BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Vùng, Thông tin
Doanh nghiệp FDI lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Thứ Năm, 29/07/2021 11:28
Doanh nghiệp FDI lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Việc các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động khi phải đảm bảo tuân thủ “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường, hai điểm đến”, nhiều doanh nghiệp FDI khá lo lắng nguy cơ vỡ chuỗi cung ứng.

Nike là doanh nghiệp có thể sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt giày thể thao cung cấp cho thị trường, vì hai trong số các nhà cung cấp của nhãn hàng này tại Việt Nam là Changshin Việt Nam (Hàn Quốc) và Tập đoàn Pou Chen (Đài Loan) đã tạm ngưng hoạt động.

Nike không có nhà máy tại Việt Nam, mà hoạt động thông qua hình thức hợp đồng với các nhà máy trải dài từ Bắc tới Nam. Theo ông Cường Lương, Giám đốc phát triển bền vững của Nike Việt Nam, tại Việt Nam, nhãn hàng thể thao này có khoảng 200 nhà cung cấp từ thành phẩm, nguyên phụ liệu, giày dép, quần áo và phụ kiện. Số công nhân hoạt động trong các nhà máy khoảng 500.000 người - một con số rất lớn.

“Các nhà cung cấp của Nike có mặt trên khắp đất nước. Một số nhà máy của họ ở Bắc Giang và Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vài tháng qua. Hiện Covid-19 đã tấn công các nhà cung cấp của nhãn hàng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An”, ông Cường Lương cho biết.

Theo một báo cáo của S&P Global, năm 2020, có khoảng 50% sản phẩm giày dép của thương hiệu này được sản xuất tại Việt Nam. Trong quý II/2021, hàng từ Việt Nam chiếm 49% nhập khẩu của Nike vào Mỹ.

Rõ ràng, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nike. Nhà cung cấp mới nhất của Nike là Công ty Feng Tay Enterprises (Đài Loan) cũng đã tạm dừng sản xuất. Cơ sở sản xuất giày dép lớn nhất của công ty này tại Việt Nam chiếm 52% tổng công suất. Việc các nhà cung cấp của Nike tạm thời đóng cửa đồng nghĩa với việc nhãn hàng này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Ngoài những khó khăn trong chuỗi cung ứng, thương hiệu giày thể thao và các nhà cung cấp của họ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng hơn như chi phí xét nghiệm, phí kiểm dịch, cũng như thức ăn và lều cho công nhân ở lại nơi làm việc.

Các thương hiệu giày thể thao lớn khác cũng gặp trở ngại như trên. Nhà máy Pouyuen Việt Nam của Tập đoàn Pou Chen cũng là nơi sản xuất giày dép cho Adidas, đã tạm dừng hoạt động được 10 ngày.

Nhà sản xuất đồ trang trí nội thất Ching Feng Home Fashions, công ty sản xuất rèm cửa cho Waltmart và Ikea, có các nhà máy ở Bình Dương cũng đã tạm dừng hoạt động trong 2 tuần qua. Tương tự, nhà sản xuất bo mạch ASRock có khách hàng là Nexflix đã thông báo tạm thời ngừng hoạt động các nhà máy của họ ở Bình Dương do không thể đáp ứng được các nguyên tắc phòng chống dịch tại địa phương. Công ty này sẽ phối hợp với các nhà máy khác để tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, do đóng cửa nhà máy, Công ty ước tính doanh thu tháng 7 bị sụt giảm khoảng 5-20%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Việt Huy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco) cho rằng, xu hướng gián đoạn chuỗi cung ứng đang xảy ra khi ngoài những khu công nghiệp, nhiều ca F0 được phát hiện tại các khu vực quan trọng như cảng biển, hải quan và nhà máy.

Ngoài ra, tại cảng cũng có một lượng lớn container tồn đọng do đại dịch Covid-19. Các nhà máy đóng cửa tạm thời cũng gây ra vấn đề chậm giải phóng container nhập khẩu, khiến thời gian vận chuyển container từ Cái Mép đến cảng TP.HCM hiện nay lên ít nhất 3-4 tuần.

“Mặc dù hàng hóa vẫn được lưu thông, nhưng những khó khăn trong chuỗi cung ứng thực sự là mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Huy nói.

Một số doanh nghiệp khác thậm chí còn lo lắng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam và các nơi khác ở Đông Nam Á sẽ tác động dây chuyền đến thị trường Mỹ và châu Âu, làm chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển. Khảo sát của IHS Markit chỉ ra, tháng 6/2021 là mốc tồi tệ nhất về thời gian giao hàng của các nhà cung cấp trong lịch sử gần 24 năm.

Khảo sát Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam cho thấy niềm tin vào triển vọng hoạt động sản xuất đã lung lay khi sản lượng sản xuất đã giảm mạnh trong tháng 6 vừa qua. Mức độ tin cậy thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Để sớm phục hồi sản xuất, TS. Daniel Borer, chuyên gia thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để giúp giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung ở các khu công nghiệp. “Tiêm phòng là chìa khóa để đưa toàn bộ hoạt động kinh tế quay trở lại. Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi cứ tiếp tục đóng cửa biên giới để ngăn chặn vi-rút lây lan”, ông Daniel Borer nói.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 2286
Thông báo