2. Dự báo một số tác động của FTA Việt Nam EU tới Việt Nam
Thứ nhất, Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.Khi triển khai Hiệp định FTA với EU ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng trên 15%, tiền lương thực tế của lao động có chuyên môn tăng khoảng 12%, của lao động không có chuyên môn tăng khoảng 13% và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 35%. Ngoài ra trong tương lai gần khi Việt Nam tiến tới “bẫy thu nhập trung bình”, FTA cũng là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho Việt Nam thoát khỏi bẫy này[5].
Tiếp đó việc tận dụng FTA với EU tăng cường thu hút FDI, chuyển hướng mạnh sang công nghệ cao và dịch vụ thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của EU trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang manh nha sẽ giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, “vượt lên” giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như hội nhập hiệu quả vào Cộng đồng kinh tế ASEAN[6].
Một số tác động tới các lĩnh vực cụ thể như:
Đối với thương mại hàng hóa, FTA VN – EU sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may tái cấu trúc và tăng cường chủ động về nguồn nguyên liệu để thu hút đầu tư và nâng cao giá trị gia tăng. Ngành giầy dép Việt Nam là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi FTA được kí kết vì EU đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành này.
Ngoài ra FTA EU - VN sẽ mang lại những cơ hội cho ngành chế biến gỗ, một ngành đang có mức độ tăng trưởng rất nhanh, như: sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ XK từ Việt Nam; đồng thời sẽ được giảm giá máy móc thiết bị chế biến gỗ nhập khẩu từ các nước đối tác EU. Với ngành dệt may, sẽ phải đối mặt với những thách thức như: Xuất phát điểm của dệt may Việt Nam còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, dẫn tới phụ thuộc vào nguyên phụ nhập khẩu. Chẳng hạn bông phải nhập đến 99%, nguyên liệu xơ nhập 50% từ các nước, chưa kể các loại phụ liệu mà đa số đến từ Trung Quốc. Trong khi đó một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải chứng minh nguyên, phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam.
Đối với thương mại dịch vụ, các cơ hội đưa lại là: Chính sách cho khu vực dịch vụ sẽ minh bạch hơn; Gia tăng đầu tư của EU vào lĩnh vực dịch của Việt Nam; Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia thị trường dịch vụ của EU một cách bình đẳng hơn; Phát triển dịch vụ sẽ giúp cho Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn, hội nhập hiệu quả hơn vào khu vực, đồng thời rút gắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thách thức từ FTA VN – EU trong lĩnh vực dịch vụ cũng chính là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam còn thấp, pháp luật chưa hoàn thiện.
Đối với hợp tác đầu tư, cơ hội chính là khi FTA EU – VN có hiệu lực, thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước EU vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn như phát triển các ngành công nghệ cao, nâng cao trình độ của các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Liên quan đến đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ: FTA Việt Nam - EU tăng FDI từ các nước EU về nhiều ngành dịch vụ mà Việt Nam đang rất cần như: dịch vụ tài chính- ngân hàng- bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, cảng biển và vận tải biển …; Liên quan đến môi trường kinh doanh: Những thay đổi “ngang” trong pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh (pháp luật cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường)… theo các yêu cầu trong FTA với EU sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, từ đó tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư; Liên quan đến phát triển lan tỏa, xét từ khía cạnh tăng cường đầu tư thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ FTA với EU.
Với mục tiêu phát triển bền vững, FTA EU – VN khi được triển khai sẽ tác động tới phát triển bền vững ở Việt Nam trên một số khía cạnh sau: Việt Nam áp dụng các cam kết về môi trường trong FTA; các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ thay đổi nhận thức về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu cũng như chiến lược kinh doanh liên quan đến những vấn đề này; Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU với giá rẻ hơn, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn mà EU đang áp dụng.
Tuy nhiên còn hàng loạt các thách thức đặt ra, trước hết là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, khắc phục các nút thắt về hạ tầng thể chế nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DNNN, tái cấu trúc đầu tư công và hệ thống ngân hàng tài chính ...Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của nhà nước, doanh nghiệp, của bộ ngành, địa phương và phải có hệ thống những giải pháp từ vĩ mô tới vi mô, vừa đồng bộ trong một thể thống nhất gắn với chiến lược phát triển lâu dài của đất nước, vừa chi tiết, cụ thể, linh hoạt trong từng thời kì và phụ thuộc vào đặc thù của địa phương, lĩnh vực và qui mô doanh nghiệp.