BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Miền Trung
Thừa Thiên Huế lập tổ liên ngành đặc biệt hỗ trợ thu hút đầu tư
Thứ Hai, 14/02/2022 04:05
Thừa Thiên Huế lập tổ liên ngành đặc biệt hỗ trợ thu hút đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương vừa ký Quyết định thành lập 4 Tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư.

Theo đó, có 4  Tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư được thành lập, do Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế làm tổ trưởng.

Cụ thể, Tổ công tác số 1 do ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế trực tiếp làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh làm Tổ phó; thành viên Tổ công tác gồm Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài chính, Xây dựng, TN&MT, GTVT, Văn hoá – Thể thao, Kho bạc Nhà nước tỉnh... Tùy theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác, Tổ trưởng quyết định mời thêm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham gia.

Các tổ công tác số 2, 3 và 4 các Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: Hoàng Hải Minh, Phan Quý Phương và Nguyễn Thanh Bình làm Tổ trưởng. Các giám đốc sở, ngành, Kho bạc Nhà nước tỉnh… làm thành viên tổ công tác. 

Các tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh theo danh mục các dự án. 

Ngoài ra Tổ công tác rà soát và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, điều phối với các Sở, ngành, địa phương để giúp đỡ, giải quyết các khó khăn, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân đầu tư công. 

Nghiên cứu cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật, đề xuất gải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư. Đề xuất giải pháp nhằm tiếp cận và thu hút nhà đầu tư có tiềm lực vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm của tỉnh. 

Với việc thành lập các Tổ công tác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án, là cầu nối hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục liên quan nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế.   

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho hay.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 1956
Thông báo