BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 20/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp FDI
Thứ Sáu, 31/10/2014 04:21
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp FDI

"Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn với các doanh nghiệp nước ngoài";, theo đánh giá của ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ kế hoạch Đầu tư tại Diễn đàn Ngày Nhà máy FDI tụ hội diễn ra tại Bắc Ninh.

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến khẳng định tầm quan trọng của diễn đàn nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp FDI tại các tỉnh phía Bắc.

Đại diện các Bộ, ngành trung ương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi thảo luận và giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp về tăng cường hợp tác giữa các nhà máy FDI và các tập đoàn đa quốc gia, giải pháp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu đầu tư hạ tầng cho sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư Việt Nam và định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, cũng như các cách thức tăng cường hợp tác giữa các nhà máy FDI và các tập đoàn đa quốc gia. 

Đầu tư chiều sâu

Theo ông Đặng Xuân Quang, 10 tháng đầu năm 2014 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trên đà phục hồi. Thể hiện qua con số giải ngân, việc cấp giấy chứng nhận... 

Cụ thể, dòng vốn đầu tư nước ngoài giữ nhịp tăng trưởng, các nhà đầu tư giải ngân 10,15 tỷ USD, thể hiện sự ổn định đầu tư vào Việt Nam ngay bối cảnh tình hình kinh tế xã hội khu vực, thế giới khó khăn. 

Cấp giấy chứng nhận đầu tư, các địa phương cấp 13.7 tỷ USD. Thậm chí, nếu các tỉnh đẩy mạnh công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các dự án lớn đang thẩm định xem xét hoàn toàn có thể hi vọng đạt được chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài như năm 2013. 

'Trong 13,7 tỷ USD bao gồm dòng vốn được cấp mới đạt 76,1% so với cùng kỳ, các nhà đầu tư đã có dự án tăng đầu tư khoảng 3,7 USD. Có thể thấy mặc dù tình hình đầu tư nước ngoài không tăng trưởng như năm trước nhưng vẫn đầu tư chiều sâu', ông Đặng Xuân Quang nói. 

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn với các doanh nghiệp nước ngoài khi đang có những cuộc đàm phán ở giai đoạn cuối các Hiệp định liên quan đến FDI với khu vực và các quốc gia có điều kiện cao EU, Nga, Hàn Quốc, TPP...

Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, lĩnh vực thu hút đầu tư 20 năm qua phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Khoảng 55% tập trung công nghiệp chế biến chế tạo các lĩnh vực khác như bất động sản, nông nghiệp... cũng chiếm tỷ trọng cao. 

TP. HCM là địa phương thu hút lớn nhất đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong số địa phương thu hút thời gian qua Bắc Ninh đã bứt phá ấn tượng. 'Cho đến nay Bắc Ninh đang đứng thứ 9/63 tỉnh/thành phố chỉ sau địa bàn có truyền thống thu hút đầu tư nước ngoài như Hà Nội, TP. HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Tĩnh... ', ông Đặng Xuân Quang nói. 

Theo thống kê, tính đến hết tháng 9/2014, Bắc Ninh có 510 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn trên 8 tỷ USD.

Cải thiện môi trường, thủ tục hành chính 

Việc thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI, Việt Nam cùng lúc vừa đề ra những chính sách ưu đãi liên quan đến thuế, những ưu đãi tài chính, phi tài chính nâng cao sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Malaysia,  Indonesia... 

Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường cơ chế đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp. Cải cách hàng loạt những thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư tốt nhất để thu hút FDI. 

Đại diện VCCI, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh xã hội, UBND Bắc Ninh trả lời thắc mắc của các nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Thảo

Theo đó, về vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã cắt giảm mạnh thời gian nộp thuế 537 giờ/năm, giảm còn 201 giờ/năm dự kiến 2015 giảm còn 171 giờ/năm, thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giảm thời gian 50%, tương đương với các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunay, Philippines...  

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại theo phản ánh của doanh nghiệp FDI như việc khó khăn về giá nguyên liệu, chi phí nhân công tăng cao gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. 

Đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc thị trường chính là Nhật Bản cho biết, Luật lao động quy định rất khắt khe về tăng ca, khó khăn cho ngành may mặc vì vậy đã đề xuất việc mở rộng thời gian tăng ca vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung, đại diện Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, Bộ Luật đã quy định không có văn bản nào trái ngược. 

Trả lời băn khoăn của đại diện Pepsico Việt Nam về việc tách vốn đầu tư từng dự án như thế nào khi Pepsico đang có dự định mở thêm 1 nhà máy tại Việt Nam, ông Đặng Xuân Quang cho biết, theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư phải kê khai các vốn liên quan đến đầu tư, sử dụng loại đồng tiền nào khi góp vốn. 

'Một doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam không phải là hiếm. Đây chỉ là vấn đề về thực thi pháp luật giữa trung ương và các địa phương, không phải là vướng mắc về Luật. Đề nghị công ty có văn bản cụ thể hơn về những vướng mắc này để có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp', ông Quang nói. 


Số lượt đọc: 764
Thông báo