BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 13/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Làn sóng FDI từ Hàn Quốc: Cơ hội nào cho DN Việt?
Thứ Sáu, 15/05/2015 09:17
Làn sóng FDI từ Hàn Quốc: Cơ hội nào cho DN Việt?

Cùng với việc tiếp tục dẫn đầu về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam trong bốn tháng qua, với 909 triệu USD, Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký kết dự báo sẽ tạo ra một làn sóng lớn hơn nữa nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

Gần đây, các cuộc viếng thăm VN tìm cơ hội đầu tư của các DN Hàn Quốc diễn ra dồn dập thông qua nhiều kênh khác nhau.

Làn sóng Hàn sau FTA

Chẳng hạn, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (tháng 4 - 5/2015), VCCI đã đón 2 đoàn DN Hàn Quốc tới VN tìm cơ hội kinh doanh, trong đó nổi lên lĩnh vực sản xuất, bất động sản, cảng biển, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp… Đây là những lĩnh vực DN Hàn Quốc đang quan tâm nhờ những cam kết trong FTA. Thậm chí, để “chắc ăn”, các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết ngay tại các cuộc gặp gỡ DN, mà gần đây nhất là việc ký thỏa thuận hợp tác 4 bên, bao gồm: TCty cảng Pyeongtaek Gyenggi, Ban Quản lý đại dương và thủy sản vùng Pyeongtaek (Hàn Quốc) với Bộ GTVT VN và VCCI. Trong khi đó, hôm 12/5, một phái đoàn DN Hàn Quốc khác cũng thông qua VCCI sang VN tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn.

Đáng chú ý là hồi tháng 3 vừa qua, Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đã đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án bất động sản ở khu vực Nhà máy Đóng tàu Ba Son với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD với kế hoạch khởi công vào dịp 2/9/2015. Nếu được thông qua và triển khai, đây sẽ là một dự án FDI “khủng”  thuộc hàng tỉ USD đầy hứa hẹn.

Trong một động thái khác, Chủ tịch Tập đoàn Lotte - ông Shin Dong Bin gần đây cho biết Lotte đang đẩy nhanh các thủ tục để phát triển dự án khu phức hợp thông minh có vốn đầu tư đến 2 tỉ USD tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TPHCM, đồng thời tìm cơ hội đầu tư vào các dự án khác ở VN. Còn theo một kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), đa số các DN Hàn Quốc đều khẳng định có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, trong đó VN ở vị trí số 1.

Theo các chuyên gia, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao khi niềm tin của các DN nước này về môi trường đầu tư trong nước ngày càng được cải thiện cũng như cơ hội phát triển thị trường sẽ rộng hơn, đặc biệt là sau khi ký kết FTA giữa hai nước. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố gần đây, đa số các Cty Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài mới nổi trong năm 2015, trong đó Việt Nam là điểm đến được các DN này lựa chọn nhiều nhất.

Cụ thể, 49% trong tổng số gần 540 DN Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm nay nhờ những cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.

Nên chăng cần có những chính sách yêu cầu bắt buộc DN FDI hỗ trợ DN VN trước khi cho phép họ vào đầu tư tại VN.

Trong đó, các DN Hàn Quốc trông chờ nhiều hơn cả vào cam kết giảm thuế, mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Trong khi đó, theo khảo sát này của KITA thì Indonesia và Thái Lan là thị trường ưa thích thứ 2 và thứ 3 với lần lượt 37,4% và 30% số Cty lựa chọn.

Ông Yoon Sang Jik - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trước đó cũng đặc biệt nhấn mạnh, khi FTA giữa hai nước được ký kết, các DN Hàn Quốc sẽ “ồ ạt” đầu tư sang Việt Nam, khi đó các DNNVV của Hàn Quốc sẽ khai thác tiềm năng của Việt Nam, tham gia đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, với chiều sâu hơn.

Cơ hội cho DN Việt... còn xa

Rõ ràng, xu hướng đầu tư của các DN Hàn Quốc vào VN hiện nay có thể coi là làn sóng thứ hai, sau khi các DN, tập đoàn lớn đi trước như Samsung, LG, Hyundai, Lotte hay CJ. ... đã đầu tư.

Tuy nhiên, làm sao để các dự án FDI có tác động lan tỏa thực sự tới nền kinh tế và DNVN mới là điều quan trọng. Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân mới đây, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN cũng đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện này. Trong đó, ông Thiên thẳng thắn: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế VN của các DN FDI chấm dứt?”

Theo ông Thiên: “Ngay cả Samsung cũng đã từng nói, nếu VN không cải thiện gì (môi trường đầu tư, công nghiệp hỗ trợ…) thì 5-7 năm nữa, Samsung cũng phải rời đi, trong khi họ đã chiếm 22% kim ngạch XK của VN”.

Thực ra, khác với làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ hai, Hàn Quốc đang có chính sách khuyến khích các DNNVV đầu tư ra nước ngoài, tận dụng cơ hội vệ tinh cho DN lớn. Như vậy, rõ ràng tiếng là có nhiều cơ hội cho DNNVV VN, nhưng thực tế các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ ưu tiên các sản phẩm, DN của họ tham gia vào chuỗi sản xuất của mình trước khi để DN VN tham gia vào. Do vậy, bên cạnh việc DN VN phải tự nâng cao trình độ, công nghệ, quản trị... nên chăng cần có những chính sách yêu cầu bắt buộc DN FDI hỗ trợ DN VN để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của DN FDI trước khi cho phép họ vào đầu tư tại VN.

DNNVV sẽ được hưởng lợi


Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN:
Hiện có nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt và đầu tư tại VN và tiếp tục có ý định mở rộng đầu tư sau khi FTA hai nước thông qua. VN đang ngày trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các DN Hàn Quốc tại khu vực ASEAN. Theo tôi, thương mại hai nước sẽ tăng mạnh, điều nhìn thấy rất rõ là Hàn Quốc sẽ nhập khẩu nhiều mặt hàng của VN, VN cũng sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa, máy móc từ Hàn Quốc nhờ những ưu đãi từ Hiệp định FTA VN - Hàn Quốc vừa mới ký kết.

Không chỉ có vậy, lượng đầu tư từ Hàn Quốc sang VN sẽ tăng mạnh, bởi hiện có nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng đầu tư, sản xuất tại VN và XK sang nước thứ 3. Hơn nữa, với những chính sách mới về cấp phép lao động, chắc chắn cũng sẽ có nhiều người Hàn Quốc sang VN tìm cơ hội kinh doanh và ngược lại.

Hiện nay, nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đã đầu tư vào VN như: Samsung, LG, Lotte, Kumho…Trong tập đoàn Samsung đã tạo dấu ấn lớn khi đầu tư tới hơn 10 tỉ USD vào VN, tôi cho rằng sản lượng XK của Samsung đóng góp khá lớn vào việc xuất siêu của VN trong năm qua.Tuy nhiên, Samsung là tập đoàn đa quốc gia, hiện sản lượng điện thoại di động của Samsung XK tới 97 – 98% ra thế giới, chứ không chỉ phục vụ thị trường 2 nước. Do đó, việc Samsung đầu tư vào VN không hẳn chỉ đón đầu FTA mà quan trọng Samsung đánh giá cao nhưng chính sách thu hút FDI thông thoáng của VN, nguồn lao động dồi dào, khéo léo …Đó là những lý do chính Samsung đã quyết định mở rộng đầu tư và lấy VN làm cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn trên thế giới.

Điều đáng nói là khi các tập đoàn đa quốc gia như Samsung đầu tư vào VN bao giờ cũng tạo ra sức lan tỏa trong đầu tư, kéo theo các vệ tinh là các DNNVV để làm công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, làn sóng đầu tư từ các DNNVV sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể tạo lợi thế trong thu hút các DN Hàn Quốc, trong việc xây dựng chính sách, VN không nên chỉ quan tâm tới thu hút các DN lớn mà cần đầu tư hơn nữa vào việc xây dựng cơ chế thông thoáng để thu hút các DNNVV. Hiện nay, còn rất nhiều các DNNVV Hàn Quốc muốn đầu tư vào VN sau khi FTA được thông qua, nhưng họ rất khó vào vì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… hiện mới chỉ tập trung vào các DN lớn và vừa.

Tôi cho rằng, VN cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tập trung vào các DNNVV, chẳng hạn như vấn đề giấy phép lao động, quản lý visa… cho người nước ngoài. Ngoài ra các vấn đề cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… vẫn là những vấn đề có tác động không nhỏ tới sự quyết tâm đầu tư của các DNNVV Hàn Quốc vào VN, nhất là sau khi FTA đã chính thức được thông qua.

Tuấn Anh ghi

3 điểm yếu


Trần Anh Vương - Tổng giám đốc CTCP Thép  Bắc Việt:
DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu từ làn sóng đầu tư của Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là dù nhiều DN Việt Nam khẳng định có thể sản xuất và cung ứng được linh kiện, phụ tùng cho các DN nước ngoài, song hầu hết các nhà sản xuất nước ngoài không sử dụng sản phẩm mà DN Việt Nam cung cấp, với lý do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Sau nhiều năm hợp tác với các đối tác nước ngoài tôi thấy rằng có 3 yếu tố chính mà các DN công nghiệp phụ trợ cần đáp ứng được, đó là chất lượng, thời gian giao hàng và giá bán. Nhìn chung, các DN nội địa chưa đáp ứng được đồng loạt 3 yếu tố này nên chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

Chính vì vậy bên cạnh nỗ lực từ phía DN, chính sách hỗ trợ của Nhà nước tập trung giúp DN khắc phục được 3 điểm yếu nêu trên thì mới có hy vọng để DN Việt vươn lên trở thành những nhà cung cấp thực thụ cho các DN và tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có mức thuế phù hợp đối với các DN sản xuất phụ trợ để khuyến khích DN đầu tư các dự án sản xuất đạt yêu cầu của các nhà sản xuất lớn. Ngoài ra, cần sớm thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Trung ương và địa phương, đưa các doanh nhân đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực phụ trợ vào đội ngũ các chuyên gia của Trung tâm nhằm hỗ trợ, tư vấn ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển một cách thực tế, hiệu quả hơn.

Phan Nam ghi

Q.Anh - V.Chung

Số lượt đọc: 441
Thông báo