BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 04/12/2024
Phía Nam
TP.HCM dành hơn 300ha đất cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Thứ Năm, 27/01/2022 10:01
TP.HCM dành hơn 300ha đất cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

Với việc lập khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM sẽ hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ…

Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại hội thảo quốc tế về “Kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” tại TP.HCM.

Theo ông Hoan, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP.HCM xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố.

Trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM, giá trị sản xuất công nghiệp đóng góp 23% vào tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP), chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước.

Dù vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, tình hình phát triển ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM vẫn chưa được phát huy, khai thác hết tiềm năng.

Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với công nghệ đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa cao.

Việc phân bổ mặt bằng sản xuất, quỹ đất dành cho công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ chưa phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp và chưa khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của ngành nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Để trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ phát triển, ông Hoan cho biết TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như: ban hành danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố và các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp này phát triển (về mặt bằng, vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu).

Đặc biệt, thông qua các chương trình kích cầu đầu tư, TP.HCM đã huy động được các nguồn lực xã hội (vốn, nhân lực, đất đai, kỹ thuật, công nghệ) cho đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“TP.HCM đã chuẩn bị hơn 300ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả các doanh nghiệp công nghệ cao, làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xứng tầm với vai trò trung tâm kinh tế của thành phố”, ông Hoan nói.

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), cho rằng việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia. Cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường.

Các cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối...

“Cần phát triển theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối cung - cầu hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu - cuối, lan tỏa công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; đảm bảo tính liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong khu/cụm công nghiệp với các doanh nghiệp bên ngoài và liên kết với các doanh nghiệp khác của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Điền nhấn mạnh.

Theo vneconomy.vn
Số lượt đọc: 1802
Thông báo