BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Cơ hội đầu tư
Tình hình đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba
Thứ Hai, 27/09/2021 10:14
Tình hình đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba

Trong 6 thập kỷ qua, Việt Nam và Cuba luôn là người bạn cũng như đối tác thân thiết. Hiện tại, Cuba đang trong bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiêp Việt Nam.

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba từ ngày 18-20/9/2021, đây là thời điểm quan trọng để cùng nhìn lại tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba.

Hiện nay, Việt Nam có 04 dự án đầu tư sang Cuba còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 44,35 triệu USD tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, trong đó 03 dự án đã đi vào hoạt động; 01 dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.

Việc xây dựng Đặc khu Phát triển Mariel (ZEDM) là bước chuyển mình đầu tiên về thương mại của Cu-ba, đây là đặc khu kinh tế đầu tiên của Cuba mở ra cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào một thị trường anh em nói riêng cũng như thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước Mỹ La-tinh nói chung.

 Thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba

Tham gia vào thị trường đầu tư tại Cuba, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng rất nhiều ưu đãi và thuận lời về các mặt như pháp lý, thị trường, lao động và tiền tệ. Đầu tiên, các doanh nghiệp Việt nam được Chính phủ hai nước quan tâm hỗ trợ về thủ tục, cấp phép nhanh chóng, đặc biệt là với cơ chế 1 cửa Đặc khu kinh tế Mariel luôn nhiệt tình hỗ trợ nhà đầu tư trong tất cả các thủ tục cấp phép. Bên cạnh đó, Chính phủ Cuba còn có ưu tiên về thị trường khi chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất ưu tiên mua hàng tại Mariel nếu hàng hóa có giá bán cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, người lao động làm việc tại Mariel được hưởng chính sách thu nhập tốt hơn bên ngoài Mariel nên thu hút được nhiều lao động. Người lao động tại Cuba có trình độ cao, văn hóa cư xử nhiệt tình, hiền hòa nên thuận lợi cho việc đào tạo tay nghề. Đặc biệt là từ năm 2020, Cuba đã thực hiện chính sách một giá đối với đồng tiền nên tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp FDI.

Các thuận lợi kể trên là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam cân nhắc cơ hội đầu tư vào Cuba. Tuy nhiên các khó khăn bất lợi trong thị trường mới này cũng cần được xem xét đánh giá để đưa ra được chién lược toàn diện nhất. Trước tiên các doanh nghiệp cần quan tâm đến tình hình Covid 19 diễn biến phức tạp trong bối cảnh hiện tại. Dịch bệnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư dự án như thi công xây dựng, tiếp cận khách hàng và tài chính của doanh nghiệp; cán bộ nhân viên Việt Nam bị lây nhiễm nhưng việc tiếp cận vắc xin còn hạn chế. Thêm vào đó, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba gây khó khăn cho hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị,…làm cho thiếu nguồn nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị dẫn đến giá cả tăng cao, doanh nghiệp không chủ động được tiến độ thực hiện dự án. Máy móc, thiết bị, hàng hóa và vật tư sử dụng cho xây dựng, sản xuất hầu như không có, phải nhập khẩu dẫn đến chi phí tăng cao (gấp 2 đến 3 lần so với ở Việt Nam). Các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn và tài chính. Mặc dù Hiến pháp mới của Cuba đã cho phép thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do chưa có các văn bản hướng dẫn nên phía Cuba chưa xác nhận các tài sản của dự án dẫn đến việc vay vốn vẫn gặp khó khăn nên doanh nghiệp chủ yếu vẫn đầu tư bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Nhân công lao động giá thành cao, các doanh nghiệp không chủ động tuyển dụng được người lao động có năng lực mà phải qua đơn vị cung ứng lao động xét duyệt và triển khai cấp phép; doanh nghiệp phải đầu tư và tổ chức phương tiện vận chuyển đưa đón người lao động từ nhà đến nhà máy, khoảng cách đưa đón và di chuyển khá xa từ 45 - 50 km, di chuyển mất khoảng từ 01 đến 1,5 giờ. Đặc biệt là thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy phép con, giấy phép đầu tư thường rất lâu (gấp khoảng 3-4 lần Việt Nam) và công tác phối hợp các đối tác Cuba còn hạn chế do các đơn vị của Cuba phải làm việc theo kế hoạch nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

 Định hướng hợp tác đầu tư với Cuba thời gian tới

- Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hiện Cuba có tiềm năng và đang khuyến khích đầu tư như xây dựng, năng lượng điện, sản xuất chế biến thực phẩm, du lịch, khai thác dầu khí, viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ logistic, xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng, công nghiệp dược và công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến đường và phụ phẩm từ cây mía, lĩnh vực công nghiệp, mỏ và hoạt động bảo hiểm.

- Tiếp tục đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như gạo, càphê, sản phẩm hoá chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng….

- Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị đầy đủ kỹ càng thông tin về các đối tác và thị trường Cuba để đảm bảo kinh doanh thành công. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Cuba và Cục Đầu tư nước ngoài để có được kế hoạch kinh doanh tốt, các đối tác tốt cũng như cách tiếp cận tinh tế, phù hợp với văn hóa của nước bạn.

- Cuba hiện đang tham gia nhiều thỏa thuận kinh tế trong khu vực Caribbean và Mỹ Latin với khá nhiều ưu đãi từ thị trường này. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên e ngại trị trường Cuba bởi yếu tố khoảng cách địa lý xa xôi, quy mô thị trường nhỏ mà cần nhìn xa hơn về một thị trường rộng lớn hơn đó là vùng Caribbean và khu vực Mỹ Latin.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 6848
Thông báo