BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 15/09/2024
Phía Nam
Hơn 3,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM trong 11 tháng
Thứ Hai, 06/12/2021 08:16
Hơn 3,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM trong 11 tháng

Dù chịu thiệt hại nặng từ làn sóng dịch lần thứ 4 song tính từ đầu năm đến 20/11, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,43 tỷ USD.

Số liệu này được công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 do Cục thống kê TP.HCM vừa cập nhật.

Nhìn chung, Thành phố đã kiểm soát dịch bệnh và tiến hành mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm " An toàn là trên hết".

Người lao động có xu hướng trở lại thành phố để tìm việc, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp 5K nhằm từng bước khôi phục sản xuất. Kinh tế Thành phố ghi nhận các dấu hiệu tích cực.

D án đu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép tại TP.HCM từ ngày 1/1 đến 20/11/2021.

Về tình hình cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm đến 20/11/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 3,43 tỷ USD.

Tổng vốn này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn từ một số quốc gia đóng lớn vào tổng vốn đầu tư vào TP.HCM gồm Singapore với 89 dự án cùng tổng vốn hơn 224 triệu USD (chiếm 38,5%).

Theo sau đó là Hàn Quốc với 73 dự án cùng vốn đăng ký 124,3 triệu USD (chiếm 21,3%); Hà Lan với 18 dự án, cùng vốn đăng ký 87,4 triệu USD (chiếm 15%); Nhật Bản với 50 dự án, cùng vốn đăng ký 69,2 triệu USD (chiếm 11,8%).

Ở chiều ngược lại, có 125 dự chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động từ đầu năm đến ngày 20/11, với tổng vốn đầu tư khoảng 133 triệu USD.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.HCM trong 11 tháng đầu năm nay (Đvt: tỷ đồng).

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố, tuy nhiên tổng thu cân đối ngân sách 11 tháng đầu năm 2021 ước tăng 8,6% so với cùng kỳ.

Không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Nguồn thu tăng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong nửa đầu năm 2021.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2021 trên địa bàn ước tính tăng 13,3% so với tháng liền kề trước đó.

Một số ngành tăng mạnh so với tháng trước như sản xuất đồ uống tăng gần 52%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng xấp xỉ 41%.

Tính chung 11 tháng đầu năm nay, IIP trên địa bàn Thành phố giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tháng này tăng gần 14% so với liền kề và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 11 tháng, lực lượng lao động giảm xấp xỉ 21% so với cùng kỳ và một số ngành ghi nhận chỉ số lao động giảm mạnh như sản xuất đồ uống (giảm 43,6%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa đều giảm khoảng 30%,…

Cục thống kê TP.HCM đánh giá, nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong tháng 11 năm nay được cải thiện hơn so với tháng 10 do Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, tình trạng thiếu hụt lao động đang từng bước khắc phục. 

So với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngành hàng chủ lực có chỉ số sản xuất âm. Đặc biệt, trong 1/2 tháng cuối, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng trở lại.

Vốn ngân sách TP.HCM trong 11 tháng ước đạt hơn 17.740 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 47% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 50% kế hoạch năm.

Một số công trình trọng điểm của Thành phố đều đang trong quá trình thực hiện dang dở.

Ví dụ, dự án chống ngập được xây dựng ở các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh đang tạm ngưng do vướng mắc ký phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán. Tính đến nay, toàn dự án này chỉ đạt khoảng 90% khối lượng xây lắp.

Hay với dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có một số gói thầu hiện còn thiếu công nhân, vật tư thiết bị nhập cảnh cũng không đúng tiến độ đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. 

Theo dự kiến khả năng dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 và khối lượng thực hiện toàn dự án đến nay ở mức 88%. 

Còn với dự án tuyến đường sắt Metro số 2, công tác giải tỏa cơ bản đã xong, các quận bị giải tỏa đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng và dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 sau khi đã hợp long nối quận 1 và TP. Thủ Đức được dự tính sẽ hoàn thành cuối năm nay và đưa vào hoạt động vào quý II/2022. 

Về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp, từ đầu năm đến 15/11/2021, TP.HCM đã cấp phép 27.085 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 464.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 26% và vốn giảm gần 51%. 

Theo Báo Đầu tư
Số lượt đọc: 1497
Thông báo