BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Số liệu FDI hàng tháng
Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2016
Thứ Sáu, 26/08/2016 04:30
Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài 7 tháng năm 2016

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.

1. Tình hình hoạt động:

Vốn thực hiện:

Tính đến ngày 20/07/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt  68,902 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 7 tháng đầu  năm 2016 đạt 67,544 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 69,7% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tính trong 7 tháng đầu năm 2016 đạt 55,397 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,2% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 13,505 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,147 tỷ USD không kể dầu thô.

2. Tình hình cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

Theo số liệu của hệ thống thông tin về Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20 tháng 7 năm 2016 cả nước có 1.408 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 8,695 tỷ USD, tăng 25.5% so với cùng kỳ năm 2015. Đến 20 tháng 07 năm 2016, có 660 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính chung trong 7  tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo lĩnh vực đầu tư:

Trong 7 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 598 dự án đầu tư đăng ký mới và 485 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,12 tỷ USD, chiếm 70,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 30 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,7 triệu USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 595,8 triệu USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư..

Theo đối tác đầu tư:

Tháng 7 tháng đầu năm 2016 có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,209 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,39 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,37 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư:

Trong 7 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 28 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,987 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,686 tỷ USD, chiếm 13%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,45 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 7 tháng đầu năm 2016 là:

- Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....

          - Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

- Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội.

- Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia; góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế.

- Dự án Midtown, tổng vốn đầu tư 225,62 triệu USD do Cayman Islands với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.

- Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt Sông Đuống, tổng vốn đầu tư đăng ký 224,3 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Hà Nội

 

3. Tình hình ĐTNN theo hình góp vốn, mua cổ phần

3.1. Tình hình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN với tỷ lệ góp vốn trên 50% hoặc trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện (nguồn thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN)

Theo số liệu thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài, tính từ 1/7/2015 đến ngày 20/7/2016, đã có 1.709 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tổng giá trị vốn góp là 1,894 tỷ USD.

Trong đó, tính riêng trong 7 tháng năm 2016 có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD. Số liệu chi tiết như sau:

Phân theo ngành: ĐTNN theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 33 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn góp 350,1 triệu USD, chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ có  tổng hợp đứng thứ 2 với 57 dự án, tổng giá trị vốn góp 318,9 triệu USD, chiếm 21% tổng số vốn góp. Lĩnh vực bán buôn 197 dự án và tổng giá trị vốn góp là 77,3 triệu USD, chiếm 5,1% tổng số vốn góp. Tiếp theo là các lĩnh vực vận tải hành khách hàng không, sản xuất sản phẩm từ plastic và các lĩnh vực khác.

Phân theo quốc gia: trong 7 tháng năm 2016, đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Trong đó Singapore dẫn đầu với 107 dự án, tổng giá trị vốn góp 488,4 triệu USD, chiếm 32,3% tổng số vốn góp. Hàn Quốc đứng hai với 331 dự án, tổng giá trị vốn góp 231 triệu USD, chiếm 15,2% tổng số vốn góp. Tiếp theo là các nhà đầu tư của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc với tổng số vốn góp lần lượt là 157 triệu USD, 130,8 triệu USD và 65,8 triệu USD….

3.2. Tình hình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ nhỏ hơn 50% (nguồn thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh)

Từ 1/7/2015 đến nay cả nước đã có 1.432 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nhỏ hơn 50%. Tổng giá trị vốn góp là 1,054 tỷ USD.

Như vậy tính chung từ 1/7/2015 đến nay đã có 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 2,948 tỷ USD.

4. Tình hình đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN tại Việt Nam

Theo số liệu từ Hệ thống thông tin quốc gia về ĐTNN, tính đến ngày 20/7/2016 có 3.040 dự án đầu tư còn hiệu lực từ các nước ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,475 tỷ USD. Trong đó Singapore là nước dẫn đầu với 1.663 dự án, tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam. Tiếp theo là Malaysia (13,8 tỷ USD, chiếm 21,5%); Thái Lan (9,4 tỷ USD, chiếm 14,6%); Brunei (2,1 tỷ USD, chiếm 14,6%). Một số ít dự án còn lại thuộc Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia.

Các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 1.176 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 27,68 tỷ USD, chiếm 42,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 114 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký 19 tỷ USD, chiếm 29,4%. Tiếp theo là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí nước, điều hoà; lĩnh vực xây dựng với tổng vốn đầu tư lần lượt là 3,37 tỷ USD và 2,9 tỷ USD.

Các dự án của các nước thuộc khu vực ASEAN tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với 1.316 dự án, tổng vốn đầu tư 17,33 tỷ USD, chiếm 26,8% tổng vốn đăng ký. Hà Nội xếp thứ hai với 469 dự án và tổng vốn đầu tư 8,39 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư.

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2016, đã có 181 dự án cấp mới từ các nước khu vực ASEAN vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,968 tỷ USD và 79 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 524 triệu USD. Tính chung trong 7 tháng năm 2016, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước ASEAN vào Việt Nam là 2,492 tỷ USD, chiếm 19,26% tổng vốn đầu tư của tất cả các đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng.
Bảng số liệu: FDI 7T.2016

Số lượt đọc: 3666
Thông báo