BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Miền Bắc
Thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Cần gỡ những vướng mắc
Thứ Tư, 12/01/2022 11:26
Thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Cần gỡ những vướng mắc

Sau 23 năm xây dựng và phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc ngày càng rõ nét là một đô thị khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu trở thành vùng lõi của đô thị Hòa Lạc theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Tuy nhiên, để thúc đẩy việc thu hút nhà đầu tư, tạo động lực cho phía Tây Thủ đô "cất cánh", Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần tập trung giải quyết những vướng mắc còn tồn tại.

Hình thành hệ sinh thái ban đầu cho lĩnh vực công nghệ cao

Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi tập trung, liên kết đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển, ươm tạo, ứng dụng, chuyển giao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Đến nay, khu đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) - một trong những đơn vị có trụ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết: "Chúng tôi đã được Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc giúp kết nối rất hiệu quả với đối tác ở các nước và vùng lãnh thổ, như: Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... để phát triển lĩnh vực thực phẩm chức năng. Một cái lợi nữa là tiền sử dụng đất và cơ chế được hỗ trợ rất tốt...”.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung, các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khí chính xác, tự động hóa... Hiện tại đã có một số sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu được phát triển, sản xuất tại khu. Đặc biệt, tại đây đã hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa được như kỳ vọng. Về vấn đề này, ông Trần Đắc Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do khâu giải phóng mặt bằng và cơ chế, chính sách cho phát triển tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường. Trong khi đó, các dự án đầu tư vào khu phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian.

Nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách đặc thù

Là khu công nghệ cao duy nhất của cả nước không trực thuộc chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thành phố Hà Nội thời gian qua đã phát triển trên 5 lĩnh vực: Thu hút đầu tư; thực hiện các thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nhân lực, tuyển dụng lao động; bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh và các nước khác cho thấy, để Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, còn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội quản lý sẽ giải quyết được một số vướng mắc. Trước mắt, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Dự kiến đến năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động, vận hành theo mô hình đô thị thông minh.

Để đạt được mục tiêu này, khu sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để tăng cường hoạt động khoa học - công nghệ; tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế; đẩy mạnh truyền thông, định vị thương hiệu của khu; áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm trong các lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa... “Chúng tôi sẽ rà soát quy hoạch phân khu xây dựng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo định hướng phát triển thành các khu phức hợp đa chức năng, có đầy đủ công trình hạ tầng xã hội và nhà ở”, ông Trần Đắc Trung nói.

Về phía Hà Nội, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

"Thành phố sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư; đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối và hạ tầng xã hội trong khu; thúc đẩy đầu tư và cung cấp các dịch vụ công phục vụ nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc tại đây", ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin.

Theo hanoimoi.com.vn
Số lượt đọc: 7569
Thông báo