Luật đầu tư số 67/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật
đầu tư) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 26/11/2014
và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính
phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật đầu tư. Trong thời gian Nghị định nêu trên chưa được ban hành, Bộ Kế hoạch
và Đầu tư đề nghị quý Cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của
Luật đầu tư và triển khai một số việc sau:
1. Về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư:
a) Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết
định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy
định tại Điều 34 Luật đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu
công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (sau đây gọi chung là
Cơ quan đăng ký đầu tư) nơi dự kiến thực hiện dự án đầu tư. Trình tự, thủ tục,
nội dung quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật
đầu tư.
b) Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ
trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định
tại Khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư. Trình tự, thủ tục, nội dung quyết định chủ
trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật đầu tư.
2. Về thủ tục tiếp nhận, cấp, điều chỉnh Giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư:
a) Cơ quan tiếp nhận, cấp, điều chỉnh Giấy chứng
nhận đăng ký đầu tư
Từ ngày 01/7/2015, thẩm quyền tiếp nhận, cấp,
điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 38
Luật đầu tư.
b) Về hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư:
- Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối
với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại
Khoản 1 Điều 33, Khoản 1 Điều 34 hoặc Khoản 1 Điều 35 Luật đầu tư, tương ứng
với từng loại dự án đầu tư.
- Đối với dự án không thuộc diện thực hiện thủ
tục quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại
Điểm a Khoản 2 Điều 37 Luật đầu tư.
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực
hiện theo quy định tại Điều 37 Luật đầu tư.
3. Về thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà
đầu tư nước ngoài:
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế
tại Việt Nam thực hiện theo thủ tục sau:
a) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật đầu tư.
b) Thủ tục đăng ký thành lập tổ chức kinh tế theo
quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại
hình tổ chức kinh tế sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tỷ lệ sở
hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế được quy định tại Khoản 3
Điều 22 Luật đầu tư.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án
thông qua tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật
đầu tư.
4. Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua
cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:
a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp theo quy định của pháp luật về chứng khoán thực hiện theo quy định
tại Khoản 2 Điều 4 Luật đầu tư.
b) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp vào tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp nêu tại điểm a Mục này
thực hiện theo quy định tại các Điều 24, 25 và 26 Luật đầu tư.
5. Về áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với
tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:
Điều kiện, thủ tục đầu tư áp dụng đối với tổ chức
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 23
Luật đầu tư.
6. Về dự án đang thực hiện của nhà đầu tư trong
nước:
Đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước đã
được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2005, nhà đầu tư
tiếp tục thực hiện dự án đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp hoặc tiếp
tục thực hiện dự án đầu tư nhưng nộp lại Giấy chứng nhận đầu tư cho Cơ quan
đăng ký đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng
nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư hướng
dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và sử
dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để tạo mã số dự án và cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
7. Về biểu mẫu thực hiện hoạt
động đầu tư, mã số dự án:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có
công văn số 4326/BKHĐT-ĐTNN ngày 30/6/2015 gửi quý Cơ quan.
Biểu mẫu thực hiện hoạt động đầu
tư, mã số dự án đầu tư thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4326/BKHĐT-ĐTNN
ngày 30/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
8. Về việc giải quyết hồ sơ dự
án đầu tư tiếp nhận trước ngày Luật đầu tư có hiệu lực thi hành:
a) Trường hợp nhà đầu tư
đã nộp hồ sơ dự án đầu tư trước ngày 01/7/2015 nhưng đến ngày 01/7/2015 chưa
hết thời hạn xem xét cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của
Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, nhưng chưa được cấp Giấy chứng
nhận đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh hồ sơ dự án
đầu tư (nếu có) và thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
b) Đối với hồ sơ dự án đầu tư nộp trước ngày
01/7/2015 nhưng đến ngày 01/7/2015 đã hết thời hạn để Cơ quan đăng ký đầu tư
xem xét cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư và đã đủ hồ sơ hợp lệ theo quy
định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Cơ
quan đăng ký đầu tư khuyến khích nhà đầu tư điều chỉnh hồ sơ dự án đầu tư để
được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư đề nghị tiếp tục cấp, điều
chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo hồ sơ dự án đầu tư đã nộp theo quy định của
Luật đầu tư năm 2005, Cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để
xem xét hướng dẫn.
c) Dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền quyết
định chủ trương đầu tư hoặc cho phép thực hiện dự án đầu tư trước ngày Luật đầu
tư có hiệu lực thi hành thì không phải thực hiện lại thủ tục quyết định chủ
trương theo quy định của Luật đầu tư.
d)
Trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét, thẩm định, phê duyệt lại các
nội dung đã được xem xét, thẩm định, phê duyệt trước đó.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh
vướng mắc, đề nghị các địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp
thời hướng dẫn./.
Công văn đính kèm