với tổng đầu tư khoảng 600 triệu USD, dự kiến khi đi vào vận hành sẽ có quy mô 1 triệu tấn phôi/năm, sau đó cán ra các loại thép thành phẩm, gồm 700.000 tấn thép hình, thép kết cấu nặng và 300.000 tấn thép xây dựng như thép thanh, thép vằn mỗi năm.
Ngoài Samsung, LG, Posco, còn có thể kể đến Kumho Asiana với kế hoạch mở rộng Dự án Kumho Tires (Bình Dương) lên 300 triệu USD. Doosan Vina cũng đang muốn mở rộng hoạt động đầu tư tại Dung Quất (Quảng Ngãi)…
“Đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã trở thành bộ phận quan trọng, đóng góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc có 3,35 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam, “soán ngôi” Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, nếu tính lũy kế, con số này là trên 33,4 tỷ USD và Hàn Quốc vẫn chỉ đứng thứ hai (sau Nhật Bản) trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng phải nói thêm rằng, các dự án hàng tỷ USD của Samsung đều đang được tính cho Singapore, vì thế, nếu tính thêm khoản này, Hàn Quốc có thể sẽ giữ ngôi vương trong số các nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư này, theo ông Park Chang Eun, Phó giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là vì, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã và đang lên các kế hoạch đầu tư tiếp theo vào Việt Nam. “Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Park Chang Eun nói.
Năm ngoái, dư luận đã nhắc tới xu hướng các nhà đầu tư Hàn Quốc không chỉ đổ vốn vào lĩnh vực sản xuất, mà còn là bất động sản, thương mại... ở Việt Nam. Shinsegae - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc cũng đang muốn kinh doanh siêu thị tại Việt Nam. Còn Lotte thì vẫn đang trong quá trình bành trướng thanh thế ở Việt Nam. Một tháng trước đây, Lotte đã khai trương tòa nhà Lotte Center, cao thứ hai ở Hà Nội.
Tuần trước, trong kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Chong Ghee đã khẳng định, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và có nguồn nhân lực dồi dào. Vì thế, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng được mở rộng theo lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.