Lễ trao Giấy Chứng nhận đầu tư có sự tham dự của ông Trần Hải Hậu, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Singapore, Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Phúc và đại diện Tập đoàn Giáo dục KinderWorld.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 743 dự án, trong đó có 176 dự án FDI với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 30 tỷ USD. Trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, Singapore đứng vị trí thứ tư về vốn đầu tư FDI, với số vốn 268 triệu USD cho 8 dự án. Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và Du lịch sinh thái của KinderWorld là dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Vĩnh Phúc.
|
|
|
|
Ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc (thứ 2 từ phải sang) trao Giấy chứng nhận đầu tư cho ông Tan Teck Yong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KinderWorld (thứ 2 từ trái sang) |
|
Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam là dự án mới nhất của Tập đoàn Giáo dục KinderWorld. Sau khi được thông qua cấp độ Thăm dò bởi Hội đồng Outward Bound Quốc tế vào tháng 12/2013 để thành lập Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound đầu tiên tại Việt Nam, KinderWorld đã và đang xúc tiến thực hiện Dự án tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án được phát triển trên khu đất 24,87 hec-ta tại Hồ Đồng Câu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD. Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty đã nhận được chấp thuận địa điểm của Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc cho khu đất đề xuất của dự án qua Thông báo số 1526-TB/TU ngày 26/08/2014. Sau khi nhận được thông báo chính thức về việc chấp thuận địa điểm, KinderWorld đã triển khai các thủ tục pháp lý tiếp theo để phát triển dự án và nhận Giấy Chứng nhận đầu tư.
Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam được triển khai theo mô hình trường Outward Bound quốc tế là một hệ thống nổi tiếng đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore, Úc, Hong Kong…
Hàng năm, hệ thống các trường học Outward Bound cung cấp những chương trình giáo dục ngoại khóa và thám hiểm thú vị nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp, tinh thần đồng đội, khả năng lãnh đạo, giá trị sống cũng như những hiểu biết về văn hóa, xã hội cho trên 2 triệu học viên trên toàn thế giới. Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam sẽ khuyến khích học sinh khám phá và vượt qua giới hạn của bản thân thông qua các hoạt động đào tạo thử thách, bởi triết lý giáo dục của KinderWorld đó là mỗi học viên là một cá nhân đặc biệt với những kỹ năng, khả năng và tài năng riêng cần được bồi dưỡng và phát triển.
|
|
|
|
Mô hình Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc |
|
Ngoài Dự án Khu Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và Du lịch sinh thái, Tập đoàn Giáo dục KinderWorld dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào tỉnh Vĩnh Phúc trong 10 năm tới để xây dựng và vận hành 2 dự án giáo dục khác, gồm Trường Quốc tế Việt Nam - Singapore (SVIS) và Khu liên hợp Giáo dục Singapore. Đại diện KinderWorld cho biết, Tập đoàn chọn Vĩnh Phúc là địa điểm đầu tư bởi tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và vị trí chiến lược chỉ cách Hà Nội 40 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 25 km.
Theo đó, bên cạnh việc cung cấp cho học sinh chương trình đào tạo theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Quốc tế Việt Nam - Singapore sẽ trang bị thêm kỹ năng tiếng Anh từ chương trình Anh ngữ của Cambridge dạy bởi giáo viên bản xứ. Học sinh học tập tại trường sẽ có nền tảng vững chắc từ chương trình quốc gia và khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát, mang đến cơ hội học tập và việc làm tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Dự án Khu phức hợp Giáo dục Singapore dựa trên mô hình của Thành phố Giáo dục (EduCity) tại “hành lang phát triển kinh tế” Iskandar, Malaysia, bao gồm khu giáo dục đào tạo với các trường học từ cấp Mẫu giáo đến hết Phổ thông, các trường Đại học Quốc tế trong và ngoài nước, khu ký túc xá cho sinh viên, giáo viên, khu nhà ở và thương mại cùng các cơ sở vật chất phụ trợ.
Tập đoàn Giáo dục KinderWorld cam kết tiếp tục đem lại những trải nhiệm giáo dục tốt nhất cho học sinh để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 trong một xã hội không ngừng phát triển.
Kỳ Thành