Năm 2014, Bộ Công Thương ký Quyết định số 3909/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch, Sóc Trăng sẽ có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4m/s. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2m/s. Riêng giai đoạn đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.
Từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu 20 dự án cho 20 nhà đầu tư. Sau đó, có 2 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký là hơn 1.400 tỷ đồng, 3 dự án được Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đầu tư đăng ký hơn 181 tỷ đồng. Hiện nay, dự án lớn nhất đã được tỉnh cấp giấy phép là dự án Nhà máy điện gió Vĩnh Châu, với tổng mức đầu tư 70 triệu USD, quy mô dự án giai đoạn 1 có công suất từ 28,8 - 30 MW, diện tích dự kiến 1.600 ha.
Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ của dự án. Dự án được khởi công xây dựng từ đầu năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm nay, tổ máy 2 vào năm 2015. Dự án có tổng giá trị 1,2 tỷ USD, công suất lắp đặt 1.200 MW, với diện tích xây dựng 115 ha, khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ Kwh điện. |
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết từ năm 2013, đầu tư FDI tại tỉnh có nhiều khởi sắc và tăng mạnh. Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Long Phú số 02 có công suất 1.200 MW đang được Tập đoàn TATA Power Ấn Độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, với mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Theo dự kiến, việc xây dựng dự án nhiệt điện nói trên sẽ bắt đầu vào năm 2019. Những việc mà Tata Power cần làm sắp tới là hoàn thành kế hoạch về tài chính và đạt một thỏa thuận về mua bán điện. Ngoài ra, nhà máy Nhiệt điện Long Phú số 03 công suất 2.000 MW cũng đã được Tập đoàn Daelim - Hàn Quốc đăng ký đầu tư.
Ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành tại Việt Nam Tập đoàn TATA - cho biết: “Trọng tâm chính của chúng tôi hiện nay là dự án Nhà máy điện Long Phú, Sóc Trăng. Đây là một dự án BOT lớn (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với vốn gần 2 tỷ USD. Nhà máy có tổng công suất 1.320 MW và dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2019. Chúng tôi rất vui là một phần của dự án này, có cơ hội đóng góp một cách ý nghĩa cho ngành năng lượng của Việt Nam. Dự án đang tiến triển tốt. Chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương. Sau đó chúng tôi nhanh chóng bắt đầu các nghiên cứu kỹ thuật và khảo sát đất. Chúng tôi rất hài lòng với sự hợp tác của Bộ Công Thương và tỉnh Sóc Trăng. Chúng tôi hy vọng sẽ khởi công xây dựng sớm nhất sau khi hoàn thành các thỏa thuận có liên quan. Chúng tôi không thấy bất kỳ khó khăn gì cho đến bây giờ”.