BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Châu lục, quốc gia
Nền kinh tế Hàn Quốc trước các biến động toàn cầu – Cơ hội thu hút FDI cho Việt Nam
Thứ Sáu, 27/05/2022 09:48
Nền kinh tế Hàn Quốc trước các biến động toàn cầu – Cơ hội thu hút FDI cho Việt Nam

Đứng trước nhiều biến động của nền kinh tế - chính trị toàn cầu, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải tái định hình hoạt động kinh doanh, hướng tới dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 30 thiết lập mối quan hệ ngoại giao, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng cường thu hút FDI từ Hàn Quốc, từ đó nâng cao tầm quan hệ của hai quốc gia.

Từ đầu năm 2022, nhiều biến động của nền kinh tế - chính trị toàn cầu đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Cụ thể, cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina bùng phát đã khiến giá dầu và giá hàng hóa cơ bản tăng mạnh, dẫn đến chi phí sản xuất tăng và làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Các biến động này đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước châu Âu.

Ngoài ra, việc cuộc xung đột kéo dài cũng đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến thị trường tài chính Hàn Quốc. Riêng trong  một tháng vừa qua, chỉ số KOSPI đã giảm hơn 1 phần trăm so với tháng trước, có lúc đã ghi nhận mức giảm hơn 4 phần trăm do tình trạng bán tháo, giải chấp cổ phiếu trên diện rộng. Về thị trường vốn, việc các ngân hàng lơn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp Hàn Quốc, dẫn đến nhu cầu tái cấu trúc lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn. Trong khi đó, tuy các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc đang hưởng lợi từ việc tỷ giá đồng Won giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn không tận dụng được cơ hội này do chuỗi cung ứng bị trì trệ. Các chỉ số vĩ mô này cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn trong việc tìm động lực phát triển trong thời gian đến.

Ngoài những biến động ngắn hạn, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn chịu sự ảnh hưởng của một số các tác động dài hạn. Cụ thể, việc Trung Quốc tiếp tục trọng dụng chiến lược ‘Zero-Covid’ và thắt chặt chính sách di chuyển đã làm mất đi một thị trường tiêu dùng lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hơn nữa, hiện tượng nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng do các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc phải tuân thủ theo những biện pháp cách ly cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Ngay cả khi các doanh nghiệp này thay thế nguồn cung nguyên liệu đầu mới, giá nguyên liệu vẫn sẽ không được cạnh tranh so với việc sử dụng chuỗi cung ứng hiện hữu, ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung.

Về nguồn nhân lực, qua khảo sát nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy ngành công nghiệp sản xuất dự kiến sẽ thiếu hơn 30 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn từ nay đến 2030. Hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lao động có trình độ kỹ thuật cao này đã đẩy tiền lương bình quân trong lĩnh vực IT tăng cao, trong khi mục tiêu phát triển cân bằng giữa các địa phương mà chính phủ Hàn Quốc đề ra đang tạo ra nhiều rào cản trong việc mở thêm Khoa đào tọa về bán dẫn tại các trường đại học tại khu vực Seoul.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, tập trung tăng lượng hàng lưu kho, tìm kiếm các nguồn cung nguyên vật liệu mới, cắt giảm chi phí hoạt động, bảo lưu kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn đang lên kế hoạch tự chủ về chuỗi cung ứng vật liệu, dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cụ thể, tập đoàn Posco dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ USD để sản xuất các linh kiện, vật liệu cho pin xe điện như nickel, lithium, coban, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Những quốc gia như Hoa Kỳ, Braxin, Indonesia và một số quốc gia Châu Á có nguồn khoáng sản phong phủ có khả năng chế biến sâu làm vật liệu Pin xe điện được dự kiến sẽ là điểm đến thích hợp cho đợt dịch chuyển sản xuất lần này.

Đối với lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, Samsung Electronics, SK Hynix và một số các nhà đầu tư khác dự kiến sẽ đầu tư hơn 200 tỷ USD nhằm nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn của Hàn Quốc đến năm 2030. Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực đang được chú trọng, khi Samsung đang hợp tác với 04 trường Đại học còn SK hợp tác với 03 trường đại học tại khu vực Seoul theo những hợp đồng đào tạo chương trình đại học toàn khóa nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia ngay vào hoạt động nghiên cứu, sản xuất ngay sau khi tốt nghiệp.

          Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, việc nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức sẽ hạn chế khả năng thực hiện những dự án đầu tư mới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (UNCTAD 2022). Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã có dự án tại Việt Nam và các doanh nghiệp lớn, việc Việt Nam đã áp dụng chính sách “bình thường mới với Covid-19” và mở cửa biên giới sẽ tạo tiền đề mở rộng sản xuất, góp phần giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Trong bức tranh FDI của Việt Nam , Hàn Quốc luôn là một trong những quốc gia có số lượng dự án, vốn đăng ký cao nhất, trong khi cũng là quốc gia có tổng vốn đầu tư lũy kế cao nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tạo được nhiều ấn tượng với chính quyền, nhân dân nhiều địa phương với tốc độ thực hiện dự án nhanh, chất lượng dự án đảm bảo, tích cực đóng góp cho công tác an sinh – xã hội, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tốt để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần có những chính sách, cơ chế linh hoạt hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung kiểm soát giá đất công nghiệp, đẩy nhanh tốc độ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, và phối hợp với các nhà đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, số lượng để đảm bảo nhu cầu sản xuất nói chung.

Sự thành công của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong đóng góp ngân sách và tạo việc làm, với các dự án trọng điểm như Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh hay LG tại Hải phòng. Nhân dịp hai nước đang kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, những thành tựu mới trong thu hút FDI Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ là món quà ý nghĩa cho Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân hai nước, góp phần tạo tiền đề cho nhiều sự hợp tác, thành công mới trong những năm đến./.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 8651
Thông báo