BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Quốc gia
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc
Thứ Sáu, 11/12/2015 02:10
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc

Khu vực ASEAN là khu vực quan trọng thứ 3 về đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ với số vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt khoảng 71,422 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng vốn FDI) qua 9,989 dự án (chiếm 16,3% số dự án) với giá trị giải ngân khoảng 42,7 tỷ USD đạt khoảng 59,7% thấp hơn giá trị giải ngân chung là khoảng 70%.

Tình hình đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc

Theo số liệu của Ngân hàng Korea Exim Bank, Hàn Quốc tổng số vốn FDI của Hàn Quốc ra nước ngoài các năm 2013, 2014 lần lượt là 35,59 tỷ USD và 35,04 tỷ USD. Tính đến hết quý II/2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc đạt khoảng 417,5 tỷ USD thông qua hơn 61 nghìn dự án, trong đó vốn giải ngân khoảng 291,9 tỷ USD (tỷ lệ vốn giải ngân khoảng 70%). Nửa đầu năm 2015, tổng vốn FDI Hàn Quốc ra nước ngoài đạt 17,45 tỷ USD, dự báo cả năm sẽ đạt mức tương đương với năm trước.

Theo Báo cáo đầu tư toàn cầu 2015 của UNCTAD, Hàn Quốc đứng thứ 13 trong số 20 nền kinh tế có mức đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thế giới trong năm 2013 và 2014. Doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế tạo, dịch vụ và tài chính - ngân hàng, xây dựng - kinh doanh bất động sản...

- Về đối tác đầu tư: Hàn Quốc đã có dự án đầu tư ra tất cả các khu vực trên thế giới với dự án tại 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, tập trung vào các quốc gia như Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 86,9 tỷ USD (bao gồm Hong Kong), Hoa Kỳ (83 tỷ USD), Việt Nam (20,635 tỷ USD), Úc (17,38 tỷ USD), Hà Lan (15,26 tỷ USD), Cayman Island (14,83 tỷ USD), Canada (13,91 tỷ USD), Indonesia (12,92 tỷ USD), Anh Quốc (12,5 tỷ USD), Malaysia (11,063 USD).

Ngoài Việt Nam, Indonesia, Malaysia đứng trong TOP 10, các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Myanmar, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Lào đều nằm trong TOP 40 thị trường đầu tư ra của Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký từ khoảng từ 1 đến 10 tỷ USD.

Khu vực ASEAN là khu vực quan trọng thứ 3 về đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc sau Trung Quốc và Hoa Kỳ với số vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt khoảng 71,422 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng vốn FDI) qua 9,989 dự án (chiếm 16,3% số dự án) với giá trị giải ngân khoảng 42,7 tỷ USD đạt khoảng 59,7% thấp hơn giá trị giải ngân chung là khoảng 70%.

- Về lĩnh vực đầu tư: Trước đây, đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc vào ASEAN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động để xuất khẩu sang thị trường nước thứ 3. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của các nước trong khu vực cũng như sự lớn mạnh về sức cạnh tranh về vốn, công nghệ của các doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm, giải trí, CNTT, xây dựng, bất động sản, logistic, bán buôn, bán lẻ, qua hình thức M&A .... với mục tiêu thâm nhập thị trường các nước bản địa và trong khu vực ASEAN có xu hướng gia tăng mạnh từ đầu thế kỷ 21.

- Về mục đích đầu tư: Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài với các mục tiêu tiếp cận thị trường (chiếm 36% mục đích đầu tư); tiết giảm chi phí sản xuất (31%); và tiếp cận nguồn nguyên liệu; tiếp cận công nghệ nguồn; tránh rảo cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại. Ngoài ra, gần đây xu hướng các nhà đầu tư Hàn Quốc đón đầu các ưu đãi về thuế quan khi các nước ASEAN tham gia các FTA thế hệ mới (TPP, EU ...) với mục tiêu gia công - xuất khẩu.

Tóm lại, Chính phủ Hàn Quốc không xây dựng những chính sách, định hướng cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mà để thị trường tự động điều tiết (invisible hand) các hoạt động đầu tư, kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân. Nhằm khuyến khích và hỗ trợ việc đầu tư ra nước ngoài tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs,) chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng 4 nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp: (1) Hỗ trợ về tài chính, chủ yếu thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc Korea Eximbank; (2) Hỗ trợ cho vay tối đa 90% tổng vốn đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tổng công ty bảo hiểm xuất khẩu nhà nước bảo lãnh các khoản đầu tư trực tiếp và gián tiếp; (3) Hỗ trợ về thuế và thúc đẩy ký các hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và bảo hộ đầu tư; Và (4) hỗ trợ xúc tiến đầu tư thông qua Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) chủ yếu cung cấp thông tin và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nới lỏng và đơn giản hóa các quy định về đăng ký đầu tư ra nước ngoài.Ngoài ra, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (KOREAN WAVE) cũng được triển khai một cách có chiến lượng, hệ thống, không chỉ quảng bá văn hóa Hàn Quốc, tạo doanh thu trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân tham gia mà gián tiếp xây dựng hình ảnh tích cực về đất nước Hàn Quốc, qua đó thúc đẩy giao thương thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các sản phẩm tiêu dùng, điện tử (sản phẩm đầu cuối) tại thị trường các nước đang phát triển.Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng trực tiếp hỗ trợ các Công ty, Tập đoàn trong nước về việc tiếp cận các lĩnh vực như năng lượng nguyên tử - năng lượng, đường sắt cao tốc, hạ tầng giao thông quy mô lớn, thiết bị quốc phòng, hàng không - vũ trụ (nhưng lĩnh vực mới, Hàn Quốc còntương đối kém cạnh tranh và ít kinh nghiệm hơn các nước đi trước như Pháp, Đức, Nhật, Mỹ ...) tại các thị trường hải ngoại thông qua vận động chính trị, kết hợp ODA với đầu tư tư nhân ... để hỗ trợ các doanh nghiệp ngày xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài, đưa Hàn Quốc sánh ngang nhóm các nước dẫn đầu, đi trước.

Tình hình đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

Nhìn chung, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược, tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách FORTUNE 500 đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung, LG, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK ...

Sau hơn 25 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam kể từ tháng 11/2014. Lũy kế đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...), tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và có khoảng chênh lệch lên đến hơn 12 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.

7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 1,9 tỷ USD qua 484 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn,nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại 34 địa phương của cả nước. Trong đó, các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bình  Dương, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh là những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Các hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tính trong 7/2015, tổng vốn FDI Hàn Quốc chiếm 22% tổng vốn FDI vào Việt Nam, nếu tính dự án của Tập đoàn Hyosung (660 triệu USD, đầu tư qua pháp nhân Thổ Nhĩ Kỳ) và dự án Samsung (3 tỷ USD, được cấp phép ngày 31/7/2015), có thể nói FDI của Hàn Quốc đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (oligopoly), đóng góptới 47% tổng vốn FDI vào Việt Nam, gấp 7,8 lần Nhật Bản, gấp 15,6 lần Singapore và gấp 8,3 lần Đài Loan (nhưng đối tác FDI truyền thống đứng thứ 2,3,4 của Việt Nam). Đây vừa là tín hiệu đáng mừng (khi doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam), nhưng cũng cần có sự cân đối đa dạng hóa vì Việt Nam sẽ trở nênphụ thuộc vào Hàn Quốc trong khi FDI của các đối tác truyền thống (Nhật Bản, Singapore, Đài Loan) suy giảm, đồng thời việc thu hút FDI từ các nước G7 như Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc chưa có tín hiệu tích cực.

Theo kết quả khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc, 49% trong tổng số 540 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 3% trong 3 năm qua đều khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015. Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2014.

Các dự án của Hàn Quốc trong năm 2014 được triển khai trên 18 trên tổng số 21 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo với 322 dự án cấp mới và 151 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn của ngành này năm 2014 là 6,58 tỷ USD (chiếm 89% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 6 dự án cấp mới và 1 dự án tăng vốn, tổng số vốn là 363,2 triệu USD (chiếm 5% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 2,1% tổng vốn đầu tư, còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác. Các dự án đầu tư có sức ảnh hưởng lớn với vốn cam kết lên đến hàng tỉ đô la Mỹ như của tập đoàn điện tử Samsung, LG... đã kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc đi cùng với quy mô đầu tư lớn không kém. Chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh đã kéo theo hơn khoảng 60nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng. Samsung dự kiến sẽ tiếp tục rót hàng tỉ USD Mỹ vào Việt Nam cho nhiều dự án khác trong đó có cả dự án điện tử, năng lượng, hàng không, tài chính, đóng tàu,...

Khoảng 95% các dự án đầu tư của Hàn Quốc được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô dưới 500 người và doanh thu dưới 150 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, các dự án này chủ yếu là các dự án gia công trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giày, dép ... Tuy nhiên, thời gian gần đây đã bắt đầu có sự chuyển biến về chất khi xuất nhiều khối doanh nghiệp vệ tinh cho các TNCs Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ điện tử...Các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc tuy chỉ chiếm khoảng 5% số dự án nhưng đạt hơn 70% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam và tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; xây dựng ...  đóng góp tích cực cho ổn định và phát triển kinh tế như Samsung, Doosan, LG, Posco,CJ, Taekwang, Hyosung, Kumho ...

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam có một số ưu thế về:

- Nguồn lao động cạnh tranh, chi phí nhân công rẻ, được đánh giá là cần cù - một cách tương đối so với các nước trong khu vực, văn hóa tương đồng.

- Tốc độ tăng trường kinh tế ổn định, khá cao. Năm 2015, dự kiến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 2.200 USD/người (tính theo sức mua PPP đạt khoảng 5,600 USD), quy mô nền kinh tế đạt 204 tỉ USD.

 Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở, dễ tiếp cận, thân thiện, có thiện cảm với các sản phẩm Hàn Quốc.

- Ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa giữa 2 nước liên tục phát triển;

- Vị trí địa lý thuận lợi;

- Chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh (Thuế TNDN khá thấp so với các nước trong khu vực).

- Việt Nam - Hàn Quốc đã thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam là nước thụ hưởng viện trợ không hoàn lại và vay tín dụng lớn nhất của Hàn Quốc. Trong đó, Việt Nam tiếp nhận 20% tổng giá trị cho vay tín dụng ưu đãi trong Chương trình Cho vay Song phương (EDCF), gấp đôi nước đứng thứ 2. Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới cùng với sự gia tăng quy mô kim ngạch thương mại song phương.

- Ngoài ra, trong 10 năm qua, Hàn Quốc đánh giá Việt Nam đã cơ bản xây dựng được hạ tầng Cluster để phát triển một số ngành công nghiệp theo chuỗi sản phẩm như công nghiệp điện, điện tử, dệt may ...

* Trong số các nước ASEAN có thu nhập dưới 10,000 USD, doanh nghiệp Hàn Quốc thường so sánh Việt Nam với Indonesia, Myanmar và Campuchia về cơ hội và môi trường đầu tư. Trong đó, mặc dù đánh giá cao tiềm năng về dài hạn của Myanmar, Hàn Quốc cho rằng đây chỉ là thị trường mới nổi có hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, xã hội còn rất kém phát triển. Theo đó, chi phí đầu tư và quản lý doanh nghiệp sẽ cao, không cạnh tranh so với các nước lân cận khi phải nhập nguyên liệu đầu vào do chưa có hệ thống cluster, mặc dù chi phí lao động tương đối thấp và được đánh giá là chăm chỉ. Indonesia được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn với hệ thống luật tốt, tuy nhiên, việc thực thi kém, tham nhũng diễn ra phổ biến, tính cục bộ về chính trị phức tạp (Chính phủ trung ương không chỉ đạo được địa phương), nên việc đầu tư - kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã rút khỏi Thái Lan. Theo đó, hiện Thái Lan được đánh giá là thị trường du lịch trọng điểm hơn là địa điểm đầu tư (1,3 triệu lượt người du lịch Thái Lan năm 2014, gấp 1,5 lần Việt Nam), do Thái Lan có xu hướng “thân” với Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản có vị thế khá vững chắc về cơ sở sản xuất và tiêu dùng tại đây. Campuchia có thị trường nội địa khá nhỏ, hệ thống pháp luật phức tạp, hệ thống lobby và tham nhũng phổ biến, người lao động không cần cù bằng các nước xung quanh, hạ tầng kém phát triển nên khó trở thành một Trục (Axis) thu hút dòng vốn đầu tư lớn.Philippines có thị trường lớn, Hàn Kiều ở đây cũng đông nhất khu vực ASEAN (khoảng 30 vạn, gấp 2 lần Việt Nam), tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung đánh giá Philippines là đất nước “hưởng thụ”, khó vượt qua ngưỡng phát triển trung bình. Đối với Lào, môi trường đầu tư được đánh giá có cải thiện tốt thời gian qua, tuy nhiên, do quy mô thị trường quá nhỏ, sức mua yếu, hạ tầng kém phát triển, là quốc gia không có biển nên tiềm năng đầu tư hạn chế.

Đặc biệt khi hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương vào tháng 5/2015.Việc thực hiện hiệp định này chắc chắn sẽ đưa đến những hợp tác về thương mại và đầu tư có chất lượng hơn, có chiều sâu hơn, ví dụ như những cam kết của Việt Nam về các dịch vụ và các hoạt động đầu tư đối với các công ty Hàn Quốc trong khuôn khổ VKFTA. Ngoài ra, Hàn Quốc và ASEAN cũng đã ký gói cam kết đầu tiên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc.

- Việt Nam là quốc gia đang phát triển “mở” nhất khu vực ASEAN với tiềm năng trở thành thành viên của TPP, Hiệp định Việt Nam - EU trong thời gian tới. Nếu việc đàm phán Hiệp định TPP thành công, Việt Nam là quốc gia ASEAN (không phải đảo quốc) duy nhất cùng tham gia TPP và có Hiệp định FTA với EU.

Nhìn chung, Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất, tiềm năng thu hút vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi trong thời gian tới. Nhng tồn tại, hạn chếliên quan đến thủ tục đầu tư (đặc biệt trong giai đoạn “quá độ” thay pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp), năng lực doanh nghiệp CNHT trong nước, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh là những vấn đề lớn mang tính căn bản mà Việt Nam hiện đang và sẽ phải tiếp tục khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút FDI Hàn Quốc nói riêng và các nước nói chung.

- Trong thời gian tới, một số lĩnh vực đầu tư mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là: lĩnh vực công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh) ; phân phối, bán buôn bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart) ; tài chính - bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha ...); kinh doanh bất động sản (Daewoo, GS, Posco, Hyundai ...) ; năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như Kepco, Doosan, Samsung, Taekwang ...) ; dịch vụ chất lượng cao, du lịch (Lotte ...) ; lương thực và chế biến thực phẩm (CJ) ; hàng may mặc (để xuất khẩu đón đầu các hiệp định FTA thế hệ mới, Hyosung, Taekwang, Panko ...) ; dầu khí - hóa chất (GS, SK, Samsung...); công nghệ chế tạo - công nghiệp nói chung, nông nghiệp - trồng trọt (CJ...) ...

- Một số cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc có chức năng hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp ra nước ngoài mà các Bộ ngành địa phương có thể hợp tác trong quá trình xây dựng kế hoạch XTĐT cũng như xúc tiến, tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm: Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) ; Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) ; Liên đoàn kinh tế Hàn Quốc (đại diện các Tập đoàn lớn) ; Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) cùng các Tổ chức tài chính, ngân hàng ; các công ty luật - tư vấn, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) ; Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan, KwangJu...

Số lượt đọc: 2952
Thông báo