FDI toàn cầu tang 7,7% trong năm 2021 (ảnh TTXVN)
Theo báo cáo xu hướng đầu tư “Investment Trends Monitor” của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 19/1, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.
Cụ thể, FDI toàn cầu tăng 77% từ mức 929 tỷ USD vào năm 2020 lên ước tính 1.650 tỷ USD, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Trong tổng mức tăng của dòng vốn FDI toàn cầu vào năm 2021 (718 tỷ USD), hơn 500 tỷ USD, tương đương gần 3/4 mức trên, được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển.
Báo cáo cho thấy, các nền kinh tế phát triển có mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay, với vốn FDI ước đạt 777 tỷ USD vào năm 2021 - gấp ba lần mức đặc biệt thấp vào năm 2020. Ở châu Âu, hơn 80% dòng vốn gia tăng là nhờ sự thay đổi lớn trong các nền kinh tế chính. Dòng tiền vào Mỹ cũng tăng hơn gấp đôi, chủ yếu nhờ sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A).
Các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất (LDC) có mức tăng trưởng phục hồi khiêm tốn hơn.
Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 30% lên gần 870 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng ở Đông và Đông Nam Á đạt mức 20%, Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận dòng vốn phục hồi về gần mức trước đại dịch, và lượng tiền FDI đổ về Tây Á tăng.
Dòng tiền vào châu Phi cũng tăng, song hầu hết các nước nhận đầu tư trên khắp châu lục đều thấy FDI tăng chỉ ở mức vừa phải.
Tuy nhiên, sự phục hồi trong các lĩnh vực phát triển vẫn còn mong manh. Nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng tăng do các gói kích thích phục hồi, nhưng hoạt động đầu tư vào lĩnh vực xanh vẫn còn yếu trong các lĩnh vực công nghiệp.
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nhấn mạnh: Sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển là điều đáng khích lệ, nhưng sự trì trệ đầu tư mới ở các nước kém phát triển nhất trong các ngành quan trọng đối với năng lực sản xuất và các lĩnh vực chính thuộc Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - như điện, thực phẩm hoặc y tế - là nguyên nhân chính gây lo ngại.
Triển vọng FDI toàn cầu vào năm 2022 là tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phục hồi năm 2021 khó có thể lặp lại. Nguồn vốn dự án quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng, trong khi việc đại dịch COVID-19 kéo dài và rủi ro về những đợt dịch mới tiếp tục là yếu tố đe dọa có thể gây giảm sút mạnh.
Các rủi ro quan trọng khác, bao gồm tắc nghẽn về lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả FDI trong năm nay./.