BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Miền Trung
Khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP.HCM
Thứ Sáu, 25/03/2022 10:34
Khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP.HCM

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. HCM diễn ra sáng nay (25/3) là hình thức xúc tiến đầu tư mới mẻ, lần đầu tiên được tỉnh Quảng Bình thực hiện.

Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam, có vị trí kinh tế và chính trị quan trọng, cách Thủ đô Hà Nội chỉ 500km, và chỉ cách TP HCM khoảng 1h30 đường bay.

Quảng Bình có hệ thống giao thông đa dạng và rất thuận lợi, gồm sân bay Đồng Hới, tuyến đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh Đông và Tây, cảng biển Hòn La.

Nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Bình có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, là tuyến đường ngắn nhất giao thương với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Với những tiềm năng riêng có và khác biệt, Quảng Bình tràn đầy khát vọng và tự tin để phát triển đi lên từ thế mạnh về du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2022, Quảng Bình tiếp tục kỳ vọng vào những điều tốt đẹp hơn. Để biến ước mơ thành hiện thực, tỉnh Quảng Bình sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư, với một chiến lược, tầm nhìn xa, mang tính khác biệt và đột phá. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư biến ý tưởng thành hiện thực, trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Quảng Bình có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, được mệnh danh là “vương quốc” hang động, ẩn chứa hơn 400 hang động lớn nhỏ, với vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ ảo và huyền bí.

Đặc biệt, Sơn Đoòng được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là hang động lớn nhất hành tinh. Hiếm có nơi nào ở Việt Nam lại có những vẻ đẹp bất tận của những kỳ quan “độc nhất vô nhị” mà thiên nhiên ban tặng như Quảng Bình.

 

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu về ngành du lịch Quảng Bình qua các tài liệu, ấn phẩm giới thiệu bên ngoài Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022. Ảnh: Linh Đan

Ở Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá và mạo hiểm.

Dọc theo bờ biển kéo dài 116km là những bãi biển tuyệt đẹp, lung linh với cát trắng, nắng vàng như Đá Nhảy, Nhật Lệ và Hải Ninh, sẽ là dư địa để các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

Suối khoáng nóng Bang ở Quảng Bình có độ sôi kỷ lục cao nhất Việt Nam với 105 độ C (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), đang xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo mô hình Onsen Nhật Bản; hệ thống sân golf FLC đẳng cấp 36 lỗ đã đi vào hoạt động - sân golf lớn nhất Đông Nam Á, hứa hẹn sẽ là điểm đến tuyệt vời dành cho các golfer khi ghé thăm Quảng Bình nắng gió.

Quảng Bình có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, như cầu ngư; hội rằm tháng 3 Minh Hóa; lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang và nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh như Đền Công chúa Liễu Hạnh, Chùa Hoằng Phúc (ngôi chùa cổ hơn 700 tuổi), Nhà lưu niệm và khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (ông được xem là vị tướng mở cõi phương Nam, với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại Nam Bộ vào năm 1698, đưa miền đất này trở thành một phần lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay). Đây là lợi thế để các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch đẳng cấp, đưa Quảng Bình thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam và Châu Á.

Các đại biểu khách mời chụp ảnh lưu niệm trước giờ diễn ra Hội ngị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2022 tại TP. HCM. Ảnh: Linh Đan

Với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, Quảng Bình kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất chế biến, chế tạo, tập trung vào 2 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp, trong đó Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo có diện tích gần 54.000 ha, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.

Khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình với diện tích 10.000 ha, gồm mặt biển, đất liền và đảo. Hiện nay, còn hơn 800 ha đất trống các khu công nghiệp, để các doanh nghiệp có thể đầu tư các dự án.

Quảng Bình đang tập trung vào phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi trồng thủy - hải sản công nghệ cao theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap và định hướng xuất khẩu.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế hỗ trợ, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẵn có.

Với diện tích tự nhiên trên 8.000 km2, dân số hơn 90 vạn người, Quảng Bình có trên 720.000 ha đất sử dụng cho mục đích nông - lâm - nghiệp.

Tổng diện tích đất có rừng 588.000 ha, trữ lượng gỗ 52,3 triệu m3, tỷ lệ che phủ rừng lên đến 68% (đứng thứ 2 toàn quốc). Đây là tiềm năng rất lớn để Quảng Bình phát triển kinh tế rừng, phục vụ công nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ từ rừng trồng.

Trong khi vùng gò đồi có nhiều ưu thế để phát triển trang trại tổng hợp, trồng cây dược liệu, phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái và trải nghiệm, thì ở vùng đồng bằng, thích hợp để phát triển nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000 km2, hệ thống 5 cửa sông lớn, là môi trường rộng lớn, đầy tiềm năng để phát triển ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản xuất khẩu.

Để đưa Quảng Bình phát triển bền vững, Quảng Bình kêu gọi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch; bất động sản nghỉ dưỡng; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp.

 

Quảng Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh để đầu tư điện gió trong bờ và ngoài khơi. Ảnh: P.V

Tháng 1/2022, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ khởi công Dự án tuyến đường ven biển, thuộc Dự án thành phần 1 đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, sẽ đi qua hầu hết các địa phương ven biển của tỉnh. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đi vào sử dụng vào năm 2025.

Sân bay Đồng Hới sẽ được đầu tư xây dựng và nâng cấp các hạng mục theo quy hoạch được phê duyệt là Cảng hàng không nội địa, có hoạt động bay quốc tế. Đến năm 2030, Sân bay Đồng Hới sẽ đạt công suất 3 triệu hành khách và vận chuyển 100.000 tấn hàng hóa/năm.

Đó là những dự án động lực, để Quảng bình cất cánh vươn lên, trở thành nơi đáng sống, thu hút du khách du lịch và nhà đầu tư.

Ngoài ra, Quảng Bình có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ và kỹ năng, lao động trong độ tuổi “vàng” gần 55% tổng dân số (gần 490.000 người). Số lao động mới hàng năm từ 18.000 - 19.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 67%, trong đó số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt hơn 27%. Tỉnh hiện có 1 trường đại học với 2.500 sinh viên/năm, 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, Quảng Bình xem đây là niệm vụ trong tâm trong thu hút đầu tư.

Quảng Bình đã áp dụng Chính phủ điện tử trong đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, đảm bảo nhanh gọn, chính xác và hiệu quả theo cơ chế một cửa liên thông. Địa phương cũng tổ chức gặp mặt định kỳ để đối thoại và xử lý các yêu cầu, khó khăn của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin, nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, ngày 22/9/2021, tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp. Tại Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng, cũng như khó khăn, vướng mắc và những hiến kế của các doanh nghiệp, để tìm ra giải pháp, giải quyết khó khăn cho họ, nhất trong giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt Dự án cụm trang trại điện gió B&T, hoàn thành và phát điện theo đúng kế hoạch, tỉnh Quảng Bình đã chủ động tạo điều kiện hỗ trợ cho hơn 300 cán bộ, chuyên gia nước ngoài làm việc trên công trường, thực hiện theo phương châm “1 cung đường 2 điểm đến”, đảm bảo chống dịch an toàn và hiệu suất công việc.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ban hành các cơ chế, chính sách, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Những lĩnh vực Quảng Bình kêu gọi đầu tư
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này tại TP. HCM, Quảng Bình kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, bất động sản; du lịch mạo hiểm và khám phá; các khu vui chơi giải trí; sản xuất công nghiệp - nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và chế biến; đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; kinh tế rừng, trồng và chết biến gỗ rừng trồng. Đồng hành cùng nhà đầu tư, tỉnh Quảng Bình đưa ra 10 cam kết:
1. “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, ngành.
2. Cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính (đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng, hải quan, thuế...).
3. Giảm thiểu các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát (không quá 1 cuộc/ năm, bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành).
4. Áp dụng mức ưu đãi tối đa về thuế, phí, tiền sử dụng đất và các hỗ trợ khác cho các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
5. Cung cấp công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư,...
6. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, chất lượng nguồn điện, nước sạch, viễn thông... cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.
7. Hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư mới hoặc dự án cần 
tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh
8. Cam kết đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ngoài hàng rào các doanh nghiệp, nhà máy
9. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự.
10. Hình thành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và thiết lập đường dây nóng phản ánh tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư
“Tỉnh Quảng Bình cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại địa phương. Và chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư với năng lực của mình, đưa các dự án trở thành hiện thực, đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư. Đây còn là nền tảng, cơ sở để các nhà đầu tư cùng với tỉnh Quảng Bình phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Những lý do Quảng Bình được đánh giá là nơi đầu tư hấp dẫn
Quảng Bình có lợi thế về địa kinh tế; nguồn nhân lực lao động vàng, có trình độ kỹ năng; các khu kinh tế, khu công nghiệp đa dạng; du lịch độc đáo, khác biệt; có tiềm năng phát triển nông nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn. Đó là những lý do để các nhà đầu tư đồng hành cùng Quảng Bình, cùng hiện thực hóa khát vọng mạnh giàu trên con đường đi tới thịnh vượng.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 3511
Thông báo