BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Tình hình đầu tư
Thu hút ĐTNN sau 8 năm gia nhập WTO và những vấn đề đặt ra
Thứ Năm, 23/10/2014 11:11
Thu hút ĐTNN sau 8 năm gia nhập WTO và những vấn đề đặt ra

Sau 8 năm gia nhập WTO tình hình thu hút ĐTNN tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh các chính sách kinh tế theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập. Điều này đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng như mạnh dạn hơn trong việc tăng vốn, mở rộng quy mô các dự án đầu tư. Tiến trình hội nhập và sự tham gia chính thức của Việt Nam vào WTO đã mang lại những cơ hội nhưng có không ít những thách thức đối với tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

1. Tình hình ĐTNN sau 8 năm gia nhập WTO (năm 2007 – 2014)

Sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ĐTNN vào Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, gia tăng mạnh mẽ cả về vốn thực hiện và vốn đăng ký.



Giai đoạn 2007 - 2009 được coi là giai đoạn bùng nổ ĐTNN tại Việt Nam Năm 2007, vốn đăng ký có bước tiến vượt bậc với 21,3 tỷ USD, tăng 77,8% so với năm 2006. Năm 2008 là năm thu hút đỉnh cao của đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đạt trên 71,7 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2007, đây là năm có số vốn FDI đăng ký cao nhất trong lịch sử thu hút ĐTNN vào Việt Nam.

Trong năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn tới điều chỉnh chính sách đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, cạnh tranh thu hút ĐTNN càng trở nên gay gắt, ĐTNN vào Việt Nam đã suy giảm đáng kể, đạt 23,1 tỷ USD, tuy chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng cũng là một mức cam kết khá cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Như vậy, chỉ tính từ năm 2007 đến năm 2009, Việt Nam đã thu hút được 3.993 dự án ĐTNN với vốn đăng ký đã đạt 116,4 tỷ USD, cao hơn gần 2,1 lần so với mục tiêu đề ra (55 tỷ USD) cho cả giai đoạn 5 năm 2006 - 2010.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên ĐTNN trong giai đoạn từ năm 2010 – 2012 có giảm nhẹ. Năm 2010 Việt Nam thu hút được 19,88 tỷ USD, năm 2011 là 15,6 tỷ USD, và năm 2012 là 16,34 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 2010 đến 2012, Việt Nam đã thu hút được 3715 dự án ĐTNN với vốn đăng ký đạt 51,8 tỷ USD, bằng 72% so với vốn đăng ký của riêng năm 2008.

Trong 2 năm trở lại đây, vốn ĐTNN đã có sự khởi sắc trở lại. Năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 1.530 dự án với vốn đăng ký đặt 22,3 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2012. Trong 9 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,18 tỷ USD.

Trong 8 năm vừa qua, vốn thực hiện của khu vực ĐTNN cũng có sự tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO và đã duy trì đều ở mức ổn định. Năm 2007 vốn FDI thực hiện đạt trên 8 tỷ USD, tăng 96% so với năm 2006. Năm 2008 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2007. Năm 2009,  vốn giải ngân đạt 10 tỷ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2008. Như vậy, tính chung giai đoạn 2007 - 2009, vốn thực hiện của khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đã đạt khoảng 29,5 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra (25 tỷ USD) cho cả giai đoạn 5 năm 2006-2010.

Năm 2010 và năm 2011, vốn thực hiện tăng nhẹ, đạt mức 11 tỷ USD. Năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD và năm 2013 đạt 11,5 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2014, vốn thực hiện ước đạt 12 tỷ USD.

Có thể thấy, ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Nếu trong giai đoạn trước hội nhập (giai đoạn 2001-2006), ĐTNN đóng góp khoảng 16% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2007-2014, với sự gia tăng đáng kể về vốn giải ngân, khu vực ĐTNN đóng góp đáng kể vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, năm 2007 là 24,8%, năm 2008 là 30,9%, năm 2009 là 25,7%,  năm 2010 là 25,8%, năm 2011 là 24,5, năm 2012 là 21,6% và năm 2013 là 22% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ trọng này tăng lên là 25,1%.

Giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn ĐTNN trong giai đoạn này cũng gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 47,8% (nếu không kể dầu thô) tổng xuất khẩu cả nước, nếu tính cả giá trị xuất khẩu dầu thô thì tỷ trọng này đạt khoảng 58,2%.

Đóng góp của khu vực ĐTNN trong GDP cũng gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn này, cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu. Tỷ trọng khu vực ĐTNN trong GDP năm 2007 tăng lên 17,66% (so với 17,02% năm 2006), năm 2008 đã tăng lên 18,68% GDP và năm 2009 đạt 18,33% GDP, năm 2010 đạt 18,72% GDP, năm 2011 đạt 18,97% GDP, năm 2012 đạt 18.09% GDP.

2. Những vấn đề đặt ra

Việc gia nhập WTO đã có những tác động đáng kể đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những tác động 2 chiều, bao gồm cả những tác động tích cực cũng như tiêu cực đối với ĐTNN.

Mặt tích cực:

Khi đã là thành viên của WTO, các chính sách kinh tế cần được điều chỉnh theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập. Điều này đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng như mạnh dạn hơn trong việc tăng vốn, mở rộng quy mô các dự án đầu tư.

Thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng, các doanh nghiệp ĐTNN cũng như doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được nhiều thị trường hơn. Do vậy xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đã gia tăng đáng kể và luôn chiếm tỷ lệ rất cao  so với tổng xuất khẩu của cả nước.

Là thành viên của WTO, cùng với việc xóa bỏ các rào cản về đầu tư, Việt nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Thu hút ĐTNN đã có sự phát triển vượt bậc kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Gia nhập WTO là một cú hích mạnh cho FDI vào Việt Nam, có ý nghĩa không chỉ ở khía cạnh sẽ đem lại một nguồn vốn bổ sung khổng lồ bên cạnh nguồn vốn đầu tư huy động từ trong nước, mà thậm chí còn quan trọng hơn thế, có tác dụng tích cực đến cải thiện năng suất và tính cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nhờ tự do hóa các ngành từ trước đến nay đóng cửa với đầu tư nước ngoài (như ngành dịch vụ, đặc biệt những ngành có hàm lượng trí thức cao - tiếp thị, quảng cáo, tư vấn, quản lý, tài chính, bảo hiểm, tin học, thương mại điện tử, cung ứng, phân phối - là cấu thành thiết yếu của một nền kinh tế tri thức mà VN đang theo đuổi).

Tác động tích cực của việc gia nhập WTO đối với doanh nghiệp FDI là sẽ phải thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa và không phân biệt đối xử. Công khai hóa và minh bạch hóa sẽ đem lại thuận lợi và từ đó là những cơ hội mới cho doanh nghịệp.

Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực cũng còn nhiều vấn đề đặt ra đối với tác động của việc gia nhập WTO đối với thu hút ĐTNN tại Việt Nam như sau:

Thực tiễn áp dụng và thực hiện các cam kết về đầu tư trong các ngành dịch vụ khi Việt Nam gia nhập WTO đã phát sinh một số vướng mắc đối với các doanh nghiệp ĐTNN, gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan quản lý về đầu tư trong quá trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ĐTNN. 

Theo quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam với WTO, bên cạnh một số cam kết thông thoáng, không ít cam kết đã áp đặt những hạn chế về điều kiện đầu tư/kinh doanh chặt chẽ hơn quy định tương ứng của pháp luật hiện hành, nhất là cam kết trong các ngành dịch vụ giáo dục, y tế, du lịch, môi trường và một số phân ngành dịch vụ kinh doanh.... Việc này đã tác động không tốt đến môi trường đầu tư của Việt Nam, tạo ra tâm lý hoài nghi cho nhà đầu tư nước ngòai về tính nhất quán trong chủ trương thu hút ĐTNN của Việt Nam.

Cam kết giảm thuế trong WTO đã tạo ra cạnh tranh nhiều hơn đối với các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là những ngành được sự bảo hộ của nhà nước về thuế quan. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa do phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng của FDI vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, tình hình thu hút và sử dụng dòng vốn FDI gần đây đang dẫn đến một số hệ lụy làm ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như đầu tư quá nhiều vào khu vực bất động sản, làm thâm hụt cán cân thương mại, môi trường sinh thái bị tác động xấy, sinh kế của người nông dân, nhất là những người bị mất đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nền...Việc trở thành thành viên WTO giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn FDI hơn, song chắc chắn rằng việc chấp nhận mọi hình thức FDI mà không có sự đánh giá về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, các vấn đề xã hội khác và có các chính sách thu hút và điều tiết phù hợp thì FDI sẽ không nhất thiết luôn là nguồn vốn ổn định và tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Tám năm là thành viên của WTO chưa phải là một khoảng thời gian dài để Việt Nam hoàn toàn hội nhập được với nên kinh tế thế giới và chắc chắn rằng Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều thách thức lớn. Vì vậy, cần phải nhận biết tốt hơn các quy luật của nền kinh tế thị trường, các thể chế thị trường, cũng như là các quy tắc của WTO, nếu không sẽ khó ứng xử một cách phù hợp. Bên cạnh đó, để tận dụng được cơ hội với tư cách là thành viên WTO và khắc phục những thách thức đặt ra, chúng ta phải nhận thức rằng nên kinh tế quốc gia và nên kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới đã có tác động qua lại và thức thì chứ không còn độ trễ như trước nữa. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đưa ra được các chính sách hợp lý có tính đến các điều kiện trong nước và thế giới. 

Số lượt đọc: 701
Thông báo