BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Cơ hội đầu tư
Việt-Lào cần có những chính sách mới thúc đẩy hợp tác đầu tư
Thứ Ba, 29/03/2016 03:32
Việt-Lào cần có những chính sách mới thúc đẩy hợp tác đầu tư

"Hội nghị Hợp tác Đầu tư Việt Nam-Lào 2016" đã chính thức khai mạc ngày 27/3 tại thành phố Đà Nẵng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào phối hợp với các Bộ, ngành liên quan của hai nước và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Xuân Phúc cho biết, thông qua hợp tác đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào; sự thành công trong hợp tác đầu tư được khẳng định khi mức đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp ngày một tăng lên, nhiều dự án đầu tư rất thiết thực phục vụ an sinh xã hội tại Lào. 

'Các doanh nghiệp cần coi việc đầu tư vào Lào như là đầu tư tại Việt Nam; định hướng phát triển phải lâu dài, cần phải tạo điều kiện cho nhau tối đa. Những dự án đầu tư mới phải mang tầm chiến lược. Cần tập trung triển khai Hiệp định song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020; đồng thời, đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước, đẩy mạnh việc cải cách một cửa; đồng thời, cần có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư. 

Hai nước cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư. Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép và phải tuân thủ và chấp hành tuyệt đối pháp luật của địa phương khi triển khai các dự án đầu tư...,' Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Somsavat Lengsavat nhấn mạnh, hai nước cần xem xét và khẩn trương kiện toàn việc cải cách hệ thống cơ chế thủ tục, các bộ, ngành của cả hai nước; đồng thời, cần có cơ chế hợp tác song phương; cần có cuộc họp nội các sau cuộc họp thường niên của 2 Bộ Chính trị để triển khai những chủ trương mà 2 Bộ Chính trị thống nhất.

Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự phối hợp với chính quyền tại các địa phương để đầu tư vào Lào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho an sinh xã hội như các dự án về y tế, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, du lịch... 

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước. Hai nước có những tiềm năng phát triển lớn có thể bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển. Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa hình thành, cũng đã mở ra cơ hội mới trong việc hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là nhu cầu kết nối các nền kinh tế với nhau, giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và rộng hơn nữa là giữa Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan và Myanmar trong thời gian tới. 

Khác với các Hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm chủ yếu mang tính tổng kết, kiểm điểm và đề xuất xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam.

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam- Lào lần này dành phần lớn thời gian để tập trung vào nội dung có định hướng hợp tác đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn phía Lào để ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Lào cho các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư, kinh doanh tại Lào. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới tại Lào, tăng cường kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông ... trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra cuộc Tọa đàm giữa các cơ quan chức năng của Lào, Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào và các doanh nghiệp hai nước, với nội dung đánh giá về tình hình đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào; nhu cầu thu hút vốn đầu tư của Lào giai đoạn 2016-2020; định hướng và chính sách ưu tiên thu hút đầu tư từ Việt Nam của Lào. 

Cuộc Tọa đàm tạo điều kiện cho các địa phương của Lào giới thiệu tiềm năng, định hướng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi, thảo luận về các cơ hội đầu tư trên cơ sở danh mục các dự án kêu gọi đầu tư từ phía Lào...

Hội nghị cũng đã dành thời gian cùng nhau đánh giá về kết quả hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào thời gian qua; đồng thời cùng nhau bàn về định hướng hợp tác đầu tư giữa hai nước kèm theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ hai nước nhằm tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào trong thời gian tới, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. 

Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang Lào là 4,9 tỷ USD. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế-xã hội của Lào... 

Các dự án đầu tư hiện tại của Việt Nam đã tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào: khai thác và chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản... đồng thời tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động của Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động; bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào./. 
Số lượt đọc: 4258
Thông báo