Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, được vun đắp bằng tình hữu nghị và những nỗ lực chung của Chính phủ và nhân dân hai nước. Đối với Việt Nam, Nhật Bản luôn có vị trí đặc biệt quan trọng dựa trên nền tảng Quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, hai nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP - 2008), cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây chính là những nền tảng thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.
Về đầu tư nước ngoài, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.792 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,2 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản như Sumitomo, Toyota, Honda, Mitsubishi,.. đều đã đầu tư thành công và lâu dài tại Việt Nam.
Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại song phương ở mức cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ lẫn nhau.
Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn và thách thức lớn chưa từng có do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay. Các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu đến khâu sản xuất, tiêu thụ đều bị gián đoạn, đứt gãy đã gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khó khăn và thách thức lại mở ra nhiều cơ hội mới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản rất thành công, đạt được những kết quả toàn diện, vừa cụ thể vừa có ý nghĩa chiến lược, tạo ra những dấu ấn lớn cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Tại các cuộc tiếp xúc và trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã ký kết và trao đổi hơn 50 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD. Như vậy, tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên là rất lớn, cánh cửa đang rộng mở chờ chúng ta khai phá, hợp tác cùng có lợi.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương hoan nghênh và chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên cùng có tiềm năng hợp tác như: điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, môi trường,... Đây cũng đều là những lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản và định hướng thu hút hợp tác ĐTNN của Việt Nam trong thời gian tới.
Qua khảo sát của JETRO cho thấy, từ năm 2015 trở lại đây, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đầu tư Việt Nam cao hơn so với ở các quốc gia khác, ở nhiều lĩnh vực, trong đó, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm ưu thế.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội Takeo Nakajima cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam và đánh giá cao chất lượng lao động của Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng sử dụng các giảm đốc điều hành doanh nghiệp là người Việt Nam ngày một nhiều.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, dưới 40%, nên cần cải thiện chỉ tiêu này để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể chủ động được chuỗi sản xuất, không bị đứt gẫy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trong những năm qua, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, Quảng Ninh đã xuất sắc duy trì 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020) đạt vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kết quả này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, Hội nghị được tổ chức tại là sự tiếp nối với bước phát triển mới, cao hơn trong mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh Quảng Ninh và các đối tác Nhật Bản vốn đã rất chặt chẽ, sâu rộng. Đồng thời, là biện pháp cụ thể để triển khai ngay Tuyên bố chung đạt được giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa qua.
Đồng thời khẳng định, với những thế mạnh nổi trội, Quảng Ninh luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà Tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Thứ trưởng Trần Quốc Phương và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, 2 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh và Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn KDDI (Nhật Bản) đã được ký kết, mở ra một trang mới trong quá trình hợp tác giữa các bên./.