BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Miền Trung
Trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, Thanh Hoá nỗ lực là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế
Chủ Nhật, 27/03/2022 10:35
Trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc, Thanh Hoá nỗ lực là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế

Trong hơn hai năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì đại dịch nhưng quan hệ kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng được phát triển, nâng cao. Đây là thành quả của mối quan hệ ngoại giao bền chặt giữa hai nước trong 30 năm qua...

Hướng tới kỷ niệm 30 năm (22-12-1992 - 22-12-2022) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chiều 24-3, tại thành phố Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc" với chủ đề “Hội tụ nguồn nhân lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng và được mở rộng trên nhiều lĩnh vực về ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội….

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Tuấn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 nước trên thế giới (như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapo, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Hungary, Australia...) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, có 37 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản, chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa.

Các dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là dự án Nhiệt điện Nghi Sơn II liên doanh với Nhật Bản (vốn đầu tư của Hàn Quốc 1,39 tỷ USD), lĩnh vực may mặc có 21/37 dự án. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho Thanh Hóa 05 dự án ODA, với tổng nguồn vốn hơn 135 triệu USD

Cũng theo ông Đỗ Minh Tuấn, sự kiện "Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc" lần này thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc trao đổi tâm tư, nguyện vọng; cập nhật các quy định, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa; đồng thời đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao khẳng định, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất (vốn lũy kế đạt 74,7 tỷ USD); đối tác thương mại lớn thứ ba (thương mại song phương 78 tỷ USD); đối tác phát triển ODA, lao động và du lịch lớn thứ hai của Việt Nam. 

Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao. Ảnh: Việt Tuấn.

Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương, quan hệ giữa các đối tác Hàn Quốc và địa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Về việc phát triển quan hệ giữa Thanh Hóa và Hàn Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Thanh Hoá là tỉnh có vị trí chiến lược và tiềm năng lớn để phát triển, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá luôn có các chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đối ngoại, khuyến khích đầu tư, giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

"Thanh Hoá cũng được Chính phủ kỳ vọng có những đột phá để trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Việt Nam và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Tôi tin tưởng rằng tỉnh Thanh Hoá sẽ là điểm đến tuyệt vời của các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư của Hàn Quốc", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ phát biểu. 

Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhận định dù gặp khó vì đại dịch nhưng Hàn Quốc và Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc, kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 80,7 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Quy mô đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đứng thứ nhất, đạt mức 74,6 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư mới năm 2021 tại Việt Nam.

Ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Việt Tuấn.

Đại sứ Hàn Quốc cho rằng thành quả này là kết quả của sự nỗ lực chung giữa hai nước trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế thông qua việc cho phép các nhân lực chủ chốt của doanh nghiệp nhập cảnh và rút ngắn thời gian cách ly. Đặc biệt, thành quả này là nhờ nỗ lực ứng phó tích cực của chính quyền địa phương Việt Nam trong phòng chống dịch tại các doanh nghiệp Hàn Quốc và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

"Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ như thành lập Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc. Có thể nói rằng, Hàn Quốc có ý chí và sẵn sàng trở thành đối tác vững chắc của Việt Nam trong tương lai", Đại sứ Hàn Quốc cho biết.

Theo vneconomy.vn
Số lượt đọc: 3363
Thông báo