BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Vùng, Thông tin
Bắc Giang: Tạo quỹ đất công nghiệp cho thu hút đầu tư
Thứ Ba, 23/11/2021 09:35
Bắc Giang: Tạo quỹ đất công nghiệp cho thu hút đầu tư

Trong bối cảnh chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19, Bắc Giang vẫn nổi lên là điểm sáng về thu hút đầu tư. Tỉnh đứng thứ 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 1 tỷ USD quy đổi. Chính vì vậy, phân khúc bất động sản công nghiệp của tỉnh đang đứng trước cơ hội phát triển vượt bậc, được đánh giá đầy tiềm năng, hấp dẫn nhà đầu tư.

Thiếu đất công nghiệp

Bắc Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, những năm gần đây ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về hoạt động sản xuất, kinh doanh, kho vận… Số liệu của Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho thấy, trong các KCN có 414 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 311 dự án FDI và 103 dự án vốn trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,25 tỷ USD và 10.220 tỷ đồng.

Tại 6 KCN, quỹ đất công nghiệp đã gần cạn. Ông Nguyễn Như Long, Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu với mong muốn xúc tiến đầu tư trên địa bàn Bắc Giang nhưng đành phải đợi vì chưa có đất để xây dựng. Toàn tỉnh chỉ còn KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa) có quỹ đất “sạch” ít ỏi nhưng các DN đã xếp hàng ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Khảo sát tại KCN Hòa Phú được biết, KCN có tổng diện tích quy hoạch hơn 207 ha, hiện đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, có 20 DN triển khai các dự án, trong đó 18 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 6 DN đã đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy trong KCN hơn 75%. 

Tại dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm sàn nhựa và sàn đá xây dựng của Công ty TNHH Risesun Singapore có tổng mức đầu tư 75 triệu USD, sử dụng 17 ha đất, Công ty cổ phần Thi công cơ giới Vinaincon M&C vừa hoàn thành xây dựng 5 khu nhà xưởng, nhà văn phòng, hành chính và nhiều hạng mục kỹ thuật khác với tổng diện tích hơn 100 nghìn m2. 

Anh Vũ Quang Hưng, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, dự án được khởi công vào tháng 3/2021, để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đơn vị thực hiện trong vòng 4 tháng xong giai đoạn 1.

Tuy nhiên, theo Công Ty TNHH Hòa Phú Invest, chủ đầu tư KCN Hòa Phú thì việc mở rộng giai đoạn 2 còn khoảng 19 ha chưa giải phóng được mặt bằng. Trong khi đó, các nhà đầu tư thứ cấp vẫn đang chờ đợi để có mặt bằng làm nhà xưởng. Công ty đã nhiều lần đề nghị các sở, ngành của tỉnh, Ban Quản lý Các KCN tỉnh và huyện, các xã hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hiện các KCN: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê-Nội Hoàng đã được lấp đầy. Để phục vụ nhu cầu về mặt bằng đầu tư, phát triển công nghiệp, Bắc Giang đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng các KCN, cụ thể: KCN Hòa Phú mở rộng 85 ha, Quang Châu mở rộng 90 ha, Việt Hàn mở rộng 148 ha; đồng thời thành lập 3 KCN mới là: KCN Tân Hưng (Lạng Giang) 105 ha, KCN Yên Lư (Yên Dũng) 377 ha và KCN Yên Sơn-Bắc Lũng (Lục Nam) 300 ha.

Tập trung tạo mặt bằng

Để khắc phục tình trạng hết quỹ đất công nghiệp sạch hoặc đất chưa bảo đảm đủ điều kiện đầu tư, ảnh hưởng lớn thu hút đầu tư, tỉnh bám sát các bộ, ngành đề nghị đẩy nhanh tiến độ thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mới 3 KCN, quy hoạch mở rộng 3 KCN trên diện tích 1.155 ha.

Đến nay, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đối với 3 KCN quy hoạch mới và 3 KCN mở rộng. Các KCN đang trong giai đoạn thẩm định của các bộ, ngành T.Ư trước khi trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. 

Cụ thể, đối với KCN Quang Châu (mở rộng), hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành đề nghị UBND tỉnh, nhà đầu tư giải trình hoàn thiện hồ sơ gửi lại Bộ để thẩm định. Với KCN Hòa Phú (mở rộng), Ban có văn bản đôn đốc chủ đầu tư chủ động hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của các cơ quan trung ương. 

Với KCN Tân Hưng, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án. Với KCN Yên Lư, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo bổ sung hồ sơ dự án (lần 2) gửi lại các bộ, ngành. KCN Yên Sơn-Bắc Lũng đã có 7/8 bộ và UBND tỉnh tham gia ý kiến.

Riêng KCN Việt Hàn (50 ha giai đoạn 1) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đã chi trả bồi thường GPMB cho 530/600 hộ, tương ứng tổng số tiền 122/133 tỷ đồng. Lũy kế tổng diện tích đất đã GPMB đến nay đạt khoảng 45/50 ha, chậm tiến độ khoảng một tháng so với kế hoạch.

Các KCN hiện gặp khó khăn về GPMB, nhiều diện tích xôi đỗ, xen kẹp nên chưa thể thi công hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch các KCN chậm được bổ sung; công tác bồi thường, GPMB của các địa phương có đất KCN hạn chế, không bảo đảm tiến độ. Nhiều vướng mắc không được giải quyết kịp thời để giao đất cho nhà đầu tư.

“Ban đang tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có đất thu hồi thực hiện các dự án hạ tầng KCN tập trung hơn nữa trong bồi thường GPMB, khẩn trương giải quyết tồn tại, vướng mắc và bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư. 

Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tham gia ý kiến đối với các nội dung góp ý của các bộ để nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư các KCN theo quy định”, ông Nguyễn Như Long nói

 

Theo baobacgiang.com.vn
Số lượt đọc: 467
Thông báo