BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Châu lục, quốc gia
Chính phủ kiến tạo trong hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp cận từ FTA Việt Nam - EU* (phần 3)
Thứ Ba, 19/05/2020 03:07

Như Nghị quyết Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức”

3. Phát huy vai trò của Chính phủ kiến tạo để triển khai hiệu quả FTA Việt Nam - EU:

 

Trong triển vọng FTA VN – EU sắp sửa được phê chuẩn và có hiệu lực vào năm 2018, Việt Nam cần tăng tốc chuẩn bị tốt các điều kiện như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập hiệu quả, Chính phủ „kiến tạo“ cần tập trung ưu tiên: 

 

Thứ nhất, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo các chuẩn mực quốc tế.

 

Đây là điều kiện tiên quyết để kí kết và triển khai FTA EU – VN. Đến nay, sau một chặng đường tương đối dài, với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách pháp luật, thúc đẩy các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng  và định hướng phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên còn tồn tại nhiều bất cập và cho đến nay EU chưa xác nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường đầy đủ. 

 

Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tính hiệu quả của Hiệp định FTA,  chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau:

 

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống luật pháp.

 

Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp luật chơi quốc tế và thể chế kinh tế thị trường. Bao gồm các bộ luật chủ yếu như: Luật Chính quyền địa phương; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý vốn Nhà nước; Luật Chống độc quyền; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Ngân sách, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Cạnh tranh (sửa đổi)… Việc sửa đổi các bộ luật đã nêu ở trên cần để đảm bảo nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, thực thi vai trò can thiệp và điều tiết của chính phủ mà không cản trở, bóp méo sự phát triển của thị trường.

 

Đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các cam kết, chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, tạo sự phù hợp giữa pháp luật trong nước và quốc tế, đảm bảo thực hiện đúng các cam kết quốc tế trong hội nhập. Khẩn trương rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành luật để loại bỏ những văn bản chồng chéo, trùng lắp, trái ngược nhau, không phù hợp với thực tế và thiếu tính khả thi, đồng thời nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật để có thể có hiệu lực tương đối ổn định trong một thời gian nhất định.

 

Hoàn thiện và đồng bộ hóa các thị trường trong nước:

 

Thể chế kinh tế thị trường hiện đại đòi hỏi phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể tham gia thị trường. Cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, bảo đảm hiệu quả. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, đánh giá mức độ cạnh tranh trong từng ngành sản xuất, dịch vụ, loại bỏ sự phân biệt đối xử còn tồn tại trong thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên; tăng cường năng lực của cơ quan bảo vệ  SHTT và cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường để hạn chế cạnh tranh.

 

Nhà nước chuyển từ việc can thiệp trực tiếp vào các quá trình kinh tế sang thực hiện chức năng kiến tạo phát triển: bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh; tạo cơ chế phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ công.

 

Thứ hai, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại các khu vực kinh tế trọng điểm trong cả nước.

 

Tận dụng được tối ưu những tác động tích cực từ Hiệp định thương mại FTA EU- Việt Nam, Chính phủ với vai trò quản lý và điều tiết các hoạt động kinh tế mỗi một vùng miền cần nhanh chóng rà soát và xây dựng định hướng, các chương trình phát triển mục tiêu kinh tế xã hội và môi trường trong đó có tính đến các tác động và thách thức đặt ra của các hiệp định FTA nói chung và FTA với EU nói riêng. Cụ thể, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn gắn với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, cần dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó cần phát huy sức mạnh nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp châu Âu như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, bưu chính viễn thông, vận tải, cảng kho bãi, khoa học công nghệ, giáo dục và y tế. Theo đó, các nhóm chính sách  cụ thể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế là:

 

Xây dựng và hoàn thiện hơn chức năng quản lý kinh tế của nhà nước thông qua việc lập kế hoạch phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường. Trong đó xác định rõ vai trò của nhà nước trong công tác kế hoạch và quy hoạch; Thực thi các chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc, sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của nhà nước; Coi thị trường là tác nhân chính phân bổ nguồn lực, tác động và định hướng đầu tư của doanh nghiệp, xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ thị trường.

 

Sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế - tài chính để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Trong đó hoàn thiện các chính sách về thuế, phí, đất đai, đầu tư công, cung ứng dịch vụ công nhằm khuyến khích có điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những ''cụm liên kết sản xuất”, góp phần giúp chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, đẩy nhanh việc tái cơ cấu và cổ phần hóa các DNNN để tập trung nguồn lực, vốn vào các ngành nghề có lợi thế.

 

Chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng: Chính phủ cần xác định thế mạnh mỗi vùng khu vực để có một chính sách hợp lý trong việc thực thi phát triển cơ cấu vùng, qua đó tập trung được nguồn lực sản xuất quốc gia, đầu tư công.

 

Chuyển dịch cơ cấu cần triển khai một cách đồng bộ trong một chỉnh thể thống nhất, vừa gắn kết về qui mô giữa trung ương và địa phương, giữa các tỉnh với vùng, giữa các vùng với toàn quốc và đặt trong hội nhập khu vực và quốc tế bao gồm hội nhập ASEAN cũng như thực thi hàng loạt các FTA với Trung Quốc, Mỹ, Nga v.v...

 

Chính phủ cần chú ý đến tính đồng bộ của các chính sách như chính sách đầu tư, chính sách đào tạo nguồn nhân lực phải đồng bộ với chính sách phát triển ngành theo kịp tốc độ mở rộng quy mô của nền kinh tế, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công vào các lĩnh vực, chương trình, dự án, vùng, ngành đã được xác định đồng thời thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kết hợp hợp tác công tư PPP.

 

Thứ ba, Chính phủ cần phải định hướng xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tận dụng cơ hội  của FTA với EU.

 

Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định “nền kinh tế mũi nhọn” đã được thể hiện qua quyết định số 55/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007 – 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, công nghiệp mũi nhọn được định nghĩa là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia. Theo mục tiêu ban đầu đặt ra các ngành này bao gồm điện tử, ôtô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hoá dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, những với những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy các công nghiệp mũi nhọn của chúng ta vẫn chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Những ngành công nghiệp hoàng hôn tốn năng lượng, tàn phá môi trường, giá trị gia tăng thấp  như đóng tàu, luyện kim đã thất bại, với sự sụp đổ của Vinashine, công nghiệp hóa dầu có nhiều nguy cơ  thất bại cho thấy cần định vị lại các ngành kinh tế mũi nhọn trong công nghiệp. Đồng thời với tư duy rút gắn “công nghiệp hóa”, gắn “công nghiệp hóa” với “hiện đại hóa”, cần chuyển dịch cơ cấu mạnh hơn sang dịch vụ, thay thế công nghiệp hoàn hôn bằng các lĩnh vực có hàm lượng dịch vụ cao và phù hợp với một nước nông nghiệp đó là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

 

Theo irsd.vass.gov.vn
Số lượt đọc: 6558
Thông báo