Nhằm khắc phục những khó khăn do tác động của dịch COVID-19, trong năm qua tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như tổ chức tiêm phòng cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19; tạo điều kiện về nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ hoạt động logistics nhất là vận tải hàng hóa....
Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy số 2.
Đồng thời triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao… Tạo điều kiện để các dự án đầu tư vốn nước ngoài được thuận lợi triển khai và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ như: Dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất linh kiện camera modul của Công ty TNHH McNex Vina; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam; dự án xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng của Công ty TNHH Global Tone… qua đó đã tạo uy tín với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Ninh Bình.
Năm 2021, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, đất đai, xuất nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; tiếp tục cải tiến quy trình, áp dụng hệ thống thông quan điện tử, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện quy trình về thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại.
Năm 2021, Ninh Bình đã thu hút được 07 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 63,76 triệu USD, tương đương 1.476,21 tỷ đồng (tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020). Tỉnh tổ chức quản lý, theo dõi việc triển khai thực hiện 04 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc các lĩnh vực thủy lợi, y tế, đất đai với tổng mức đầu tư của các dự án trên 1.725 tỷ đồng.
Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 toàn tỉnh đạt 100.105,3 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với năm 2020.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược theo định hướng, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội thị trường và ưu đãi theo tinh thần các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc, EU, các nước theo Hiệp định CPTPP... để thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Các cấp, ngành trong tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chia sẻ dữ liệu thông tin về các thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, chủ động vận động, thu hút nguồn vốn ODA, vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài có tính ưu đãi cao, phù hợp với nguồn lực, khả năng hấp thụ của tỉnh để đầu tư cho các công trình quan trọng, trọng điểm, có tính lan tỏa làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá, cung cấp thông tin, tài liệu về tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.