BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Hàn Quốc: Nhiều băn khoăn của doanh nghiệp
Thứ Tư, 18/11/2015 03:13
Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Hàn Quốc: Nhiều băn khoăn của doanh nghiệp

Những “điểm nghẽn” trong chính sách cũng như lĩnh vực nào là tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc đã được đối thoại cởi mở tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ nhất nhằm tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ, tăng cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội ngày 13/11/2015, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) tại Việt Nam thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn, lo ngại của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian qua.

Lo nhân công và lương

Ông cho biết cảm thấy khá ngạc nhiên khi ở Việt Nam trong thời gian qua, mức lương tối thiểu, cơ bản liên tục được điều chỉnh tăng hoặc được đề xuất tăng, ở Hàn Quốc, mức lương này được giữ ổn định trong một thời gian dài và không có chuyện “biến động” như ở Việt Nam.

Chủ tịch KORCHAM cho rằng việc điều chỉnh mức lương của người lao động sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, có thể liên quan đến quyết định đầu tư, mở rộng công việc kinh doanh của họ bởi doanh nghiệp sẽ không chỉ phải chi trả thêm khoản tiền lương tăng thêm mà các chi phí BHXH, phụ cấp… cho người lao động mà doanh nghiệp phải chi trả cũng sẽ tăng mạnh.

Vì thế, đại diện cho phía doanh nghiệp Hàn Quốc, ông mong sắp tới phía Việt Nam sẽ sớm đưa ra những quyết định rõ ràng và kịp thời về vấn đề tiền lương cho người lao động để các doanh nghiệp Hàn Quốc còn có các kế hoạch khác.

Chia sẻ băn khoăn với Chủ tịch KORCHAM, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nêu quan điểm: “Mức tăng lương 12,4% như hiện nay là cao so với năng suất lao động cũng như cả tốc độ lạm phát. Chính sách tiền lương cần phải phù hợp với năng suất lao động, lạm phát và cả sức chi trả của doanh nghiệp. Mức tăng 12,4% có thể được chấp nhận nhưng tôi kiến nghị cần dãn lộ trình thực hiện để doanh nghiệp kịp thích ứng và chuẩn bị. Theo tính toán, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 34% vào BHXH, BHTN, chi phí Công đoàn. Điều này có thể gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp”.

Bên cạnh vấn đề tiền lương tối thiểu, ông Ryung Hang Ha cũng nói lên một vấn đề nan giải khác đối với các tập đoàn lớn như Samsung đang đầu tư vào Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực.

Ông cho biết nhiều nhà máy, doanh nghiệp Hàn Quốc ở các địa phương tìm “đỏ mắt” cũng không ra nguồn lao động là các kĩ sư giỏi, lao động có tay nghề, trình độ cao… Việc thiếu hụt lao động có tay nghề kĩ thuật mới chỉ là một nửa câu chuyện, phần còn lại là tâm lý không chịu đến tỉnh thành khác làm việc của nhiều kĩ sư giỏi nếu đó không phải là các thành phố lớn. Ở những nơi như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thực sự gặp khó trong vấn đề tuyển người.

Ông kiến nghị các trường đại học, trung tâm dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tại địa phương mình để sớm đào tạo ra các kĩ sư giỏi phục vụ cho các ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp phụ trợ vốn đang rất cần người như hiện nay.

Các đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam mới chỉ là “một nửa của sự hấp dẫn”. Nửa còn lại, họ mong muốn các lao động phải thực sự có tay nghề, trình độ cao để đáp ứng những yêu cầu ngày càng ngặt nghèo trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, những lưu ý về các chính sách ổn định, rõ ràng, cũng ảnh hưởng rất lớn tới các quyết định đầu tư kinh doanh, hợp tác từ phía bên Hàn Quốc.

Mở rộng lĩnh vực đầu tư

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) được ký ngày 5/5/2015 được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp đôi bên tận dụng được hơn nữa những lợi thế của nhau để có thể hợp tác cùng có lợi.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực hấp dẫn để đầu tư trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của hơn 90 triệu dân nội địa mà đã vươn ra mạnh mẽ trong thị trường khu vực và thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước có nhiều thế mạnh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.

Tại Diễn đàn, Việt Nam kêu gọi Hàn Quốc chuyển dịch dần những chuỗi giá trị này đến Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản, tăng liên kết giá trị vùng và ngành, tận dụng những ưu đãi do TPP mang lại để đôi bên cùng có lợi.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục quan tâm mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường, công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa các mô hình đầu tư (trong đó có cả hình thức đầu tư PPP).

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: “Để tạo ra sự đồng bộ và phát triển bền vững, chuẩn bị tốt cho hội nhập, Việt Nam cũng chú trọng đến xây dựng cơ chế chính sách cạnh tranh, nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp”.

Trong bài toán đầu tư cung - cầu này, Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp dệt may phát triển mạnh. Cùng lúc đó, tham gia TPP, ngành dệt may Việt Nam cũng được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định. Nên để được hưởng những ưu đãi do TPP mang lại, Việt Nam kêu gọi Hàn Quốc đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, giày da…


Số lượt đọc: 220
Thông báo