BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Ngành, Lĩnh vực
Hải Phòng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng
Thứ Ba, 08/02/2022 10:57
Hải Phòng: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng

Năm 2021, tốc độ tăng của Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 19,28% cao hơn tốc độ tăng IIP của toàn ngành công nghiệp (18,15%).

Đây là kết quả khá ấn tượng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, thể hiện sự bứt phá của Thành phố. Hải Phòng thực sự đã và đang phát huy tốt vai trò, vị thế là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 đã có sự phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và thể hiện vai trò quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng trong GRDP thành phố…

Bình quân giai đoạn 2016-2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành CBCT tăng 22,59%/năm, cao hơn IIP của toàn ngành công nghiệp (20,64%/năm). Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng IIP của ngành công nghiệp lần lượt là 16,9%; 22%; 25,3%; 24,3 và 14,6%; trong đó tốc độ tăng IIP của ngành chế biến, chế tạo là 18,5%; 25,7%; 27,6%; 25,5% và 16,1%. Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 42,8% (năm 2020 đạt 38,97%); tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt 50%, tăng 3,5% so với kế hoạch năm và cao hơn so với năm 2020 (45,5%).

Tuy nhiên, theo ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng, dù đạt được những thành tựu đáng kể song công nghiệp chế biến chế tạo cũng còn những hạn chế nhất định. Do độ mở kinh tế Hải Phòng lớn (năm 2020 là 157%), ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ khan hàng trước các biến động của thị trường thế giới, điển hình như đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp trong nước đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu; việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học trong các doanh nghiệp chế biến, chế tạo còn yếu; sản xuất các sản phẩm phụ trợ còn thiếu nhiều chủng loại. Phần lớn doanh nghiệp chế biến, chế tạo là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhìn chung thấp.

Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xác định, Hải Phòng phải đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Từ mục tiêu đó, Đảng bộ Thành phố xác định công nghiệp là 1 trong 3 trụ cột phát triển cùng với cảng biển và du lịch, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, thành phố sẽ cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo; điện tử- tin học; công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có đóng góp lớn cho ngân sách như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí, công nghệ thông tin, viễn thông, hóa dầu, hóa mỹ phẩm, dược phẩm...

Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, hầu hết các nhà máy công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đều ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và được thu hút đầu tư một cách có chọn lọc. Với sự hiện diện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và thế giới như LG, Bridgestone; Fuji Xerox; GE; Roze Roboted... sản phẩm sản xuất tại Hải Phòng đều nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế công nghiệp Hải Phòng.

Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Tập đoàn điện tử Pegatron, nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... đang hoàn tất quá trình đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp DEEP Hải Phòng, với tổng vốn khoảng 481 triệu USD để sản xuất thiết bị điện tử (điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch...), chuẩn bị đưa vào hoạt động. Cũng tại KCN DEEP C Hải Phòng, USI Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp bảng mạch điện tử với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Tesa cũng mới đầu tư 55 triệu USD xây dựng nhà máy rộng 70.000 m2...

Việc thu hút FDI chất lượng cao, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chế biến trong nước. Có tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm thu hút đầu tư theo đúng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, xây dựng năng lực giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 13%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 200.000 tỷ đồng và thu hút 2,5 - 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giai đoạn 2021 - 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1,2 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần giai đoạn 2016 - 2020.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 1153
Thông báo