Liên quan đến Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1/7 tới
đây, các điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Mới
đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc
kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định,
thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Trao đổi
với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận xét:
'Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ, nhắc nhở từng cán bộ, từng cơ quan. Sẽ
không còn chuyện chỉ có lỗi tập thể nữa. Nếu đã được các cơ quan khác cảnh báo
hoặc cấp dưới tham mưu không nên ban hành nhưng anh cố tình không nghe, thì anh
phải chịu trách nhiệm'.
Không để
“đá bóng” trách nhiệm
Thứ
trưởng Đặng Huy Đông cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư cũng sẽ
có quy định cụ thể, chặt chẽ về trình tự, thủ tục ban hành một văn bản pháp
luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Bộ KHĐT sẽ
là cơ quan thẩm định các đề xuất về điều kiện kinh doanh và Bộ đề xuất sẽ phải
trả lời một số câu hỏi.
Thứ nhất, nếu không có quy định về điều kiện kinh doanh
thì có phương hại gì đến trật tự an ninh xã hội, đến nền kinh tế không? Thứ
hai, nếu có phương
hại thì có giải pháp nào khác để vẫn quản lý được mà không phải đặt ra
điều kiện kinh doanh không? Thứ ba, có đủ năng lực về con người và
tài chính để quản lý hay không, hiệu quả của việc quản lý so với chi phí bỏ ra
có đáng hay không; nếu việc đặt ra điều kiện kinh doanh chỉ là hình thức
thì cũng phải cân nhắc.
Dự thảo
Nghị định cũng sẽ quy định, khi doanh nghiệp có thắc mắc về ngành nghề kinh
doanh có điều kiện hay điều kiện kinh doanh thì sẽ hỏi thẳng cơ quan quản lý
lĩnh vực đó, đồng thời gửi về Bộ KHĐT để theo dõi.
“Việc
theo dõi nhằm bảo đảm việc trả lời của cơ quan quản lý là nhất quán, tổng thể,
đầy đủ, kịp thời, bởi chúng ta đều biết có tình trạng cùng một vấn đề nhưng trả
lời mỗi doanh nghiệp một khác hoặc mỗi lần một khác, hoặc trả lời không đầy đủ,
không đi đến tận cùng vấn đề; hoặc có khi doanh nghiệp hỏi đến mấy lần vẫn
không thấy trả lời.
Bộ KHĐT
không can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn, nhưng với nhiệm vụ duy trì môi trường
đầu tư tốt, thì chúng tôi phải giám sát, không để xảy ra tình trạng cơ quan này
“đá bóng” sang cơ quan khác, cuối cùng không biết ai có trách nhiệm xử lý”, Thứ
trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.
Hàng trăm
thông tư sẽ không còn giá trị
Từ 1/7
tới, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được quy
định tại các văn bản do cấp Bộ ban hành có đương nhiên mất hiệu lực không, thưa
ông?
Theo quy
định của Luật, chỉ có Quốc hội mới được quy định về ngành nghề kinh doanh có
điều kiện và chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới được
ban hành điều kiện kinh doanh. Như vậy, hàng loạt văn bản cấp Bộ (gồm 176 thông
tư, 26 văn bản cấp bộ và 2 quyết định của bộ trưởng) quy định về điều kiện kinh
doanh sẽ không còn giá trị.
Tuy
nhiên, không phải tất cả các điều kiện kinh doanh đó đều không cần thiết. Dù
Luật có hiệu lực từ 1/7/2015, song Quốc hội cũng đã cho các Bộ thêm một năm
nữa, tức là tới hạn chót 1/7/2016 thì phải hủy bỏ các điều kiện kinh doanh đó
hoặc ban hành lại theo đúng quy định, tức là trình Chính phủ ban hành.
Trong
trường hợp các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa có quy định cụ thể
về điều kiện kinh doanh thì hướng giải quyết sẽ như thế nào?
Theo rà
soát của chúng tôi, hiện có 21 ngành nghề mà các bộ ngành vì nhiều lý do khác
nhau vẫn chưa đề xuất, ban hành các điều kiện kinh doanh. Chúng tôi đã báo cáo
Thủ tướng để chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, ban hành. Nhưng
chúng tôi cũng không tin rằng từ nay đến 1/7 sẽ làm được với tất cả 21 ngành
nghề này.
Trước
tình hình này, dự kiến, chúng tôi sẽ phải xử lý theo từng trường hợp cá biệt,
khi các doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành nghề này thì các cơ quan đăng ký
kinh doanh sẽ báo cáo Bộ, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng.
Chúng tôi
rất mong các bộ ngành quan tâm đặc biệt, lưu ý triển khai sớm nhất vấn đề này,
bởi nếu không triển khai ngay thì cứ chậm mãi, không đáp ứng dược yêu cầu của
xã hội.
Vì sao
doanh nghiệp thờ ơ?
Được biết
Bộ KHĐT đã tập hợp, công bố và lấy ý kiến về các điều kiện kinh doanh, thế
nhưng chỉ có rất ít các ý kiến góp ý. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Đây đúng
là một thực tế mà tôi vừa ngạc nhiên vừa lấy làm tiếc. Trước đó, công luận liên
tục kêu ca về điều kiện kinh doanh, nên khi bắt đầu thông báo chính thức về
việc lấy ý kiến (ngày 5/2), chúng tôi nghĩ rằng sẽ tiếp nhận được hàng trăm
nghìn ý kiến góp ý. Thế nhưng thực tế, chỉ có rất ít doanh nghiệp góp ý và chưa
có bất cứ hiệp hội ngành nghề nào góp ý cả.
Phải
chăng là trong quá khứ cũng đã có nhiều văn bản lấy ý kiến nhưng ý kiến của các
doanh nghiệp, hiệp hội không được quan tâm, xử lý thỏa đáng hoặc phản hồi một
cách nghiêm túc nên họ cũng nản lỏng. Và phải chăng chính một số doanh nghiệp
đang thấy rằng các điều kiện kinh doanh như hiện hành là có lợi cho họ, nên họ
không muốn thay đổi.
Thời hạn
lấy ý kiến theo kế hoạch là ngày 31/3, song bây giờ vẫn không quá muộn. Chúng
tôi rất mong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm hơn đến vấn đề này và
sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp tích cực, xác đáng cho đến giờ phút cuối
cùng, kể cả khi đã trình Chính phủ rồi thì vẫn có thể tiếp nhận góp ý để bổ
sung thêm.
Còn nếu
không có những ý kiến góp ý, thì chúng tôi sẽ dựa trên những hiểu biết của
mình, học hỏi kinh nghiệm của các nước, nhận diện những bất cập, rà soát lại,
đưa ra các quy định tốt nhất về điều kiện kinh doanh để có thể thực hiện Luật
Đầu tư từ 1/7. Sau đó còn là cả một quá trình bổ sung, thay đổi về điều kiện kinh
doanh cho phù hợp nhất, nếu doanh nghiệp thấy khó thì phải sửa, chứ không phải
làm một lần là xong.
Xin trân
trọng cám ơn ông!