BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Ngành, Lĩnh vực
Vốn ngoại vào giáo dục tăng mạnh
Thứ Sáu, 04/12/2020 04:03
Vốn ngoại vào giáo dục tăng mạnh

Giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến, tạo lực kéo mạnh mẽ, giúp tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào giáo dục 9 tháng năm 2020 tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước

Bức tranh chung về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng của năm 2020 có phần co ngót với tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/9 đạt 21,2 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Tổng cục Thống kê, cả số dự án được cấp phép mới và giá trị góp vốn, mua cổ phần trong 9 tháng đều sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, có 1.947 dự án được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD, giảm 29,4% về số dự án và giảm 5,6% về vốn đăng ký; trong khi tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,7 tỷ USD, giảm tới 44,9%.

 

Ngược với xu hướng co cụm trên, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo lại tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp tác động tiêu cực của Covid-19.

 

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ ngày 1/1 đến 20/9/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi các dự án giáo dục được cấp phép mới trong 9 tháng đạt 41 dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 15,01 triệu USD, giảm 8 dự án và 1,47 triệu USD về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thì giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng vọt lên 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

 

Điều đáng nói là giá trị bình quân vốn góp tăng đáng kể, khi số lượt góp vốn trong giai đoạn 9 tháng năm 2020 là 96 lượt, không chênh nhiều so với con số 107 lượt cùng kỳ năm trước.

 

Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hàn Quốc, Mỹ và Singapore là những “đại gia” rót vốn lớn và bỏ xa những cái tên khác trong danh sách 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trong 9 tháng của năm 2020. Dẫn đầu là quần đảo Virgin với tổng vốn đăng ký 23,68 triệu USD, bằng 30% tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực giáo dục.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc Covid-19 tái bùng phát trong thời gian qua đã có ảnh hưởng nhất định tới nguồn vốn FDI, song rất nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

 

Thu hút đầu tư nước ngoài nói chung trong 9 tháng năm 2020 tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh, thì kết quả trên tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong mắt giới đầu tư quốc tế.

 

M&A và góp vốn có sức hút mạnh

 

Đây là những thỏi nam châm đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Đơn vị đầu tư giáo dục tiểu học Diamond Crest Global Limited từ quần đảo Virgin thuộc Anh ghi danh là nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần lớn nhất trong 9 tháng năm 2020. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Diamond Crest Global Limited đã triển khai thương vụ rót 17,6 triệu USD vào một công ty giáo dục quốc tế có trụ sở tại Hà Nội hồi tháng 5/2020.

 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.

Sức hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục tăng ngay giữa Covid-19, với việc MS English 2 Pte. Ltd (Singapore), một công ty con mà Myanmar Strategic Holdings Ltd (Myanmar) đang nắm 100% vốn, đã mua lại Công ty TNHH Wall Street English tại TP.HCM.

 

Điều đáng nói, thời điểm MS English 2 Pte. Ltd chào mua thì chuỗi trung tâm Anh ngữ Wall Street English vẫn đang gánh khoản lỗ ròng 1,4 triệu USD, còn doanh thu chưa kiểm toán trong vòng 12 tháng (tính đến ngày 30/4/2020) của Wall Street English đạt xấp xỉ 13,8 triệu USD và tổng tài sản là 3,4 triệu USD.

 

Đại diện Myanmar Strategic Holdings xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư, thương vụ mua lại Wall Street English được hoàn tất trong tháng 7/2020, sau 2 tháng xem xét và giao dịch hợp đồng mua bán.

 

Được biết, MS English 2 Pte. Ltd đã rót hơn 257.000 USD vào Wall Street English trong tháng 7.

 

Ngoài việc Wall Street English Việt Nam có nét tương đồng với hệ thống Wall Street English Myanmar, ông Enrico Cesenni, CEO của Myanmar Strategic Holdings cho biết, động thái mua lại Wall Street English Việt Nam là bước đi chiến lược của tập đoàn này.

 

“Mua lại Wall Street English Việt Nam là minh chứng cho khả năng đầu tư vào các thương vụ chiến lược tại khu vực, đồng thời tạo hợp lực rất tốt để tập đoàn  nâng cao năng lực hoạt động tại Myanmar”, ông Enrico Cesenni nói.

 

Đánh giá về Wall Street English Việt Nam, CEO Myanmar Strategic Holdings cho biết, số liệu sơ bộ cho thấy, Wall Street English Việt Nam có tệp khách hàng trên 6.000 học viên tại 7 trung tâm ở TP.HCM và Bình Dương. Các trung tâm Wall Street English ở Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận nhượng quyền 10 năm với Wall Street English International, tương tự thỏa thuận áp dụng cho Wall Street English Myanmar.

Theo baodautu.vn
Số lượt đọc: 2361
Thông báo