BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 15/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Giảm thời gian nộp thuế không thể chỉ là lý thuyết
Thứ Năm, 16/04/2015 02:04
Giảm thời gian nộp thuế không thể chỉ là lý thuyết

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành thuế đã giảm được 370 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, con số này chỉ là lý thuyết.

Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được sau 1 năm triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP?

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014 và tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao ngành tài chính, thuế và hải quan trong việc rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế.

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, chúng tôi đã chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, theo đó giảm được 80 giờ làm thủ tục hành chính thuế; xây dựng Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi 4 nghị định, giảm được hơn 88,36 giờ; trực tiếp ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi 7 thông tư, giảm thêm được 201,5 giờ nữa. Như vậy, ngành tài chính, thuế giảm được tổng cộng 370 giờ.

Số thời gian làm thủ tục hành chính thuế giảm được không phải do ngành tài chính, thuế đưa ra, mà do Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức tư vấn cho WB đánh giá, nên chắc là khách quan, trung thực.

Nhưng đó cũng chỉ là con số tính toán trên lý thuyết, vì 3 văn bản quy phạm pháp luật kể trên chỉ mới đi vào cuộc sống, thưa ông?

Số thời gian giảm thủ tục hành chính thuế tuy được WB định lượng một cách khoa học, khách quan, nhưng cũng chỉ là trên giấy tờ. Tôi đã nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng, thời gian làm thủ tục về thuế giảm được 370 giờ (từ 537 giờ xuống còn 167 giờ) mới chỉ trên lý thuyết. Thực tế, để người nộp thuế được thụ hưởng các chính sách cải cách hành chính thuế, thì còn phải thực hiện cả một bước dài nữa.

Có thể nói, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 đã có bước khởi đầu rất tốt, nhưng mọi khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước. Chính vì vậy, tôi yêu cầu toàn ngành tài chính, thuế, hải quan phải có cuộc cách mạng thực sự trong nhận thức, trong thi hành công vụ. Chỉ có vậy, thì thành quả cải cách trên lý thuyết mới thực sự đi vào cuộc sống.

Thưa ông, những thách thức đó là gì?

Mặc dù rất cố gắng, nhưng ngành thuế mới giảm được 53 thủ tục hành chính và đơn giản được 262 thủ tục. Hiện tại, số lượng thủ tục hành chính thuế vẫn còn quá nhiều (432 thủ tục). Điều đáng nói là, các thủ tục hiện hành đều nằm ở cấp thực thi (cấp cục thuế còn 246 thủ tục, cấp chi cục thuế còn 182 thủ tục).

Ngoài ra, hiện còn 24/60 quy trình quản lý thuế về đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về thuế… chưa được sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, đầy đủ và đảm bảo đảm quán triệt các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính để đưa chính sách, chế độ mới đi vào cuộc sống.

Ông đã yêu cầu những gì?

Để kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế vào cuộc sống, tôi đã yêu cầu ngành thuế phải quán triệt đầy đủ tinh thần, mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015 - 2016.

Đồng thời, tôi cũng yêu cầu ngành thuế phải xây dựng, sửa đổi toàn diện các quy trình liên quan đến người nộp thuế theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, nhưng phải bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Quy trình mới còn phải bảo đảm không được “đẻ” thêm thủ tục hành chính mới, đồng thời doanh nghiệp, người dân, báo chí có thể giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan thuế, cán bộ thuế.

Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 đặt ra nhiều mục tiêu khá nặng nề cho ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Liệu đến hạn chót (ngày 30/9/2015), các mục tiêu đó có thể thực hiện được, thưa ông?

Theo yêu cầu của Chính phủ thì hạn chót là ngày 30/9/2015, ngành thuế phải giảm được 43 thủ tục và đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính thuế; tiếp tục cắt giảm thời gian làm thủ tục thêm 45,5 giờ; ít nhất 90% hồ sơ hoàn thuế và ít nhất 90% đơn khiếu nại của người nộp thuế phải giải quyết đúng thời gian quy định và có khoảng 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Trong số các nhiệm vụ trên, nhiệm vụ nào cũng rất khó khăn, nặng nề. Đơn cử, với mục tiêu 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử, hiện cả nước có 488.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 90% đã đăng ký kê khai thuế điện tử qua mạng Internet, nhưng chỉ có 41.800 doanh nghiệp nộp thuế điện tử, mới chiếm 8,5%. Nếu nâng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử lên 50 - 60% thì không vấn đề gì, song nâng cao hơn nữa thì không đơn giản, bởi việc áp dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ở địa bàn khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mặc dù vậy, tôi vẫn yêu cầu ngành thuế phải thực hiện bằng được các mục tiêu kể trên với quyết tâm không để các chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế chỉ là lý thuyết.

Số lượt đọc: 472
Thông báo