Năm 2021, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương nằm trong số các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, GRDP của TP.HCM giảm 6,78% so với năm 2020, Đồng Nai tăng 2,15% và Bình Dương tăng 2,62%. Từ đầu năm, Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.
* Công nghiệp vẫn là trụ đỡ
Tại Đồng Nai, công nghiệp - xây dựng đang chiếm gần 60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đây cũng là lĩnh vực đóng góp lớn cho phát triển kinh tế trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp để làm trụ đỡ cho kinh tế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh. Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung thu hút công nghiệp hỗ trợ, ngành nghề ứng dụng công nghệ 4.0 đem lại giá trị gia tăng cao.
Đến tháng 1-2022, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được hơn 2 ngàn dự án của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, gồm 1.380 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 27,6 tỷ USD và 624 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư gần 68,4 ngàn tỷ đồng. Hiện gần 1,8 ngàn dự án trong các KCN ở Đồng Nai đã đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm đem lại khoảng 25 tỷ USD, hơn 60% doanh thu có được nhờ xuất khẩu hàng hóa. Do đó, thu hút được nhiều dự án FDI vốn lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng đi vào sản xuất sẽ thúc đẩy công nghiệp phát triển.
Sản xuất linh kiện máy móc cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Ảnh: K.Minh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2025, Đồng Nai sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi trường; dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển DN trong nước”.
Công nghiệp phát triển giúp cho thu ngân sách của tỉnh tăng cao, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy lĩnh vực thương mại dịch vụ cùng tăng trưởng. Cụ thể, năm 2021, riêng các DN FDI trong KCN đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá cũng giúp cho xuất khẩu của tỉnh tốt hơn.
* Tạo đột phá cho phát triển kinh tế
Đồng Nai xác định triển khai nhanh các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt dự án về giao thông là giải pháp tạo đột phá cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai nhiều dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, không thể đưa vào khai thác theo đúng lộ trình cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Vì thế, các địa phương trong tỉnh đều mong muốn có thể triển khai nhanh các dự án trong thời gian ngắn, nhất là các dự án đầu tư công.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện kịp thời những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, tỉnh sẽ tập trung vào các công trình, dự án có tính lan tỏa cao”.
Kế hoạch năm 2022, Đồng Nai sẽ huy động nguồn vốn toàn xã hội hơn 100 ngàn tỷ đồng để đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo các DN, tỉnh muốn huy động nguồn vốn toàn xã hội lớn để đầu tư vào các công trình, dự án, sản xuất, kinh doanh thì phải kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đầu tư, đất đai và xây dựng. Các thủ tục trên nếu rút ngắn được thời gian sẽ có nhiều công trình, dự án hoàn thành đúng thời gian quy định và đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian qua, công ty đã đề xuất Chính phủ đơn giản, rút ngắn thủ tục đầu tư hạ tầng KCN để có thể triển khai sớm dự án tại Đồng Nai. Đất dành cho phát triển công nghiệp ở tỉnh còn rất ít, hoàn tất nhanh hồ sơ, DN đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn có thể thực hiện sớm việc xây dựng KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất làm nhà xưởng sản xuất”.