BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Quốc gia
Việt Nam dự các Diễn đàn Biển ASEAN
Thứ Năm, 27/03/2014 03:36
Việt Nam dự các Diễn đàn Biển ASEAN

Trong các ngày từ 3-5/10, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần 3 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần 1 đã được tổ chức tại Manila, Philippines.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu đã tham dự các diễn đàn nói trên.

Tại cả hai diễn đàn, các nước ASEAN và các nước đối tác Đông Á đã trình bày quan điểm quốc gia về an ninh biển, trao đổi về tăng cường hợp tác biển tại khu vực, trong đó có việc phối hợp, hợp tác liên ngành về an ninh, an toàn hàng hải; phòng chống cướp biển; tăng cường kết nối; xây dựng hạ tầng biển; nâng cao năng lực, đào tạo thủy thủ; bảo vệ môi trường biển và hợp tác về nghề cá, du lịch sinh thái biển…

Các nước đều nhất trí tranh thủ tăng cường các cơ hội hợp tác và xây dựng lòng tin, đi đôi với bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho hợp tác biển.

Theo đó, đối với các tranh chấp trên biển, các nước một lần nữa nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực có liên quan như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) Tuyên bố về 6 nguyên tắc trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tránh để tranh chấp leo thang thành xung đột.

Tại Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 3 (AMF), các nước ASEAN đã điểm lại những hoạt động hợp tác khu vực về an ninh biển, trong đó có kết quả của AMF 1 và 2, nhất trí tăng cường chia xẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực về biển; nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong tăng cường hợp tác biển khu vực nhất là trong Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng.

Tại Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần 1, các nước đã thảo luận nhiều về luật pháp quốc tế, vai trò của UNCLOS, coi đây là cơ sở pháp lý căn bản trong bảo đảm ứng xử của các quốc gia, xác định cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp cũng như trong hợp tác biển.

Một số nước đã đưa ra các đề xuất cụ thể như tổ chức các khóa đào tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho nghề cá, tăng cường hợp tác về pháp lý trong phòng chống cướp biển, bảo vệ môi trường, tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác du lịch biển…

Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã trình bày lập trường quốc gia của Việt Nam về tăng cường hợp tác khu vực trên lĩnh vực biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, vì lợi ích của mỗi quốc gia và của cả khu vực; nhấn mạnh việc thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển (UNCLOS), cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong điều phối hợp tác khu vực về biển, nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình nghị sự và xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong khu vực này.

Đồng thời, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng đã nhấn mạnh việc tích cực phối hợp triển khai các sáng kiến có liên quan của ASEAN về hợp tác môi trường biển, hợp tác ứng phó thiên tai, các sự cố trên biển, đặc biệt là sáng kiến về hợp tác giúp đỡ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn.

Số lượt đọc: 415
Thông báo