BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Ngành, Lĩnh vực
Đầu tư nước ngoài trước triển vọng mới
Thứ Ba, 25/01/2022 10:13
Đầu tư nước ngoài trước triển vọng mới

Bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thu hút FDI 2021 vẫn tăng 9%, vượt mốc 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này cho thấy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thật sự là điểm sáng kinh tế năm 2021, góp phần hỗ trợ đầu vào về vốn đầu tư cho phát triển cũng như duy trì mức tăng trưởng dương của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, cũng khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam và hứa hẹn những triển vọng mới trong kinh doanh, đầu tư năm 2022.

Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Hiện tại, Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp (DN) trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Đánh giá về triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới, ông Harry Loh, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam nhận định, với việc chuyển hướng trong ứng phó với đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, theo kết quả khảo sát mới nhất, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng thời, 55,3% DN Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đối chiếu với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này cao, chỉ sau Ấn Độ với 70,1%; Bangladesh 68,0% và Pakistan với 67,4%. Điều đó cũng cho thấy Việt Nam vẫn chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo đó, một trong những lý do khiến DN Nhật Bản quyết định sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam là sự kỳ vọng vào tăng doanh thu tại thị trường sở tại; tiềm năng và tăng trưởng cao; tăng doanh thu do mở rộng thị trường xuất khẩu. Đánh giá về sức hấp dẫn và những vấn đề về môi trường đầu tư tại Việt Nam, 69,3% DN Nhật Bản cho rằng Việt Nam có quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng.

Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế về chính trị ổn định, có lợi thế nhân công rẻ. Năm 2022, theo dự báo của ông Takeo Nakajima, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn, đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có 25 thỏa thuận đầu tư được ký kết với tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ USD, đây chính là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn Nhật Bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Về làn sóng đầu tư FDI và xu hướng dịch chuyển của một số đối tác lớn, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ thu hút được các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ sở sản xuất để xuất khẩu tại thị trường mới.

Việt Nam tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất, công nghiệp phụ trợ và là điểm đến quan trọng của nhiều DN Đài Loan với vốn cam kết hàng năm chiếm đến 1/3 tổng vốn đầu tư mà các nhà đầu tư từ vùng lãnh thổ này cam kết vào khu vực ASEAN.

Ngoài ra, công nghệ, sản xuất, dược phẩm, năng lượng là những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI của khu vực châu Âu. Gần 90% DN Đức tham gia khảo sát không có ý định giảm đầu tư tại Việt Nam, thậm chí khoảng một nửa số DN còn dự định mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Tạo điều kiện thuận lợi để đón nhận các dòng vốn từ các Tập đoàn lớn chuyển dịch vào Việt Nam.

FDI- cơ hội mới cho phục hồi và tăng trưởng

Năm 2022 được dự báo sẽ là thời gian thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, tạo thế liên hoàn và kết nối về giao thương giữa Việt Nam và thế giới trong khi nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại. Có thể nói, DN FDI đang đứng trước cơ hội mới cho phục hồi và tăng trưởng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, năm 2022 cũng là thời điểm các DN, tập đoàn đa quốc gia của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ… tranh thủ tái cơ cấu, phần bổ nguồn lực và mạng lưới sản xuất-cung ứng toàn cầu của mình.

Do vậy, Việt Nam vẫn có thể khai thác tốt các dư địa, phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh với nhiều nước và khu vực khác nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư-kinh doanh ngày càng cải thiện và tiến bộ. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông và năng lượng đồng bộ hơn nên sẽ hấp dẫn DN nước ngoài trong việc sắp xếp mạng lưới sản xuất theo xu hướng đa dạng hóa khu vực sản xuất, đẩy mạnh sản xuất cũng như chủ động trong xuất khẩu.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, Bắc Ninh kiên định thực hiện tiêu chí “2 ít và 3 cao” (ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao) để thu hút đầu tư. Đồng thời, thực hiện “5 sẵn sàng”, gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch. Ngoài ra, Bắc Ninh còn có cơ chế, chính sách nhằm giữ chân và tạo niềm tin với nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nếu địa phương nào cũng làm được thế, vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào…

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, trong năm 2021, Vĩnh Phúc đã thu hút được 1,025 tỷ USD vốn FDI, tăng 51,29% so với cùng kỳ; thu hút 21,8 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 143,07% so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo; hạ tầng KCN, CCN, đô thị, nông nghiệp. Năm 2022, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút đạt 450 triệu USD vốn FDI, 10.500 tỷ đồng vốn DDI.

Để chuẩn bị giải pháp thu hút vốn FDI trong thời gian sắp tới, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, các DN Việt Nam đã thực hiện quyết liệt các giải phát trong Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Việt Nam đã tập trung chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đón đầu, đáp ứng được yêu cầu về năng lực cho những dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao và áp dụng các gói ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt, vượt trội để thu hút các dự án lớn, có chất lượng cao của các Tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đón nhận các dòng vốn từ các Tập đoàn lớn chuyển dịch vào Việt Nam. Thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đàm phán, hỗ trợ cho các dự án lớn. Tăng cường năng lực nội tại của DN trong nước và kết nối với DN nước ngoài, sẵn sàng tham gia chuỗi sản xuất. 

Theo Công an nhân dân
Số lượt đọc: 1121
Thông báo