BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 24/01/2025
Vùng, Thông tin
Nhà đầu tư Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam
Thứ Sáu, 27/08/2021 11:24
Nhà đầu tư Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam

Các công ty Mỹ đặt nhiều hy vọng vào thị trường Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 24 đến 26/8.

Doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Ông Chad Ovel, Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.HCM chia sẻ: “Bà Kamala Harris đã chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong chuyến thăm đầu tiên đến châu Á. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy, Mỹ coi trọng hợp tác an ninh và quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ với Việt Nam”.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Pfizer, Abbott Laboratories, Intel, Qualcomm, UPS,  Mastercard cũng đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam và lạc quan về triển vọng thị trường.

Ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan & Việt Nam chia sẻ: “Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam mở ra những cơ hội xuất nhập khẩu đầy tiềm năng, đặc biệt là với sự trỗi dậy của nền kinh tế số và thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính phủ Việt Nam cũng đang nhất quán ủng hộ việc hội nhập thương mại quốc tế sâu rộng và mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài, thể hiện rõ trong 2 hiệp định thương mại lớn được ký kết trong 2 năm vừa qua - EVFTA và CPTPP”.

Theo ông Russell Reed, các hiệp định trên có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của công ty nước ngoài như UPS. “UPS mong đợi Chính phủ Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2021, tạo đà thúc đẩy hơn nữa cho thương mại của Việt Nam với khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai”, ông Russell Reed nói.

UPS đã có mặt và đồng hành cùng Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Đặc biệt là, dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập UPS Việt Nam trùng vớt mốc 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

“Đặt sứ mệnh tiên quyết từ những ngày đầu tiên, chúng tôi cam kết và tập trung cao độ với hoạt động kinh doanh tại đây, bởi Việt Nam là một trung tâm quan trọng trong mạng lưới logistics thông minh toàn cầu của UPS”, ông Russell Reed nói thêm.

Trong khi đó, bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trong kế hoạch phát triển của chúng tôi. Với tham vọng vươn xa hơn nữa trong việc cung cấp các giải pháp tài chính không tiếp xúc, Mastercard cam kết sẽ nhanh chóng thích ứng và đầu tư liên tục để đóng góp xây dựng một Việt Nam không tiền mặt”.

Bà chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ kinh tế đáng kể, song nhiều người Việt Nam vẫn chưa có tiền gửi ngân hàng, hoặc không được tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ tài chính. Để hỗ trợ chương trình của Chính phủ nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, Mastercard đã và đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ để tận dụng công nghệ, tài nguyên và sự am hiểu của Công ty về lĩnh vực này.

Hợp tác ứng phó với Covid-19

Một trong những mối quan hệ hợp tác tiêu biểu giữa doanh nghiệp hai nước là trong lĩnh vực vắc-xin. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp đồng với Công ty Arcturus Therapeutics Holdings Inc. của Mỹ về việc hợp tác xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để sản xuất vắc-xin Arcturus mRNA ngừa Covid-19. Với công suất ước tính lên tới 200 triệu liều/năm, Vingroup dự kiến sản xuất những lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên vào đầu năm 2022.

Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng, chính quyền Biden sẽ dành đủ nguồn lực và sự quan tâm để nâng cấp các hiệp định thương mại hiện có với Việt Nam thành những hiệp định phản ánh các nguyên tắc vận hành của thế kỷ XXI.

Ông Chad Ovel, Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.HCM

Theo thỏa thuận, với sự tư vấn của Arcturus, VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Arcturus sẽ cung cấp cho VinBioCare quyền truy cập các công nghệ và quy trình độc quyền để sản xuất sản phẩm thuốc cuối cùng là vắc-xin phòng Covid-19.

Ứng phó với đại dịch cũng là một trong những vấn đề mà Phó tổng thống Kamala Harris thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam và Singapore trong chuyến thăm tuần này.

Theo ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu của Hinrich Foundation, chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Harris chủ yếu mang tính biểu tượng. Thông qua các chuyến thăm cấp cao gần đây tới ASEAN, chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng thể hiện cam kết của Hoa Kỳ với khu vực và sẵn sàng tham gia cùng với các đối tác trong khu vực.

Việt Nam hiện nằm trong danh sách các điểm đến đầu tư thay thế cho các nhà đầu tư Mỹ. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu từ năm 2017, nhiều công ty Mỹ đã và đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với vị trí của Việt Nam gần Trung Quốc, cùng với môi trường kinh doanh được cải thiện, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cũng như tư duy khởi nghiệp kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nước hưởng lợi từ sự căng thẳng thương mại này.

Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Gần đây nhất, Hiệp hội May mặc và Da giày Mỹ - đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới - cũng đã gửi thư tới Tổng thống Biden đề nghị tăng cường phân phối vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam.

Ngoài ra, AmCham đã tích cực vận động chính quyền Biden đưa Việt Nam trở thành đối tượng ưu tiên nhận được nguồn tài trợ vắc-xin trên toàn thế giới. “AmCham Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ thêm từ chính quyền Biden để hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức đang diễn ra”, ông Ovel nói.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 1730
Thông báo