BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 24/01/2025
Vùng, Thông tin
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng: Tham mưu quyết sách để khơi thông vốn đầu tư
Thứ Hai, 20/09/2021 02:33
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng: Tham mưu quyết sách để khơi thông vốn đầu tư

Bên cạnh việc xử lý các vấn đề liên quan pháp luật, Tổ công tác của Thủ tướng cũng tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng để đưa ra quyết sách mạnh mẽ với các dự án lớn, trọng điểm.

Vướng mắc riêng của địa phương

Nằm trong chuỗi hội nghị với các địa phương nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, tuần qua, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có 2 cuộc làm việc với từng địa phương là Hưng Yên và Hải Phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Phó tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, sẽ có 8-10 địa phương đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm được lựa chọn để tổ chức hội nghị trao đổi về khó khăn trong triển khai dự án.

Ông Đông cho biết, có những vướng mắc trùng nhau, nhưng cũng có những vướng mắc riêng của các địa phương. 

Đơn cử, sự “vênh” nhau trong quy định pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản … là vấn đề được đại diện tất cả các địa phương nêu lên trong báo cáo của mình.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, theo quy định tại Điều 29, Luật Đầu tư, nhà đầu tư được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định Luật Đất đai, nhà đầu tư/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Việc này hạn chế nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở (được sửa đổi bổ sung tại khoản 1, Điều 75, Luật Đầu tư), một trong những hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là nhà đầu tư phải “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”. “Quy định này đang dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau”, ông Diễn cho hay.

Một vấn đề cũng được các địa phương đề cập là vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng trong dự án đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, chi phí giải phóng mặt bằng phải được tính trong tổng mức đầu tư của dự án khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở xác định, nên nhiều dự án có chi phí giải phóng mặt bằng lớn, việc tính toán không sát, dẫn đến khi phê duyệt, phương án đền bù có thể tăng lên so với chi phí dự kiến ban đầu, làm tăng tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án.

Đối với tỉnh Hưng Yên, do vướng quy định tại khoản 1, Điều 5, Luật Đầu tư công đã dẫn tới các dự án nhóm B, nhóm C không được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. “Nhiều dự án nhóm B, nhóm C quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tốn quá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và giảm hiệu quả đầu tư”, ông Diễn nói.

Sẽ tham mưu Thủ tướng ngay trong tháng 9 để có các quyết sách gỡ vướng

Tại cuộc làm việc với tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Đây là nội dung được Thủ tướng, Chính phủ hết sức quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Việc tháo gỡ khó khăn ngay cho các dự án là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh rất khó khăn liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài do dịch Covid-19”.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, đối với nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và đã được quy định rõ, Tổ công tác giải thích ngay trong các cuộc làm việc và triển khai, áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh các cách hiểu khác nhau.

Tổ công tác có tiếng nói độc lập, giao các bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền của mình, để làm sao phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ sửa các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ.

Trường hợp có vướng ở các luật, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ đề xuất sửa.

Với tinh thần như vậy, không ít vướng mắc của Hưng Yên và Hải Phòng đã được thành viên Nhóm giúp việc Tổ công tác (là trưởng một số đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường…) giải đáp ngay tại chỗ, đồng thời ghi nhận một số nội dung để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Liên quan quy định hiện hành cần phải sửa đổi, việc này đang trong quá trình thực hiện. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 6/9/2021, nội dung về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư, kinh doanh (một luật sửa 10 luật) đã được đưa ra xin ý kiến và trình Quốc hội xem xét.

“Tổ công tác sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong tháng 9 theo từng phần rõ ràng, trên tinh thần báo cáo các vấn đề đã hướng dẫn, giải đáp rõ cho địa phương và tham mưu những quyết sách mạnh mẽ hơn để giải quyết các vấn đề tồn tại. Sau đó, chúng tôi sẽ lại tiếp tục rà soát và tháo gỡ vướng mắc”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Tổ công tác, đánh giá các dự án quy mô lớn, các dự án nhóm A để Tổ công tác tổng hợp báo cáo Thủ tướng, từ đó đưa ra các giải pháp không chỉ là các chính sách chung, mà giải quyết từng dự án lớn, trọng điểm, với mục tiêu là không để kéo dài.

Theo Báo Đầu tư
Số lượt đọc: 1690
Thông báo