BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 23/12/2024
Quốc gia
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Mỹ
Thứ Sáu, 11/12/2015 02:10
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Mỹ

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới, do đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam có khả năng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới.

Tình hình đầu tư ra ngước ngoài của Mỹ

- Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư ở nước ngoài lũy kế đến hết Quý I/2015 là khoảng 5.000 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ ra nước ngoài năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt là 318,2 tỷ USD, 307,9 tỷ USD, 316,5 tỷ USD và Quý I/2015 ước tính là 82,5 tỷ USD.Về tỷ trọng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ trong tổng vốn FDI toàn cầu, tuy con số này giảm vào năm 2010 với 20,3% nhưng nhìn chung tỷ trọng này đã tăng khá nhanh từ mức 18,5% năm 2008 lên ổn định ở mức 25% - 26% trong 5 năm gần đây, trong khi cả khu vực EU gồm 28 nước nhưng chỉ chiếm khoảng 21% – 22% tổng vốn FDI toàn cầu.

Trong tổng vốn FDI ra nước ngoài của Mỹ, tỷ trọng lớn nhất là nguồn vốn từ tái đầu tư, chiếm bình quân khoảng 80%, trong khi dòng vốn nhà đầu tư chuyển ra để đầu tư chỉ chiếm bình quân khoảng 15% và các khoản vay trong nôi bộ công ty khoảng 5%. Điều này chứng tỏ các công ty Mỹ ưa lựa chọn tái đầu tư hơn là chuyển lợi nhuận về nước.

- Giống như các công ty của Châu Âu, mục tiêu lớn nhất của các công ty xuyên quốc gia của Mỹ khi đầu tư ra nước ngoài hiện nay là tìm kiếm thị trường. Thực tế cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Mỹ có khả năng tiếp cận nhiều nhất vào những thị trường mà Mỹ đầu tư lớn. Theo số liệu của CIA, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ gồm Canađa (chiếm 19,37% thị phần), Mêhicô (12,21%), Trung Quốc (6,58%), Nhật Bản (4,84%), Anh (4,33%), Đức (4,1%), đều là những thị trường mà Mỹ có đầu tư lớn nhất. Đầu tư ra nước ngoài đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy xuất khẩu tại Mỹ. Bên cạnh đó, mặc dù là một quốc gia giàu tài nguyên, các công ty của Mỹ khi đầu tư ra khi nước ngoài còn nhằm mục tiêu khai thác tài nguyên khoáng sản để tiết kiệm nguồn tài nguyên trong nước.

- Về cơ cấu vốn FDI của Mỹ ở nước ngoài theo khu vực và quốc gia:

Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ, lũy kế tính đến cuối năm 2013, khoảng 74% tổng vốn đầu tư của Mỹ tập trung ở các nước phát triển, thu nhập cao, thành viên của OECD, trong đó, Châu Âu chiếm hơn một nửa vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Mỹ với khoảng 2,6 nghìn tỷ USD (56%), tiếp theo là châu Mỹ với khoảng 884 tỷ USD (19%), khu vực châu Á – Thái Bình Dương xấp xỉ 695 tỷ USD (14,9%), châu Phi 60,4 tỷ USD (1,3%), Trung Đông 40,3 tỷ USD (1%). Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, riêng Úc chiếm 3,4%, Nhật Bản chiếm 2,6%, Trung Quốc và Hongkong mỗi nước chiếm hơn 1%,  Ấn Độ chiếm gần 0,7%. Cả khu vực ASEAN chiếm gần 4,2% (tương đương khoảng gần 200 tỷ USD), trong đó riêng Singapore đã chiếm hơn 3,3%.

Trong năm 2013, hơn 59,3% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ tập trung ở châu Âu, gần 14,2% vào châu Mỹ, hơn 15,8% vào châu Á – Thái Bình Dương và 8% ở Canada. Trong đó, đáng lưu ý tỷ lệ dòng vốn FDI của Mỹ có xu hướng giảm vào khu vực châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương trong khi tăng vào khu vực Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu (đặc biệt là tăng mạnh vào khối đồng tiền chung Châu Âu EU, từ 48,6% tổng vốn FDI năm 2012 lên 55,6% năm 2013). Trong khi ở Châu Âu, Mỹ chủ yếu tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất dược phẩm, sản xuất máy tính và tài chính, châu Á lại hướng tới các ngành chế biến dầu, chế biến chế tạo và tái đầu tư lợi nhuận, Châu Phi và Trung Đông chủ yếu là khai khoáng thì Châu Mỹ khá đa dạng phong phú các ngành đầu tư từ thương mại tài chính đến chế biến nông sản, khai khoáng và bán lẻ.

Trong năm 2014, dòng vốn FDI của Mỹ vào châu Âu vẫn chiếm tỷ trọng lớn (54,2%), tuy có giảm so với giai đoạn trước đây; vào Mỹ Latin và các nước châu Mỹ khác chiếm 18,8%; vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 17,2%, sụt giảm so với giai đoạn trước, chủ yếu là do các công ty Mỹ thoái vốn khỏi thị trường Nhật Bản. Các nước nhận được nhiều vốn FDI của Mỹ trong năm 2014 là Canada (19,85 tỷ USD), Singapore (19,44 tỷ USD), Úc (16,59 tỷ USD), Trung Quốc (6,33 tỷ USD), Hongkong (5,24 tỷ USD), Ấn Độ (2,62 tỷ USD).

Xu hướng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc có nhiều thay đổi trái chiều trong những năm gần đây: sau khi đạt đỉnh cao gần 16 tỷ USD năm 2008, dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc năm 2009 là âm (-) 7,5 tỷ USD, do các công ty Mỹ ồ ạt rút vốn khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sau đó hồi phục ở mức 5,4 tỷ USD năm 2010 rồi ngay lập tức lại giảm xuống ở mức âm (-) 1,7 tỷ USD năm 2011 và âm (-) 1,2 tỷ năm 2012, rồi lại tăng lên 6,6 tỷ USD năm 2013 và 6,3 tỷ USD năm 2014, tuy nhiên mức này cũng chỉ bằng khoảng 40% mức của năm 2008. Trong Quý I/2015, Trung Quốc ước tính thu hút được khoảng 3,1 tỷ USD dòng vốn FDI của Mỹ.

Trong giai đoạn 2009-2014, dòng vốn FDI của Mỹ vào ASEAN nhìn chung là tăng. Riêng trong năm 2014, dòng vốn FDI của Mỹ vào  Indonesia là 2,58 tỷ USD, Thailand là 1,97 tỷ USD, Malaysia là 1,72 tỷ USD và Philippines là 1,016 tỷ USD.

- Về cơ cấu vốn FDI của Mỹ theo ngành:

Tính lũy kế, khoảng 5% tổng vốn FDI của Mỹ ở nước ngoài là vào lĩnh vực khai khoáng, 14% vào lĩnh vực sản xuất, gần 5% vào lĩnh vực bán buôn, 20% vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, 44% vào các công ty holding (phi ngân hàng). Tuy nhiên, trong giai đoạn những năm gần đây, dòng vốn FDI của Mỹ có xu hướng gia tăng vào lĩnh vực sản xuất (chiếm tới 19,15% trong năm 2014) và bán buôn (8,15%), trong khi lĩnh vực ngân hàng có xu hướng thoái vốn liên tục trong những năm gần đây.

Tình hình đầu tư của Mỹ vào Việt Nam

- Về số liệu chung: Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6 năm 2015, Mỹ đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 748 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 11,08 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án. Tuy nhiên, những con số này chưa phản ảnh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do có một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble,  ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông... Còn tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Mỹ xếp thứ 10/48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với gần 87,4 triệu USD, chiếm 1,6% tổng số vốn FDI.

- Về lĩnh vực đầu tư:

Các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản; Cụ thể, Mỹ đã có 16 dự án trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với tổng vốn đầu tư là 4,67 tỷ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 322 dự án và hơn 2,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 44% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 14 dự án và xấp xỉ 2,1 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 1,8% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam).

- Về hình thức đầu tư:

Thống kê cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài  với 578 dự án và 8,13 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 81% tổng số dự án và 74% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Hình thức liên doanh có 109 dự án với 2,5 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 15% tổng số dự án và 23% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Về địa phương đầu tư:

Đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Đứng thứ nhất là  Bà Rịa – Vũng Tàu với 18 dự án và 5,3 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 48% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là Hải Phòng với 13 dự án và  1,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11,2% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ bà là Bình Dương với 96 dự án và 779 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7,1% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam).

Xét về số lượng dự án, thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với  771 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Quy mô trung bình dự án FDI Mỹ tại TP Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước.

Xu hướng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam thời gian tới

- Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới, do đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam có khả năng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới. Một trong những điều quan trọng nhất là chi phí lao động thấp. Chi phí nhân công tăng vọt tại Trung Quốc đang khiến nhiều hãng sản xuất đa quốc gia của Mỹ đã hướng sự chú ý vào nơi rẻ hơn 50% là Việt Nam. Điển hình là Microsoft, từ cuối năm 2014, doanh nghiệp này đã chuyển các nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn. Không chỉ đưa các dây chuyền sản xuất về Việt Nam, mang đến những phần mềm, thiết bị và giải pháp mà Microsoft còn tập trung đầu tư về nhân sự, góp phần phát triển các kĩ năng và nguồn lực cho lực lượng IT ở Việt Nam. Điều này cho thấy các Tập đoàn Mỹ đã coi Việt Nam như một thị trường chiến lược vì những lợi ích lâu dài chứ không chỉ vì những lợi ích trước mắt. Ngoài ra còn có một loạt các Tập đoàn khác cũng đang chuyển đến Việt Nam như Intel, Jabil, Microchip…

- Thứ hai, sức hút lớn nhất với hầu hết nhà đầu tư ngoại nói chung và Mỹ nói riêng là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) về tự do thương mại, mà Việt Nam là một trong 12 nước đang tham gia đàm phán đang được kì vọng là sẽ được kí kết trong năm 2015. Điều này đã thúc đẩy nhiều công ty Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng. Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ gia tăng đầu tư trong đó có việc không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận.

- Thứ ba, dân số trẻ và thu nhập của người dân được cải thiện giúp sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng. Đồng thời, tình hình chính trị ổn định, lạm phát được kiềm chế và nhiều biện pháp nới lỏng quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng như nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam cũng là lý do vốn đầu tư liên tục đổ vào đây.

- Thứ tư, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam hiện nay như dầu khí (Exxon Mobil, Chevron…), hàng không (Boeing, ADC - HAS Airport), công nghệ thông tin (Microsoft, Intel, Apple, HP) và điện (General Electric, General Atlantis, AES…) cũng chính là các thế mạnh sản xuất và đầu tư của Mỹ và hiện đang được các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm.

Tuy nhiên, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn thấp so với tiềm năng. Rõ ràng, so sánh con số vốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Singapore và Malaysia, có thể thấy việc thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa. Điều này là do các yếu tố sau đây đang làm hạn chế tăng trưởng nội địa và thu hút đầu tư của nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:

- Vấn đề về minh bạch và tham nhũng: có tới 69% số doanh nghiệp Mỹ được hỏi đã trả lời rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam. Tính minh bạch của khuôn khổ pháp lý chưa cao tạo điều kiện cho tham nhũng và việc thực thi pháp luật không nhất quán ở các địa phương. 

- Sự hợp tác chính phủ - doanh nghiệp vẫn còn rời rạc trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng với môi trường WTO cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

- Hạn chế về kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đã góp phần làm cho các nhà đầu tư FDI nản lòng;

- Sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã làm cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc gia tăng chuỗi giá trị, ngay cả khi họ phải tăng thêm chi phí cho lao động. Mặc dù, Việt Nam hiện nay có lợi thế về chi phí lao động so với Trung Quốc, nhưng không dễ tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề sẵn có đáp ứng được các ngành sử dụng công nghệ cao, mà phải mất thêm chi phí để đào tạo.

- Chi phí gia tăng: Trong 5 năm qua, những chi phí như lao động, thuê văn phòng, nhà ở đã gia tăng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đáng kể, chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.

Tóm lại. Đối với cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ, việc Việt Nam chủ động tham gia Hiệp định TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, khiến cho thị trường Việt Nam “khác biệt” so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN không phải là thành viên TPP. Vì vậy, Việt Nam sẽ có thể là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ hiện đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam như: Tập đoàn Nike, Inc, Tập đoàn dệt may Mast Industries, Ltd, P&G… Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore (Amcham Singapore) cũng công bố khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.

- Cần tận dụng vốn đầu tư Hoa Kỳ từ nhiều kênh khác nhau, có thể thông qua các ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ. Thực tế, ngân hàng và các quỹ đầu tư là nơi có nhiều các nhà đầu tư thực sự tiềm năng với Việt Nam và cần được tăng cường tiếp cận trong thời gian tới.

- Ngoài các ngành thế mạnh của Hoa Kỳ như dầu khí, hàng không, năng lượng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính ngân hàng do các Tập đoàn lớn, Tập đoàn xuyên quốc gia của Hoa Kỳ đầu tư; trong thời gian tới ta nên hướng tới kết nối với các doanh nghiệp SMEs của Hoa Kỳ trong các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ…

- Thường xuyên trao đổi thông tin với các tổ chức, cơ quan của Hoa Kỳ như Phòng Thương mại Mỹ - Amcham, Hội đồng kinh doanh Mỹ ASEAN-USABC, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam... để thông qua đó, kết nối quảng bá về tiềm năng của địa phương, của ngành tới cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ; đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư tại địa phương mình, đây là cách xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả để xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư.

Số lượt đọc: 9337
Thông báo