BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Quan hệ song phương
Tình hình quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ
Thứ Ba, 21/09/2021 03:10
Tình hình quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong hợp tác đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được là chưa tương xứng với tiềm lực và tiềm năng của hai quốc gia. Thời gian tới, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thúc đẩy hợp tác.

Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ năm 1995 đến nay, quan hệ hợp tác song phương đã phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế-thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế - sức khỏe,.... Đặc biệt, hợp tác kinh tế đã có những bước phát triển vượt bậc.

QUAN HỆ HỢP TÁC ĐẦU TƯ

Về đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong danh sách 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam (lũy kế đến 20/8/2021) với 1.122 dự án còn hiệu lực, đạt gần 9,7 tỷ Đô la Mỹ tổng vốn đăng ký.

Tính theo ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Dịch vụ lưu trú và ăn uống (24 dự án với hơn 4,2 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 44,1% tổng vốn đầu tư) và lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo (383 dự án với hơn 3,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 32,0% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các lĩnh vực: Cấp nước và xử lý chất thải (5,4% tổng vốn đầu tư), Vận tải kho bãi (4,0%),…

Tính theo địa phương, các dự án đầu tư của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu (với 19 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 4,6 tỷ USD, chiếm 47,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh (với 488 dự án và hơn 1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư), Bình Dương (8,2% tổng vốn đầu tư) và Đà Nẵng (5,7%),… Như vậy, nguồn vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa có sự phân bố đồng đều, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam do có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và là khu vực phát triển kinh tế năng động hàng đầu trong nước.

Về tình hình đầu tư từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, Việt Nam có 204 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư trên 1,06 tỷ Đô la Mỹ (lũy kế đến 20/08/2021). Các dự án tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (10 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 342 triệu USD, chiếm 32,3% tổng vốn đầu tư); Hoạt động kinh doanh bất động sản (17,3% tổng vốn đầu tư); Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (15,3%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (12,8%);…

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc; là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu và là thị trường cung cấp hàng hoá lớn thứ 6 của Việt Nam về nhập khẩu.

Trong những năm gần đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn. Cụ thể, mức đạt 29,74 tỷ; 32,24 tỷ USD; 34,78 tỷ USD; 46,9 tỷ USD các năm 2016, 2017, 2018 và 2019. Riêng năm 2020, và xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt kỷ lục 63,37 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2019 và hơn 2 lần so với năm 2016.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020 này, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 324,87 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 265,98 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 58,94 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Hàng dệt may là ngành hàng dẫn đầu về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, chiếm 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Một số mặt hàng chủ lực khác đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gồm có: Điện thoại các loại và linh kiện (11,7% tổng kim ngạch xuất khẩu), Giày dép các loại (10,7%), Máy vi tính và linh kiện điện tử (9,6%),… Đối với nhập khẩu giai đoạn này, các mặt hàng chính Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam có: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông các loại, máy móc thiết bị & dụng cụ phụ tùng,…

Trong 07 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 53,96 tỷ USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu đạt 9,02 tỷ USD, tăng 11,3%.

Những kết quả đã đạt được là chưa tương xứng với tiềm năng của hai quốc gia. Như về đầu tư, sự gia tăng về số lượng dự án và tổng vốn từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tiến trình phát triển mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực tài chính, nhiều định chế, tổ chức, ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như CitiBank, JP Morgan Chase, Well Fargo,... đã vào Việt Nam, nhưng cũng mới chỉ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.

Thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa để cùng hợp tác, định hình lại và tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt khi thế mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ về tài chính, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, mạng lưới thị trường quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt,... phù hợp với chủ trương, định hướng tiếp cận và thu hút đầu tư của Việt Nam đối với các dự án (i) thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; (ii) có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; (iii) thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam cần phải:

- Tiếp tục cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, tiếp tục cải thiện kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải cách thủ tục hành chính,...

- Phối hợp với Hoa Kỳ trong nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù để thu hút vốn, công nghệ nguồn từ các công ty đa quốc gia (TNCs) với ưu thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, nghiên cứu và khai triển, khả năng cạnh tranh và xâm nhập thị trường... Thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp cận và thu hút đầu tư từ các TNCs của Hoa Kỳ theo hai hướng: 1) thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; 2) tạo điều kiện để TNCs xây dựng các trung tâm R&D, vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực,...

- Tăng cường các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh như: tài chính ngân hàng, năng lượng, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo và nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư,...

- Thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, hãng thông tấn, báo chí, truyền hình trong nước và ngay tại Hoa Kỳ để tăng tần suất thông tin về môi trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

- Tiếp tục đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản… đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và lao động.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 1477
Thông báo