BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Quan hệ song phương
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Thứ Năm, 16/09/2021 09:12
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục cải thiện, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã ảnh hưởng tới hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp FDI vẫn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các Hiệp hội doanh nghiệp thành viên tiến hành điều tra khảo sát hơn 500 Tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên phạm vi cả nước nhằm nhận diện những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giải pháp ứng phó, kiến nghị mà cộng đồng doanh nghiệp đề xuất trong thời gian tới.

Kết quả khảo sát cho thấy, đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp FDI, với khoảng 44% doanh nghiệp cho biết bị tác động nghiêm trọng. Đa số các doanh nghiệp phản ánh, đại dịch Covid-19 đã làm: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao (chi phí vận chuyển, lưu kho hàng hóa và các chi phí khác tăng cao so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19); Giảm sản lượng, giảm đơn hàng xuất khẩu (nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí tạm dừng hoạt động dự án); Doanh thu giảm (80% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến doanh thu/lợi nhuận năm 2021 sẽ tiếp tục giảm, mức giảm trung bình là khoảng 34%); Khó khăn về dòng tiền/vốn; Thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất.

Việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố nhưng chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch dẫn đến chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn, thông quan hàng hóa bị trở ngại do các biện pháp kiểm soát tăng cường của cơ quan hải quan. Việc nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia và lao động nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do quy định về thời gian cách ly dài ngày cũng ảnh hưởng đến kế hoạch của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất trong bối cảnh Covid (3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến) chưa thực sự phù hợp và hiệu quả với tất cả doanh nghiệp. Việc tiêm vacxin cho người lao động chưa được mở rộng, chưa tạo yên tâm cho người lao động tham gia sản xuất.

Nhận định được những tồn tại nêu trên, để khắc phục và hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện để chỉ đạo, tháo gỡ. Về cơ bản, các doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó hầu hết các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được xử lý tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 4 nhóm chính sách gồm hỗ trợ trong phòng chống dịch, lưu thông hàng hóa, cắt giảm chi phí, giấy phép lao động và nhập cảnh chuyên gia.

Vừa qua, Thủ tướng đã tổ chức chuỗi chương trình đối thoại với Đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ…) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

  Hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép lao động và nhập cảnh cho các chuyên gia, tiêm vaccine… Cộng đồng doanh nghiệp tán thành và tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, lưu thông an toàn của Chính phủ Việt Nam là đúng hướng.

Phần lớn doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm khống chế được đợt dịch lần này, xuất khẩu và thu hút ĐTNN năm nay của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn .

Các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021 nhờ khả năng kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. Trong đó, 47% mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, 16,4% tăng cường đầu tư thiết bị, 18,8% sẽ chọn đơn vị cung ứng của Việt Nam và (v) 18,1% chọn Việt Nam, sau Thái Lan (20%) nếu có dịch chuyển sản xuất .

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư thêm tại Việt Nam. Trong đó, có 61,9% cam kết đầu tư mở rộng đầu tư, 46,3% có kế hoạch đầu tư thêm dưới 100 triệu USD.

Các doanh nghiệp Châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường đầu tư Việt Nam trong năm 2021, trong đó có 67% đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam, hơn 68% dự đoán rằng đơn đặt hàng và doanh thu sẽ duy trì hoặc tăng trong quý II năm 2021 và tăng 25% so với Quý IV năm 2020.  

Những tín hiệu này đã cho thấy sự tích cực, lạc quan về khả năng phục hồi phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài./.

Số lượt đọc: 1933
Thông báo