BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 23/11/2024
Phía Nam
Phải biến tăng trưởng xanh trở thành yêu cầu tự thân của nền kinh tế
Thứ Hai, 17/11/2014 10:21
Phải biến tăng trưởng xanh trở thành yêu cầu tự thân của nền kinh tế

“Chúng ta phải biến quyết tâm theo đuổi chính sách và mục tiêu tăng trưởng xanh trở thành yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững”. Hội nghị này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ngày 7/11/2014 trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC 2014 tại Sóc Trăng. 

Tăng trưởng xanh - sự lựa chọn tất yếu

Hiện nay, trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện những nỗ lực nhằm đồng thời vừa giải quyết các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong xu thế chung toàn cầu đó, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh rõ ràng không còn là một xu hướng, mà trở thành một lựa chọn tất yếu của Việt Nam.

 “Chúng ta không thể chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, mà phải quyết định làm đúng ngay từ đầu để các thế hệ sau này không phải sửa sai và tốn kém chi phí điều chỉnh. Và, hội nghị này nhằm mục đích trao đổi và góp ý sâu hơn đối với các vấn đề về tăng trưởng xanh, hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững gắn với việc phát huy các nguồn lực của đất nước nói chung, các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ nói riêng”, ông Hiếu nói.

“Chúng ta phải biến quyết tâm theo đuổi chính sách và mục tiêu tăng trưởng xanh trở thành yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh

Trong đó, sự kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với sự gia tăng hàm lượng các yếu tố xanh trong tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế... sẽ là điểm nhấn.

Việt Nam đã hành động

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như có những hành động nhất định trên nhiều mức độ, khía cạnh, phương diện khác nhau trong thời gian qua gắn với việc thực hiện các kế hoạch tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Việt Nam đã tích cực tham gia các hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, tích cực giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, như: Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro, Brazin; Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững ở Johannesburg (Nam Phi); RIO+20,...

Việt Nam cũng đã ký Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, Chương trình nghị sự 21 toàn cầu..., đồng thời cam kết thực hiện phát triển bền vững.

Thứ trưởng Hiếu cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012; đồng thời công bố Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong hành động cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai các bước để biên kế hoạch thành hành động nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động liên quan, cũng như biện pháp triển khai cụ thể.

Kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia gồm 12 nhóm hoạt động, với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính sau: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững.

Đối với các ngành, trên cơ sở dự thảo khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, các Bộ/Ngành trung ương đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch hành động như: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao Thông Vận tải,…

Đối với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu và hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh: (1) Đưa nội dung tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020; (2) Hướng dẫn các địa phương nhanh chóng ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh trong đó có đánh giá và phối kết hợp với các chương trình quốc gia gắn với tăng trưởng xanh được triển khai tại địa phương như sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, trồng rừng, nông nghiệp công nghệ cao…

Đặc biệt, khuyến khích các Địa phương thu hút đầu tư vào các dự án gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đến nay, các địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ninh Thuận,… đã tích cực xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long chưa có địa phương nào chính thức ban hành kế hoạch hành động.

Song, vẫn nhiều vấn đề cần phải giải quyết

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cũng chỉ rõ, việc thực hiện tăng trưởng xanh, hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững không chỉ là thuận lợi bởi còn phải đối phó với một số khó khăn, không dễ vượt qua.  

Cụ thể, yêu cầu lớn về vốn cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo trong khi chúng ta thiếu các chính sách huy động nguồn lực tài chính;

Thứ nữa, năng lực và kinh nghiệm quản lý của các chủ thể liên quan còn hạn chế. Khó khăn trong việc huy động nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án đảm bảo tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, thị trường năng lượng nước ta vận hành chưa hiệu quả, nên chưa tạo động lực thay đổi công nghệ của một số ngành có tiêu thụ năng lượng lớn.

“Chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, tồn tại các mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng với mục tiêu bảo vệ môi trường...”, Thứ trưởng cho biết.

Còn TS. Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương), trong bài tham luận gửi tới Hội nghị, đã thẳng thắn chỉ rõ: “Tăng trưởng xanh có thể chỉ là khẩu hiệu chứ không phải là chính sách đặc biệt”.

Bởi theo ông, chi phí điều chỉnh (bao gồm chi phí cơ hội và cả thời gian để doanh nghiệp và người tiêu dùng thay đổi hành vi) cao. Cho đến nay vẫn chưa có cách đặt giá thích hợp đối với mọi đầu vào, bao gồm các nguồn lực tài nguyên và môi trường, “hạch toán môi trường” vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. “Tăng trưởng xanh” có thể chỉ là lựa chọn tốt thứ hai

Hơn nữa, ông lo ngại vấn đề chia sẻ chi phí và phân phối lợi ích không dễ được xử lý thích đáng (Trừ khi có sự hợp tác tích cực và hàng hóa công cộng toàn cầu thích hợp).

Để vượt qua thách thức, PGS.TS. Nguyễn Thế Chính, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình huống nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước; trong đó, nặng nhất là Đông bằng sông Cửu Long. 

“Về lâu dài cách sản xuất phải thay đổi dựa vào thiên nhiên, tức là quay lại sản xuất truyền thống nhưng có khoa học công nghệ, dựa vào thiên nhiên nhưng có công nghệ mới để duy trì bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Thế Chính chỉ rõ./.

Ngọc Tân

Số lượt đọc: 1950
Thông báo