Trải qua 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam-Nga đã phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực.
Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Nga đã có bước tiến mạnh mẽ với mức tăng trung bình khoảng 30%/năm.
Do đó, chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29/11-2/12 sẽ tạo đột phá mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga nhằm đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và cùng phát triển thịnh vượng.
Bạn hàng tin cậy
Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết năm 2020-2021, mặc dù bị tác động của dịch COVID-19 nhưng thương mại song phương vẫn tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ 2019, đạt 4,85 tỷ USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hóa chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mỳ, thịt, thủy sản.
Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 2,65 tỷ USD, tăng 11,3%; nhập khẩu hàng hóa từ Nga về Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, Nga cũng là 1 trong 5 thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (các thành viên khác của Liên minh còn có Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Hiệp định EAEU được ký năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016.
Qua khoảng 5 năm thực hiện Hiệp định, kim ngạch thương mại song phương đã đạt mức tăng trưởng tốt. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức tăng trưởng vẫn ở mức dương 18%, đạt 5,3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD.
Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 15 dự án đầu tư vào Nga với số vốn khoảng 3 tỷ USD. Nhiều dự án hợp tác, đầu tư đã mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và cả hai nước như Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga của Tập đoàn TH True Milk hay Dự án Thăm dò khai thác dầu khí tại Nhenhetxky.
Đặc biệt, Nga chiếm vị trí 25 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 150 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 953,7 triệu USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực năng lượng.
Hơn nữa, cơ chế điều phối hợp về kinh tế-thương mại chính giữa hai bên là Ủy ban liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, do cấp Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Phân ban.
Ở cấp dưới Ủy ban có các Tiểu ban, Tổ công tác chuyên ngành do các bộ, ngành liên quan đầu mối chủ trì.
Đáng lưu ý, Khóa họp lần thứ 23 Ủy ban liên Chính phủ dưới hình thức trực tuyến do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Dmitry Chernyshenko tổ chức ngày 29/10 vừa đã thành công tốt đẹp.
Theo ông Lê Hoàng Tài-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của Nga với ASEAN.
Nếu như trước đây, dầu khí, năng lượng là các mặt hàng cơ bản, quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nga thì nay đã xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực thủy sản, hợp tác trong lĩnh vực thông tin, vật liệu xây dựng mới.
Thế nhưng, những kết quả này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác của hai nước, nhất là khi hợp tác giữa hai bên mang tính bổ sung và hỗ trợ cho nhau, xét về cả cơ cấu kinh tế và từng loại sản phẩm.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết: Thời gian qua, Thương vụ cũng đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản như gừng, bưởi, rau quả cho các nhà cung ứng hàng vào chuỗi siêu thị của Nga nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn.
Do đó, để có thể xuất khẩu sang thị trường Nga một cách ổn định, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị.
Bởi theo ông Dương Hoàng Minh, thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam và Nga vẫn còn thiếu thông tin về thị trường của nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh.
Thắt chặt hợp tác
Theo các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế-thương mại toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một điểm đến của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trong việc kiểm soát dịch bệnh, khả năng thích ứng của nền kinh tế cũng như duy trì tăng trưởng ở mức cao so với rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Nga trong bối cảnh này rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chia sẻ về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Nga, ông Vitaliy Mankevich-Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á (RASPP) cho rằng các hướng hợp tác triển vọng nhất giữa Việt Nam và Nga trong giai đoạn hiện nay là các sản phẩm nông nghiệp và các giải pháp công nghệ.
Hiện tại, các doanh nghiệp thành viên của RASPP hiện đang sản xuất lúa mỳ, đậu nành, hạt lúa mạch, thịt bò, dầu cải, dầu hướng dương, thịt lợn, thịt gà và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Ngoài ra, RASPP cũng tích cực hợp tác với nhiều chuỗi siêu thị lớn như X5 Retail, Magnit, Diski. Đặc biệt, các doanh nghiệp này hiện đang rất quan tâm tới việc hợp tác với các doanh nghiệp IT của Việt Nam.
Ông Dương Hoàng Minh cũng lưu ý rằng với việc thực hiện Hiệp định EAEU, các doanh nghiệp Nga có cơ hội tuyệt vời không chỉ xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, mà còn đầu tư vào Việt Nam, sản xuất và sau đó xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN và các thị trường khác mà Việt Nam đã ký FTA.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ, tận dụng ưu đãi của Hiệp định EAEU cũng như mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại Nga.
Thương vụ Việt Nam tại Nga cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới thương vụ và tổ chức xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến cũng như hỗ trợ trực tiếp, tổ chức hội thảo/giao thương doanh nghiệp và tập trung vào từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam và Nga là Đối tác chiến lược toàn diện, có mối quan hệ anh em gắn bó từ lâu nên hợp tác với Nga là một ưu tiên lâu dài của Việt Nam.
Tuy nhiên, với vai trò là thành viên chủ chốt của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và cũng là nước có kim ngạch thương mại lớn nhất với Việt Nam so với cả khối, đề nghị Nga ủng hộ các đề xuất Việt Nam về việc xóa bỏ biện pháp phòng vệ ngưỡng và nâng mức hạn ngạch gạo dành cho Việt Nam theo Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EAEU.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trải qua quá trình 5 năm thực thi Hiệp định, thực tế cho thấy Việt Nam và Nga cần có lộ trình rà soát lại toàn bộ nội dung, để loại bỏ hoặc sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, qua đó phát huy tiềm năng thương mại và đầu tư của mỗi nước nhằm thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng hiệu quả và phát triển lên tầm cao mới./.