BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 09/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Phú Yên quyết cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh
Thứ Sáu, 20/05/2016 10:31
Phú Yên quyết cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh

Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho rằng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Phú Yên năm 2015 thấp là một cảnh báo cần thiết giúp địa phương nhận thức rõ hơn về việc cải thiện môi trường đầu tư, trên cơ sở đó có những hành động cụ thể, thiết thực để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến Phú Yên tụt bậc trên bảng xếp hạng PCI năm 2015?

Trước hết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là công cụ để đánh giá và xếp hạng hiệu quả vận hành của bộ máy chính quyền trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Do vậy, việc PCI năm 2015 của Tỉnh giảm 8 bậc so với năm 2014, xếp 55/63 tỉnh thành,  là “cú sốc” thực sự đối với Lãnh đạo Tỉnh và các ban ngành, nhất là trong bối cảnh thời điểm công bố được Tỉnh chọn là năm Doanh nghiệp. Bởi lẽ  PCI là chỉ số mang tính định lượng cụ thể, từng chỉ số thành phần phản ánh việc điều hành trong năm trên từng ngành, lĩnh vực cụ thể, cho nên xem đây như là thước đo để chúng ta nhận thức và rút kinh nghiệm để kiện toàn bộ máy hành chính công để từng bước đưa Phú Yên ngày một tốt hơn.

Nhìn vào thực tế cơ cấu PCI 2015, Phú Yên có một số chỉ số thành phần được cải thiện đáng kể như “Tính năng động và tiên phong của Lãnh đạo Tỉnh” (tăng 27 bậc), “Chi phí không chính thức” (tăng 15 bậc), cùng với một số chỉ số lâu nay đạt điểm khá cao như chỉ số “Gia nhập thị trường” (8,74 điểm) hoặc chỉ số “Chi phí thời gian” (7,41 điểm) thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo Tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư  kinh doanh,  giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường và giảm thiểu thời gian liên quan đến hành chính công. Tuy nhiên, sự tụt giảm của các chỉ số như “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (giảm 28 bậc) và “Đào tạo lao động” (giảm 12 bậc), cùng với các chỉ số còn lại cải thiện không đáng kể, đã làm chỉ số chung PCI của Tỉnh tụt hạng.

Nhìn tổng thể,  trong 9 chỉ số thành phần của PCI, Phú Yên chỉ có 2 chỉ số có điểm số tương đối tốt, các chỉ số còn lại chúng ta chỉ đạt ở mức trung bình và dưới trung bình. Nhận thức rõ về cơ cấu này để giúp Phú Yên xây dựng một chương trình hành động cụ thể hơn để từng bước cải thiện điểm số của các chỉ số này trong thời gian đến, qua đó giúp môi trường kinh doanh tỉnh ta tốt hơn.

Ông Lê Tấn Hổ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên.
Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên.

Theo ông, tỉnh cần hành động cụ thể thế nào để giúp cải thiện môi trường kinh doanh?

Tôi xin thông tin như thế này, thực ra thì không phải đến khi công bố PCI năm 2015 Lãnh đạo Tỉnh mới đặt về vấn đề về cải thiện chỉ số PCI.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc để trong nhiệm kỳ phải tạo được chuyển biến thực sự về môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số PCI  của Tỉnh. Vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh.

Sắp tới đây, UBND Tỉnh sẽ cụ thể bằng kế hoạch hành động, theo đó phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị phải làm những việc gì, ai chủ trì, ai phối hợp, thời gian thực hiện như thế nào, tổ chức kiểm tra, giám sát ra sao… Với quyết tâm chính trị như thế, tôi nghĩ những hạn chế về mặt chủ quan như đã nêu trên sẽ sớm khắc phục, nếu hệ thống vận hành tốt, những trở ngại trong kết nối các sở ban ngành được gỡ bỏ, mọi thứ trở nên minh bạch, thì  chắc chắn tình trạng nhũng nhiễu không còn, chi phí không chính thức sẽ giảm xuống  đáng kể.

Tuy nhiên, trong quá trình  triển khai cũng sẽ gặp một số trở ngại nhất định, nhất là về nhận thức, về lối mòn trong xử lý công việc của một số bộ phận cán bộ công chức. Do vậy, theo tôi, từng cơ quan đơn vị, cần phải quyết liệt hơn nữa trong điều hành công việc ngay chính tại đơn vị mình, cá nhân nào có biểu hiện “câu giờ” thì phải chuyển công việc đó ngay cho người khác, phòng ban nào chậm chuyển biến thì phải chuyển nhiệm vụ sang phòng ban khác. Có như thế, mới tạo được sức bật thực sự để khắc phục những phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.  

Cũng xin nói thêm, để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh tốt không phải một sớm một chiều. Quyết tâm chính trị có rồi, đòi hỏi sự chung tay góp sức hoạt động đồng bộ của cả bộ máy chính quyền, sự liên kết – phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan từ trên xuống dưới, của từng  bộ phận cán bộ công chức có rồi, tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp, người dân cũng là một mắc xích trên quy trình vận hành hành chính công. Quy trình này có vận hành tốt hay không phụ thuộc vào tất cả các mắc xích tham gia quy trình này vận hành thế nào. Có thể chính quyền làm tốt, nhưng bản thân các doanh nghiệp không tốt cũng sẽ làm ách tắt quy trình. Vì vậy, chúng tôi hi vọng rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cả bộ máy chính quyền thì các doanh nghiệp, người dân cũng chung tay cùng chính quyền để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh tốt cho địa phương.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng đó là văn hóa công sở, bản thân từng cán bộ công chức phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, bắt đầu từ tác phong làm việc chuyên nghiệp đến môi trường làm việc phải cởi mở, thân thiện và mến khách, tạo không khí công sở trở nên gần gũi hơn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Sở Kế hoạch và Đầu tư có chương trình hành động cụ thể nào để giúp Phú Yên hoàn thành tốt chương trình “Năm Doanh nghiệp 2016” thưa ông?

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ  làm cơ quan thường trực cho năm Doanh nghiệp với  11 nhiệm vụ được phân giao trên tổng số 32 nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND Tỉnh. Sau khi phát động Năm doanh nghiệp, chúng tôi đã thực hiện ngay việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới doanh nghiệp không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (giảm 01 ngày so với quy định), đồng thời đối với các hồ sơ đăng ký thay đổi thì giải quyết ngay (không quá 03 giờ) khi nhận được hồ sơ hợp lệ (theo quy định là 03 ngày).

Hiện nay chúng tôi đã trình lấy ý kiến thấm định của Sở Tư pháp và sắp tới trình ban hành Quy định quản lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh với thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến Quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn gần 50% so với thời gian quy định. Để làm tốt việc này, Sở đang khẩn trương kiện toàn lại bộ máy, nghiên cứu lại phương pháp thẩm định, cho triển khai trước trong nội bộ Sở, sau đó nếu thành công sẽ báo cáo UBND Tỉnh cho nhân rộng.

Vừa qua Lãnh đạo UBND Tỉnh đã quyết định  thực hiện tiếp xúc Doanh nghiệp định kỳ theo tháng để nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Để làm tốt việc này,  Sở đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức phát phiếu khảo sát đến các doanh nghiệp, công khai địa chỉ email và sắp tới sẽ mở trang web riêng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Cũng xin nói thêm, sắp tới chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh triển khai Đề án “Phát triển doanh nghiệp Phú Yên đến năm 2020”; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế…,  trong đó chúng tôi tập trung chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hi vọng qua các chương trình trên, phần nào sẽ giúp doanh nghiệp của Tỉnh phát triển, chí ít cũng lớn mạnh được về mặt số lượng, đạt được mục tiêu có 4.000 doanh nghiệp đến năm 2020.

Xin cảm ơn ông!


Số lượt đọc: 3421
Thông báo