Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 23/6, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Paris Ile-de-France đã diễn ra Tọa đàm kinh tế thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Pháp.
Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt Nam, ông Thibaut Giroux; Chủ tịch CCI Paris Ile-de-France phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế, bà Marie-Christine Oghly; cùng sự tham dự của Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Emmanuel Pavillon Grosser, gần 80 doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp và Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp Pháp và Việt Nam tại cuộc gặp gỡ này, là minh chứng cho mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ hai nước đang tiến hành các biện pháp mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh, năng động nhất khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, trong số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang triển khai giữa Việt Nam với các nước thì Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong những thỏa thuận quan trọng, tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa Việt Nam và Pháp.
Phát huy đà hợp tác thể hiện trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hướng tới năm 2023 đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập Quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng tin tưởng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm và chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng Pháp hiện là đối tác đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD.
Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics... Đây là những lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm, các đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Tập đoàn Khu công nghiệp DEEP C - cảng Hải Phòng, Tập đoàn Rosemont Business Asia đã chia sẻ những hiểu biết của họ về thị trường Việt Nam, giúp cộng đồng doanh nghiệp Pháp nắm được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của nước này, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách nhiều ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác, kinh doanh thành công tại Việt Nam và thông qua quốc gia này để tiến vào thị trường ASEAN cũng như thị trường khu vực.
Ông Thibaut Giroux, Chủ tịch CCFVI, giới thiệu về môi trường đầu tư tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Buổi tọa đàm doanh nghiệp đã diễn ra cởi mở với các thảo luận sôi nổi. Cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan tâm tìm hiểu và đặc nhiều câu hỏi về các lĩnh vực đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như thuế suất tại các khu công nghiệp, chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hỗ trợ của chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, định hướng hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, chính sách đối với các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch CCIFV cho rằng hiện nay tất cả các điều kiện thuận lợi đã hội tụ.
Ông nhấn mạnh: "Giai đoạn khó khăn do COVID hiện đã kết thúc. Việt Nam có vị trí địa lý cực kỳ trung tâm trong ASEAN, cho phép nước này có khả năng cạnh tranh đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần. Ngoài ra, với dân số 100 triệu, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nên việc tìm kiếm lực lượng lao động và nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao là điều hoàn toàn có thể thực hiện."
Luật sư Thi My Hanh Ngo-Folliot, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác pháp lý châu Âu-Việt Nam cũng chia sẻ lời khuyên với các nhà đầu tư muốn quan tâm đến việc đầu tư hoặc đặt doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, họ nên liên hệ với các luật sư Việt kiều, những người mang hai quốc tịch.
Bà cam kết: "Vì chúng tôi là người Pháp gốc Việt, chúng tôi hiểu rõ luật pháp ở Việt Nam và Pháp, sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng các doanh nghiệp ngay từ những bước đầu tiên tại Việt Nam, giúp họ liên hệ với các luật sư Việt Nam tại địa bàn."
Tuy nhiên, đối với ông Gille David - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Enertime, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào than và khí đốt. Do đó, ông cho rằng Việt Nam cần phải nghĩ đến việc đầu tư vào vấn đề tiết kiệm năng lượng đồng thời phải nỗ lực ở khía cạnh này vì nó là mục tiêu của thế giới.
Kết thúc buổi tọa đàm, Chủ tịch CCIFV, ông Thibaut Giroux cùng các đại diện doanh nghiệp hai nước có mặt bày tỏ mong muốn trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, luôn hỗ trợ, đồng hành, qua đó thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo ra những bước tiến mới, kết quả mới cho hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp./.